04:11, 07/11/2009

Một phụ nữ nghèo nhưng trái tim không “nghèo”

Tôi đến thăm cô Võ Thị Phường (57 tuổi) ở thôn Tân Thành, xã Ninh Ích (Ninh Hòa, Khánh Hòa) giữa lúc cô đang chuẩn bị cơm nước lên đường ra tận Hòn Thị mò ốc. Nhìn khuôn mặt kham khổ, đôi tay chai sạn của cô, không ai nghĩ rằng, chính cô Phường và mái nhà nghèo này là nơi đã cưu mang và đem lại hạnh phúc cho nhiều thân phận bất hạnh.

Tôi đến thăm cô Võ Thị Phường (57 tuổi) ở thôn Tân Thành, xã Ninh Ích (Ninh Hòa, Khánh Hòa) giữa lúc cô đang chuẩn bị cơm nước lên đường ra tận Hòn Thị mò ốc. Nhìn khuôn mặt kham khổ, đôi tay chai sạn của cô, không ai nghĩ rằng, chính cô Phường và mái nhà nghèo này là nơi đã cưu mang và đem lại hạnh phúc cho nhiều thân phận bất hạnh.

Cô Phường và em Cương chuẩn bị lưới đi bắt ốc.
Cô Phường và em Cương chuẩn bị lưới đi bắt ốc.

Cô dẫn tôi ra bãi biển, chỉ tay về phía Hòn Thị xa xôi tâm sự: “Cuộc sống của gia đình cô gắn liền với nghề “mò cua bắt ốc” ở nơi biển khơi này đã hơn 20 năm. Nhà cô tuy nghèo, nhưng thấy người khác khổ hay gặp hoạn nạn là cô sẵn sàng giúp đỡ”. Năm 1984, cô nhớ lần đầu tiên đưa về nhà nuôi anh Nhâm quê ở cùng làng. Hoàn cảnh của Nhâm rất đáng thương, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng khác, anh phải đi ở với chú ruột để nuôi các em của mình. Thấy cuộc sống của anh quá bần cùng, cô Phường đã đưa về nhà nuôi. Anh Nhâm bây giờ đã lập gia đình và có 5 con, nhớ lại những ngày được cô Phường chăm sóc, anh nói: “Năm đó, tôi 15 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình quá éo le, tôi được cô Phường đưa về nhà nuôi. Khi tôi 16 tuổi, tôi đã giúp được “mẹ nuôi” của mình đi mò ốc, buông lưới… Ơn nghĩa và tấm lòng của mẹ nuôi đến chết tôi cũng không trả hết”. Trường hợp ông Mai Văn Đại ở Ninh Ích còn thê thảm hơn. Nhà có 7 người con trai, nhưng ai cũng nghèo không nuôi nổi bố mình. Thấy ông bệnh nặng, hàng ngày cô Phường mang cơm nước đến tận nhà chăm sóc. Nhưng vì bệnh quá nặng, năm 1986, ông Đại đã qua đời. Lúc ấy, cô Phường đi gọi dân làng quyên góp tiền bạc và tự đứng ra lo ma chay. Anh Mai Xuân Đài, người con trai thứ 6 của ông Đại nhớ lại: “Cô Phường nhà lúc ấy nghèo lắm, nhưng suốt 1 năm, ngày nào cô cũng mang cơm, mang gạo đến nhà cho. Bữa cơm chỉ có rau, có muối, nhưng tình nghĩa và tấm lòng của cô thì rất sâu nặng”.

Không chỉ giúp những người cùng làng, cùng xóm, cô Phường còn nhiều lần giúp những người đi đường gặp nạn, không những vậy, với những người xấu số, cô cũng vận động bà con quyên góp tiền bạc tổ chức ma chay, xây mộ. Bà Nguyễn Thị Bé (82 tuổi) ở cùng làng với cô Phường cho biết: “Ở gần cô Phường đã nhiều năm, tôi thấy hiếm người tốt như cô ấy. Nhiều khi cô không có tiền, nhưng thấy người ta gặp hoạn nạn, là cô ấy đi vay, đi mượn về giúp ngay. Có lần, tôi chứng kiến cô Phường đi xin từng tấm tôn rách về che lại mái nhà. Nhìn thấy thế, tôi đã bật khóc. Nghèo mà làm được như thế, tôi khâm phục quá”.

Không thể kể hết những việc làm nhân hậu của cô Phường, chỉ biết rằng, nhiều mảnh đời bất hạnh đã tìm thấy hạnh phúc nhờ tấm lòng và trái tim nhân hậu của cô. Hiện tại, cô đang nuôi em Trương Văn Cương, người cùng làng với cô. Lúc mới về với cô Phường, Cương 14 tuổi, bây giờ em đã 16. Anh Trương Văn Lợi, bố của Cương bộc bạch: “Nhà nghèo quá, không nuôi nổi các con, cô Phường bảo đưa về nhà cô nuôi. Không ngờ thằng Cương nó về nhà cô ở thật. Mà ở đến năm này là năm thứ ba rồi đấy”. Còn Cương, khi nói về “mẹ nuôi” của mình, không giấu nổi xúc động: “Ngày đầu tiên đặt chân đến căn nhà này, em được “mẹ nuôi” lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ. Sau này, khi đã khôn lớn, em giúp được mẹ nuôi đi mò ốc, chèo ghe thả lưới, đi phụ nề… Em mang ơn “mẹ nuôi” nhiều lắm và xin hứa  sẽ không để “mẹ nuôi” buồn”.

Nhà cô Phường nghèo lắm, 2 căn nhà tôn đơn sơ ấy là nơi mà 11 người “chui vô chui ra”. Hiện cô vẫn còn nợ ngân hàng hơn 8 triệu đồng, số tiền đó đã hơn 16 năm mà cô vẫn không sao trả nổi. Nói đến đây, tôi bỗng thấy nét mặt đượm buồn và những giọt nước mắt của cô. Anh Trương Vĩnh Tuần, Thôn trưởng Tân Thành cho biết: “Cô Phường là một phụ nữ tốt. Nhà nghèo, nhưng tấm lòng và trái tim của cô thì không nghèo”. Ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trường hợp như cô Phường, ở xã rất hiếm. Chính quyền xã sẽ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cô vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống”.

ĐINH TIẾN GIANG