Giá cả tăng cao trong khi thu nhập của công nhân (CN) không tăng, lại thêm công việc thất thường, nên với những CN ở trọ, họ luôn phải tính toán hàng trăm thứ chi tiêu. Tiền ăn uống, chợ búa, tiền phòng trọ, tiền gửi về quê…
Giá cả tăng cao trong khi thu nhập của công nhân (CN) không tăng, lại thêm công việc thất thường, nên với những CN ở trọ, họ luôn phải tính toán hàng trăm thứ chi tiêu. Tiền ăn uống, chợ búa, tiền phòng trọ, tiền gửi về quê… tất cả đều trông chờ vào đồng lương. Do đó, đời sống của nhiều CN đang trở nên vất vả trong từng bữa ăn…
Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng, lương thực, thực phẩm tăng cao đã khiến đời sống của nhiều người trở nên khó khăn. Với CN, bữa ăn của họ vốn đã đơn giản, nay càng đạm bạc hơn… Trò chuyện cùng chúng tôi trên đường vào chợ Suối Tân (xã Suối Tân, huyện Diên Khánh), chị Trần Thị Huyền, quê Quảng Trị, CN Công ty Trúc An cho biết: “Tốt nghiệp lớp 12, gia đình khó khăn nên em không thi đại học. Nghe một người cùng quê giới thiệu các công ty tại Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu đang tuyển CN nên em tới đây làm, cũng được hơn nửa năm rồi. Cuộc sống vất vả lắm!”.
Công nhân luôn phải cân nhắc chi ly từng bữa ăn sao cho tiết kiệm nhất. |
Đến chợ, Huyền mua 1 bó rau cải, 2 quả dưa leo, một ít cá vụn hết 5 - 7 nghìn đồng. Hỏi chị, với chừng ấy thức ăn sẽ làm được những món gì, chị nói: “Chúng em thường mua các loại thức ăn rẻ mà nhiều. Mỗi bữa, tiền thức ăn không quá 10 nghìn đồng. Với chừng này thực phẩm, em có thể chế biến thành 3 món: Rau cải luộc chấm nước mắm, nước luộc rau pha với ít muối và bột ngọt làm canh, thêm cá kho là món thứ ba”.
Cùng vào chợ với chúng tôi còn có chị Nguyễn Thị Việt, quê ở Vạn Ninh, CN Công ty Phillips Seafood (Việt Nam). Theo tính toán của chị, trung bình thu nhập mỗi tháng khoảng 1,2 triệu đồng; tiền thuê nhà hết 200 nghìn đồng, gửi về quê 500 nghìn đồng giúp bố mẹ lo việc học hành cho các em, còn lại 500 nghìn đồng để lo ăn uống và chi tiêu lặt vặt, vì vậy mỗi khi cần tiền đi đám cưới bạn bè làm chung công ty, chị phải cắt bớt tiền ăn.
Cô Nguyễn Thị Hoa, một người bán thức ăn ở chợ Suối Tân cho biết: “Tôi bán thức ăn cho CN ở đây nhiều năm rồi, lúc nào cũng thế, CN chỉ mua những loại thức ăn ít tiền nên tôi cũng chỉ buôn các loại rau giá thấp”. Được biết, sau mỗi lần nhận lương, CN thường chọn mua trứng gà và cá khô vì các mặt hàng này rẻ và có thể để dành được ít ngày. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi CN đi chợ chỉ mất chừng 10 phút, ngoài các hàng bán thức ăn, rất hiếm thấy CN ghé vào các hàng bán áo quần, giày dép, mỹ phẩm… Tại các quán bán gạo, mắm, muối, dầu ăn…, những mặt hàng giá thấp bán rất chạy vì khách hàng chủ yếu là CN.
Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần của CN cũng không hơn. Đa số CN chỉ có phương tiện giải trí duy nhất là chiếc tivi. Bà chủ nhà trọ ở đường số 12, thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, cho biết: “Những người thuê trọ ở nhà tôi đều là CN ở KCN Suối Dầu. Đời sống của họ vất vả, ăn uống kham khổ lắm, những người đã lập gia đình, có con nhỏ, thu nhập không đủ sống nên đành dắt nhau về quê…”.
Được biết, hiện CN nhiều công ty chế biến thủy sản đang “sốt ruột” vì thiếu hàng sản xuất, thu nhập bị giảm sút. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng lại tăng dần vào dịp cuối năm. Tết đang đến gần nên từ mấy tháng nay, nhiều CN phải lo “thắt lưng buộc bụng” dành tiền về quê ăn Tết. Để tiết kiệm tiền, họ thường rất ít mua sắm đồ dùng, cắt giảm tiền ăn…
Rời KCN Suối Dầu, nghĩ đến bữa cơm chiều của CN ở KCN, chúng tôi chợt thấy “đắng miệng”. Tết đang đến gần nhưng việc làm của CN lại đang thất thường, không ít người đã bỏ về quê…
THỦY BA