Về xã Ninh Giang, Ninh Hòa, “thủ phủ” của loài hoa cúc thời điểm này, chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí lao động sôi nổi, đầy hứng khởi của những người trồng hoa...
Về xã Ninh Giang, Ninh Hòa, “thủ phủ” của loài hoa cúc thời điểm này, chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí lao động sôi nổi, đầy hứng khởi của những người trồng hoa. Họ đang cố gắng khôi phục làng hoa sau những ngày bị ảnh hưởng mưa bão để mang lại sắc xuân tươi thắm…
Ông Phạm Neo, thôn Phong Phú 2 đang kiểm tra những chậu hoa. |
Nghề trồng hoa ở xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa từ lâu đã trở thành thế mạnh và đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Hiện toàn xã có hơn 350 gia đình gắn bó với nghề trồng hoa. Trong đó, hộ trồng nhiều nhất hơn 1.000 chậu, hộ ít nhất khoảng 200 - 600 chậu. Bình quân, một chậu hoa bán trong dịp Tết, giá dao động từ 90 - 300 nghìn đồng/chậu. Mỗi vụ, người trồng hoa thu được khoảng 30 - 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Thế nhưng, đầu tháng 11 vừa qua, cơn bão số 11 đổ bộ vào Khánh Hòa - Phú Yên đã khiến làng hoa Ninh Giang chịu thiệt hại lớn. Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Phú Thạnh, cho biết: “Vụ hoa năm nay, gia đình tôi trồng hơn 600 chậu, nhưng hôm bão vào, mưa lớn đã làm toàn bộ số hoa của gia đình ngập nước. Tuy trước đó chúng tôi đã chuyển toàn bộ hoa lên chỗ cao nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại”. Thời điểm bị ngập nước là giai đoạn hoa phát triển mạnh, thân cây mềm, dễ dẫn đến úng thân mà chết. Nhưng rất may cho làng hoa, đợt lũ vừa qua, nước rút nhanh nên số hoa bị chết không đáng kể.
Ông Ngô Thành, cán bộ Nông nghiệp xã Ninh Giang cho biết: “Sau khi nước rút, những gia đình có hoa bị ngập đã nhanh chóng sử dụng các biện pháp như: phun thuốc kích thích tăng trưởng, bón phân, thắp điện ban đêm… nên cây hoa dần phục hồi và phát triển bình thường”. Thế nhưng, theo nhiều người trồng hoa, do bị ngập nước nên năm nay tốc độ phát triển của cây hoa chậm hơn năm trước. Để phục hồi cây hoa, người trồng phải tốn nhiều chi phí nên ước tính, thu nhập năm nay sẽ thấp hơn mọi năm.
Nghề trồng hoa rất vất vả. Ngay từ tháng 4 (âm lịch) hàng năm, công việc của người trồng hoa đã bắt đầu. Nhiều người phải lên tận xứ hoa Đà Lạt mua giống về ươm, nhân giống, rồi chọn phân chuồng tốt, đúc chậu… Đến đầu tháng 8, họ mới đưa cây ươm vào chậu chăm bón, tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây hoa mà có những biện pháp chăm sóc khác nhau. Ông Phạm Neo, thôn Phong Phú 2, người có thâm niên hơn 15 năm trồng hoa cho biết: “Việc trồng hoa giống như nuôi con nhỏ, nâng như nâng trứng, luôn phải có mặt ngoài vườn để kiểm tra, chăm bón, tưới tiêu. Người trồng hoa phải có tính kiên nhẫn, khéo léo, nhẹ nhàng và phải có kỹ thuật trồng và chăm bón, uốn nắn để hoa nở đúng dịp Tết…”. Để cây hoa phát triển mạnh, định kỳ 3 ngày phun thuốc kích thích, thuốc bổ 1 lần; hàng ngày phải tưới nước từ 2 - 3 lần và tùy nhiệt độ của thời tiết để cung ứng đủ lượng nước cần thiết cho cây phát triển. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra xem cây hoa có mắc bệnh không để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Anh Lâm Du Bình, thôn Phong Phú 2 cho biết: “Cây hoa ở thời điểm này rất xanh non, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại sâu phá hoại. Trung bình, mỗi vụ hoa, tôi phun hết khoảng 2 triệu đồng tiền thuốc cho 600 chậu”. Khi cây hoa cao khoảng 30 - 40cm thì người trồng sẽ cắm cây, giằng dây thép cho hoa khỏi ngã và phát triển thẳng. Ở giai đoạn này, ban đêm họ phải thắp điện để hoa không bị lùn và tránh nở bông sớm. Khi hoa bắt đầu ra nụ cũng là thời điểm các nhánh con phát triển mạnh, lúc này người trồng hoa rất bận rộn với việc lặt nhánh, chọn nụ, bởi một cây hoa chỉ để lại một nụ…
Rời Ninh Giang, dọc hai bên đường chúng tôi thấy nhiều người dân vẫn đang miệt mài chăm bón, tỉa tót để phục hồi những vườn hoa. Với nỗ lực của những người trồng hoa, tin rằng Tết năm nay sẽ không thiếu những bông hoa khoe sắc.
VĂN GIANG