Hiện nay, ở TP. Nha Trang xuất hiện khá nhiều nắp hố ga cao hơn mặt đường. Những “ổ gà”, “ổ voi” ngự giữa đường đã trở thành những “cái bẫy”, gây ra không ít tai nạn cho người đi đường…
Hiện nay, ở TP. Nha Trang xuất hiện khá nhiều nắp hố ga cao hơn mặt đường. Những “ổ gà”, “ổ voi” ngự giữa đường đã trở thành những “cái bẫy”, gây ra không ít tai nạn cho người đi đường…
Mặt đường Trần Quý Cáp lồi lõm, bong tróc, nhiều nắp hố ga cao hơn mặt đường từ 5 - 7cm. |
Thời gian gần đây, TP. Nha Trang đầu tư mở rộng và nâng cấp nhiều con đường trong nội thành; nhờ đó một số tuyến đường của thành phố đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số tuyến đường chưa được sửa chữa và nâng cấp như: Vân Đồn, Nguyễn Xiển… Không những thế, nhiều tuyến đường đã được sửa chữa, nâng cấp, mặt đường được thảm nhựa bằng phẳng như: Trần Quý Cáp, Thống Nhất, Lê Thành Phương… nhưng không hiểu vì sao những con đường này lại nhanh chóng xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”, gây khó khăn và tiềm ẩn tai nạn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, ở các tuyến đường này, mật độ các loại phương tiện tham gia giao thông tương đối cao. Chính vì thế, mặt đường nhanh chóng bong tróc và xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”, trở thành những “cái bẫy” đối với người đi đường. Vào ngày mưa, những nơi mặt đường trũng, thấp, xuất hiện những “ao nước” ngay giữa đường, khiến người tham gia giao thông không biết đâu mà mò! Vào ngày nắng, bụi bay mù mịt khiến nhiều người điều khiển phương tiện xe máy, xe đạp bức xúc mỗi khi đi sau ô tô. Ngoài ra, ở các tuyến đường này, những nắp hố ga thoát nước án ngự giữa đường và thường cao hơn mặt đường từ 5 - 10cm cũng trở thành những “cái bẫy” gây nguy hiểm cho người đi đường. Đã có không ít người sập “bẫy” vì những “ổ gà, ổ voi”, nắp hố ga trên đường.
Ông Võ Sỹ, chủ quán gạo Kim Loan (số 85 Trần Quý Cáp) cho biết: “Trước nhà tôi có 1 cái hố lớn, trời mưa, dù lớn hay nhỏ nước đều đọng lại, nhiều phương tiện qua lại không biết lao vào đã té ngã. Có ngày, tôi chứng kiến trên 10 vụ ngã xe do sa “bẫy”, trong đó, có 3 vụ phải đi cấp cứu, còn lại thì trầy xước, xe hỏng”. Ông Sỹ kể: “Vào khoảng 17 giờ ngày 3-10, trời mưa, có hai mẹ con đi xe máy đến trước cửa hàng nhà tôi thì sa “bẫy”, cháu bé văng ra khỏi xe, đầu đập xuống đường bất tỉnh, người dân đã nhanh chóng đưa hai mẹ con đi cấp cứu…”.
Trước khi làm đường, những hố ga thoát nước đều được các đơn vị thi công tính toán rất kỹ lưỡng. Nhưng không hiểu tại sao, giờ đây các hố ga đó lại lồi lõm giữa đường, trở thành những “gờ giảm tốc” gây nguy hiểm cho tất cả những ai tham gia giao thông. Bất an là tâm lý chung của rất nhiều người tham gia giao thông hiện nay. Ông Nguyễn Quang Minh (56 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết: “Tuổi tôi đã cao, tay chân không còn nhanh nhẹn, mỗi lần ra đường tôi phải đi chậm, chứ chẳng may mà vướng vào những “bẫy” đó thì chỉ khổ con, cháu!”. Nhiều người cho biết, họ đã đi rất cẩn thận nhưng vẫn gặp tai nạn do vô tình sập “bẫy”, bị té ngã. Khi đi trên đường, có người vì quá chăm chú để ý “bẫy” nên lại bị phân tâm dẫn đến va quệt với những phương tiện khác.
Hiện nay, những hố ga, “ổ gà”, “ổ voi” vẫn án ngữ giữa đường, vậy mà ít thấy đơn vị nào đứng ra sửa chữa. Nhiều nơi, người dân thấy sự nguy hiểm từ những “cái bẫy” này nên đã cắm cành cây, hoặc lấy đất, đá đổ lên những “ổ gà”ø, “ổ voi”, hố ga để cảnh báo người qua lại. Nhưng việc làm trên của người dân chỉ là tạm thời. Về lâu dài, các đơn vị quản lý giao thông cần sớm khắc phục để đem lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.
VĂN GIANG