Những tác động bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu thuyền, để lại những hậu quả nặng nề cho ngư dân...
Những tác động bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu thuyền, để lại những hậu quả nặng nề cho ngư dân. Bên cạnh các yếu tố khách quan do thời tiết, còn có nguyên nhân từ ý thức chủ quan của con người.
° Những hậu quả nặng nề
Phương tiện của ông Trần Hữu Thiện (Vĩnh Thọ, Nha Trang) bị sóng nhấn chìm tháng 11-2008. |
Tháng 10-2008, 54 ghe thuyền của ngư dân neo đậu tại cảng cá Lương Sơn, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bị sóng nhấn chìm. Gia đình bà Ngô Thị Gốc làm nghề giã cào; cơn bão số 10 “ghé qua” đã cướp đi chiếc ghe mà vợ chồng bà tích cóp mấy chục năm, khiến bà phải đi làm thuê làm mướn, 2 người con trai đành phải làm thuê cho các ghe hàng xóm, bữa đói, bữa no. Bà Gốc bộc bạch: “Ghe đi biển về mới đậu vào bờ, chưa kịp dọn dẹp thì đã bị sóng nhấn chìm, không lấy được thứ gì”… Ông Phạm Xuân Châu, người sống lâu năm ở xã Vĩnh Lương kể: Suốt 40 năm qua, Vĩnh Lương chỉ bị ảnh hưởng của bão, lụt. Nhưng cơn bão năm ngoái dữ quá và bất ngờ đến nhanh, sáng sớm chỉ có gió bình thường, rồi đùng đùng ập đến, trở tay không kịp. Bà con chỉ biết đứng nhìn, các cấp, các ngành có mặt cũng “bó tay”.
Không chỉ ảnh hưởng của bão, nhiều trường hợp còn “đau lòng” bởi những cơn sóng gió cấp 4, cấp 5, do phương tiện hành nghề không đủ thiết bị kỹ thuật như radio, máy bộ đàm, nên không nắm bắt kịp thời các thông tin thời tiết. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân chỉ dựa vào kinh nghiệm đi biển lâu năm, không dự đoán được thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc. Ông Trần Hữu Thiện, ở phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang), chủ phương tiện 2 mũi nhọn KH 03595 TS (máy D15), hành nghề câu tay, bị sóng nhấn chìm thuyền, trăn trở: “Tháng 11 năm ngoái, trên đường về bến cầu Xóm Bóng, vào đến cửa sông Cái Nha Trang, do sóng to gió lớn, máy lại hỏng không khắc phục được nên phương tiện trôi dạt vào bờ, bị sóng nhấn chìm, tuy được các cấp, các ngành giúp đỡ nhưng cũng phải bỏ phương tiện”. Anh Đặng Phước Hoàng, thuyền trưởng phương tiện KH 97669 hành nghề lưới cản (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) cũng tâm sự: “Nghe đài báo áp thấp nhiệt đới và có bão trong 1 - 2 ngày tới nên chúng tôi chủ quan và chỉ theo dõi hướng di chuyển của bão để tránh né; lại thấy thời tiết bình thường nên vẫn cứ đánh bắt. Nhưng bất ngờ gió to kéo đến rất nhanh, chúng tôi đành cứ thế kéo neo chạy, rất may không đúng tâm bão”. Anh Trần Văn Sỹ, máy trưởng của một phương tiện lưới cản (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) bộc bạch: “Phương tiện đang hành trình ở vĩ độ 200 Bắc, trong khi đang hành nghề thì trục trặc kỹ thuật, phương tiện không hoạt động được, trôi dạt vào gần đảo Bình Ba, rất may Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận được tín hiệu và kịp thời ra cứu”.
° Phối hợp đồng bộ từ nhiều phía
Khánh Hòa hiện có hơn 10 ngàn phương tiện lớn nhỏ hoạt động đủ ngành nghề khác nhau. Ảnh hưởng của mưa, lũ đã và đang báo động đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là với các chủ và người điều khiển phương tiện thủy. Hàng năm, chỉ ảnh hưởng các cơn bão và áp tháp nhiệt đới, ngư dân và đồng bào ven biển Khánh Hòa đã phải “chịu trận” khá nặng nề. Riêng năm 2007, Khánh Hòa đã xảy ra trên 100 vụ tai nạn trên biển, làm chết và bị thương 30 người, 16 phương tiện bị chìm, hư hỏng và mất tích. Năm 2008, cơn bão số 10 làm hơn 100 tàu, thuyền nhỏ của ngư dân bị sóng nhấn chìm, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Năm 2009, ngay khi chưa vào mùa mưa bão, Khánh Hòa đã xảy ra trên 10 vụ tai nạn trên biển.
Xác định bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những năm qua, các đồn, trạm Biên phòng trên toàn tỉnh luôn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân trong phòng, chống bão, lụt; đồng thời triển khai các kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên nắm bắt thông tin về thời tiết, khí hậu, kịp thời thông báo cho ngư dân thông qua các tổ công tác biên phòng, các đài canh báo bão và thông tin đến các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng đã cùng các ngành chức năng kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện hoạt động trên biển, bảo đảm đăng ký, đăng kiểm và có đủ trang bị an toàn. Thực tế, đối với phương tiện đánh bắt xa bờ, khi gặp thiên tai bất ngờ hay tàu thuyền bị hỏng hóc, phá nước làm chìm giữa biển thì thiệt hại về người và tài sản là khó tránh khỏi. Vì vậy, rất cần chấp hành các quy định đảm bảo an toàn hàng hải, trang bị đầy đủ thiết bị phát sóng vô tuyến điện, người điều khiển phương tiện phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn kỹ thuật để nắm bắt kịp thời mọi thông tin khi có bão. Tuy người đi biển cũng có tâm lý lo sợ khi ra biển mà có tin bão, nhưng có lẽ trước lúc cho ghe rời bến, hầu hết ngư dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro và vẫn liều mình ra biển vì những khó khăn trong cuộc sống, mong muốn kiếm tiền trang trải nợ nần, lo cái ăn cho gia đình. Tuy nhiên, ngư dân đi biển không thể vì mưu sinh mà quên đi ý thức phòng ngừa hiểm họa, tai nạn cho bản thân. Bởi, một khi tai họa xảy ra, không ai dám chắc sẽ may mắn trở về để tiếp tục là trụ cột cho vợ con mình trong cuộc mưu sinh.
Bài và ảnh: VĂN HUỆ