07:11, 05/11/2009

Khánh Hòa nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão lũ

Ngày 5-11, toàn tỉnh Khánh Hòa tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ. Các địa phương khẩn trương kiểm tra, thống kê, tổng hợp, báo cáo thiệt hại. Các ngành, đoàn thể tổ chức thăm viếng, phúng điếu người bị chết, hỗ trợ các trường hợp nhà sập, cứu trợ khẩn cấp...

 

° Mưa lũ đã làm 12 người chết, 1 người mất tích

Ngày 5-11, toàn tỉnh Khánh Hòa tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ. Các địa phương khẩn trương kiểm tra, thống kê, tổng hợp, báo cáo thiệt hại. Các ngành, đoàn thể tổ chức thăm viếng, phúng điếu người bị chết, hỗ trợ các trường hợp nhà sập, cứu trợ khẩn cấp các vùng còn bị cô lập, kiên quyết không để dân đói theo chỉ đạo của tỉnh.

Mực nước chảy qua các tràn ở huyện Khánh Sơn vẫn còn tương đối lớn. Ảnh: NHÂN TÂM
Mực nước chảy qua các tràn ở huyện Khánh Sơn vẫn còn tương đối lớn. Ảnh: NHÂN TÂM

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão (BCH PCLB) tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua, bão lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 12 người chết (Vạn Ninh: 1, Cam Lâm: 4, Ninh Hòa: 5, Diên Khánh: 1 và Cam Ranh: 1); 1 người mất tích (Ninh Hòa); 9 người bị thương (Vạn Ninh: 3, Ninh Hòa: 2, Nha Trang: 1, Diên Khánh: 1, Khánh Sơn: 2). Mưa bão cũng làm sập trôi 237 nhà, trong đó nặng nhất là địa bàn huyện Vạn Ninh 118 nhà; 854 nhà bị trụt vách, hư hỏng (Vạn Ninh: 592). Số hộ phải di dời trong lũ 4.700 hộ với 17.610 nhân khẩu.

Mưa lũ đã làm sạt lở hơn 17km đường giao thông tương đương 223m3, làm hỏng 13 cầu, 1 tràn; làm đổ ngã 1.291 ha lúa, làm mất trắng khoảng 25 ha; 2.899 ha mía; 457 ha mì; 321 ha bắp; 412 hoa màu; 27 cây ăn quả, đổ ngã hơn 2.000 cây công - lâm nghiệp; làm hỏng 31 tấn thóc giống; trôi 9.477 con gia cầm; 3 con trâu bò; 5 con lợn; xói lở 60 ha đất nông nghiệp; 7 công trình thủy lợi kiên cố và 4 công trình thủy lợi nhỏ bị hỏng; trôi hơn 2.400m đê kè, tương đương hơn 11 ngàn m3; khối lượng kênh mương bị sạt lở hơn 19 ngàn m3; hư hỏng 3 đập và 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt…; 86 tàu thuyền bị hư hỏng, 2.113 lồng nuôi và 51 tấn thủy sản các loại bị thiệt hại… Hiện nay, chưa thể ước tính thiệt hại bằng tiền.

° Đến 10 giờ ngày 5-11, trên địa bàn huyện Ninh Hòa trời đã tạnh mưa, nước bắt đầu rút, các xã bị nước chia cắt đều đã đi lại được. Toàn huyện có 5 người chết (Ninh Hà 2; Ninh Phụng 3; Ninh Đa 1), 1 người bị mất tích và 2 người bị thương.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của BCH PCLB huyện, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên toàn huyện ước khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, 93 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 207 nhà bị tốc mái, trụt vách, xiêu vẹo; 41 trường học và 9 công trình công cộng bị hư hỏng; 22,2km đường giao thông bị hư hỏng; 1.580m kênh mương bị trôi, hư hỏng… Ngoài ra, mưa lũ đã làm 425,5 ha lúa bị ngập, ngã đổ (mất trắng 25ha); diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại 207,5 ha; 2.000 ha mía bị ngập, hư hại; 2.000 cây công nghiệp, lâm nghiệp bị đổ; 48 ha ao đìa, tôm bị hư hại, hơn 14.000m3 đìa bị sạt lở, 25 tấn cua, tôm, cá bị cuốn trôi…

Ông Trần Công Hoán - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện huyện đang gấp rút tìm kiếm người bị mất tích và chỉ đạo các ngành vệ sinh môi trường, khử cờ-lo nguồn nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau lũ. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã ứng kinh phí (3 triệu đồng/người) thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho những gia đình có người chết. Hội Chữ thập đỏ đã kịp thời ủng hộ 1 triệu đồng/người (kinh phí Trung ương) chết; Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi, hỗ trợ cho những gia đình người bị chết và nhà bị sập với tổng kinh phí 26 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số ban, ngành, đoàn thể của huyện cũng đã đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình bị thiệt hại về người và của…

° Sáng 5-11, Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã đến thăm và tặng quà cho 119 hộ dân với gần 500 nhân khẩu tại thôn Đồng Rọ, Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang. Đây là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và bị cô lập trong lũ mấy ngày qua. Đoàn đã tặng 150 thùng mì tôm và 150 suất quà gồm gạo, dầu ăn, nước uống… Siêu thị Maximark trao tặng thêm cho các hộ 150 suất quà, mỗi suất trị giá 100.000 đồng.

° Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải, đến chiều 5-11, vẫn còn một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị tắc. Cụ thể: đường Khánh Lê - Lâm Đồng bị tắc hoàn toàn tại Km 39 - Km 41, dự kiến đến ngày 9-11 sẽ thông xe với điều kiện thời tiết thuận lợi; Hương lộ 39 đoạn cầu Diên Lâm…, một số tuyến đường trong tỉnh bị hư hỏng nhẹ. Riêng tuyến Tỉnh lộ 9 cơ bản đã thông xe.

° Vạn Ninh là địa phương thiệt hại nặng nhất trong bão và lũ, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 100 tỷ đồng. Bão lũ đã làm sập 104 căn nhà; tốc mái hơn 600 nhà; hư hỏng 70 tàu thuyền, 1 người chết, 3 bị thương, lúa ngập 600 ha (hầu hết là lúa ở thời kỳ làm đòng)… Các trường hợp nhà sập, người chết, bị thương đã được hỗ trợ kịp thời (5 triệu đồng/nhà sập; 3 triệu đồng/người chết; 1 triệu đồng/người bị thương). Hiện các ngành, các địa phương đang vận động người dân sửa chữa nhà cửa, hệ thống giao thông, thủy lợi, ổn định sản xuất và đời sống.

° Mưa bão làm nhiều nơi trên địa bàn huyện Cam Lâm bị chia cắt, trong đó có thôn Vân Sơn (Cam Phước Tây). Huyện đã kịp thời hỗ trợ 10 thùng mì gói bảo đảm người dân vùng này không bị đói. Tuyến Tỉnh lộ 3 đi qua xã Cam An Nam bị sạt lở nặng 500m, hiện xã đang phối hợp với một doanh nghiệp trên địa bàn khắc phục tạm thời để người dân và phương tiện đi lại. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính hơn 13 tỷ đồng.

° Ước tính thiệt hại ban đầu do bão lũ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh khoảng 4,6 tỷ đồng. Huyện đã di dời 614 hộ với hơn 2.700 khẩu. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo thống kê rà soát thiệt hại, cứu trợ người dân vùng thiên tai và chỉ đạo xử lý vệ sinh môi trường.

° Thiệt hại nặng nhất ở thị xã Cam Ranh là ngập lụt 406 ha lúa đang trổ tại các xã: Cam Phước Đông, Cam Thành Nam và phường Cam Nghĩa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Hiện nay, thị xã đang đề nghị tỉnh trợ giúp kinh phí khắc phục bão lũ; trong đó giao thông thủy lợi 3,55 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại là 6,58 tỷ đồng. Địa phương cũng đã tiến hành cứu trợ hơn 50 tấn gạo cho các vùng bị di dời với hơn 693 hộ, 3.367 nhân khẩu.

Bão lũ lớn làm trôi nhiều cây to ra biển.  Ảnh: Q.V
Bão lũ lớn làm trôi nhiều cây to ra biển. Ảnh: Q.V

° Huyện Diên Khánh có 1 người chết, 1 bị thương, 2 nhà sập hoàn toàn, 2 nhà bị lũ cuốn trôi. Huyện đã di dời khẩn cấp 984 hộ, 3.858 nhân khẩu. Hệ thống giao thông bị thiệt hại nặng như: sập hoàn toàn cầu Phú Cốc; sạt lở các tuyến giao thông hàng chục ngàn m3; sạt lở bờ sông Cái đoạn qua thôn Phú Ân Nam 2 (Diên An) vào sâu 50m. Mưa lũ đã làm đổ ngã 150 ha mía, mất trắng 5 ha bắp, ngập ướt 15 tấn lúa giống, trôi chết 5.500 cút, 2.000 gà và 667 vịt. Hiện nay, huyện đang tập trung thống kê thiệt hại và hỗ trợ người chết, nhà sập, khắc phục giao thông đi lại…

° Hiện nay, huyện Khánh Sơn vẫn còn 111 hộ dân bị kẹt vì lũ. Đến chiều 5-11, trên địa bàn huyện còn 2 thôn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài là Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) với 57 hộ dân bị chia cắt do cầu tràn số 1 bị nước làm đứt gãy; thôn Cầu Gỗ (xã Sơn Bình) với 54 hộ dân bị biệt lập do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, do đã được chuẩn bị nên đời sống của các hộ dân này vẫn được đảm bảo. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng sức tàn phá nặng nề của lũ quét đã khiến hệ thống giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn huyện khoảng hơn 9,4 tỷ đồng.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tiến hành san ủi, khắc phục sự cố sạt lở đất ở Km 22 trên Tỉnh lộ 9 để thông tuyến đường Cam Ranh - Khánh Sơn; những chỗ sạt lở, sụp đổ gây chia cắt cục bộ đã được các xã nạo vét, gia cố để sớm thông xe. Các công trình thủy lợi, đập đầu mối, kênh mương trên địa bàn huyện được khẩn trương nạo vét. Huyện cũng đã tiến hành vận động nhân dân tích cực vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo trồng vụ Đông - Xuân; khuyến khích trồng những loại cây ngắn ngày cho thu hoạch cao. Do được chuẩn bị từ trước nên tình hình lương thực, dầu thắp sáng, dầu ăn… được đảm bảo; các thực phẩm thiết yếu trên địa bàn huyện có tăng nhẹ trong mấy ngày qua do tình trạng giao thông ách tắc, khu vực dân cư bị chia cắt Vấn đề bức xúc nhất hiện nay trên địa bàn huyện là tình trạng thiếu nước sạch do hệ thống cấp nước sạch bị hư hỏng nặng, nhiều hồ chứa nước bùn đất tràn vào, nhiều đường ống dẫn nước bị đứt gãy chưa khắc phục kịp.

Q.V - C.V - B.K - N.U - H.A - N.T