Việc khôi phục các cabin điện thoại thẻ để nó hoạt động có hiệu quả là một điều rất khó thực hiện. Nhưng nếu có khôi phục thì e rằng người sử dụng cũng chẳng mặn mà lắm với loại hình dịch vụ này...
Cách đây hơn 10 năm, các trạm điện thoại công cộng (ĐTCC) được khá nhiều người lựa chọn sử dụng. Nhưng giờ đây, khi không còn ai “mặn mà” với loại hình dịch vụ này nữa thì các trạm ĐTCC đang trở nên hoang phế.
Một trạm điện thoại công cộng bị vỡ hết kính và biến thành nơi bán cà phê. |
Tại Khánh Hòa, các trạm (hay cabin) ĐTCC đã được lắp đặt và sử dụng từ hàng chục năm nay. Việc ra đời của loại hình dịch vụ này đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, liên lạc của người dân thời bấy giờ. Chỉ cần một chiếc thẻ nhỏ, người sử dụng có thể vào các trạm ĐTCC gọi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, với thời đại bùng nổ thông tin, các loại hình Internet, điện thoại di động, điện thoại cố định không dây… đã “nuốt chửng” loại hình dịch vụ này. Với tính năng vượt trội, các thế hệ viễn thông sau này đang dần đẩy các trạm ĐTCC vào thế lỗi mốt và không còn được ai sử dụng.
Dạo một vòng quanh TP. Nha Trang, chúng ta sẽ thấy ở hầu hết các tuyến đường chính như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Thống Nhất, Trần Quý Cáp, Yersin, 23-10, Lê Hồng Phong… đều có sự hiện diện của các trạm ĐTCC. Ở thị xã Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh hay xa xôi như Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa cũng đều có các cabin dành riêng cho điện thoại thẻ. Song có một điều đáng buồn, hầu như tất cả các trạm ĐTCC đã không còn ai sử dụng. Tất cả đã bị hư hỏng và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trên tuyến đường Lê Hồng Phong có 5 cabin thì tất cả đều bị vỡ kính, nhiều cái còn bị hư bàn phím, màn hình… Ở nhiều tuyến đường khác, các trạm ĐTCC biến thành nơi buôn bán, làm nơi chứa đồ, nhiều khi nó còn là nơi lý tưởng dành cho quảng cáo, rao vặt. Trước đây, các trạm ĐTCC thường được lắp đặt ở nơi có địa thế rộng rãi, do đó giờ này nó trở thành địa điểm lý tưởng để các bác xe ôm tá túc. Nếu tính sơ bộ, tại TP. Nha Trang hiện có đến mấy chục cabin điện thoại đang bị “phơi sương” như thế. Hay tại thị xã Cam Ranh, với hơn 10 trạm ĐTCC thì đã có đến quá nửa rơi vào tình trạng xuống cấp và không có người sử dụng. Không chỉ ở Nha Trang và Cam Ranh, các trạm điện thoại ở các địa phương khác cũng có chung một thực trạng đáng buồn như vậy.
Việc khôi phục các cabin điện thoại thẻ để nó hoạt động có hiệu quả là một điều rất khó thực hiện. Nhưng nếu có khôi phục thì e rằng người sử dụng cũng chẳng mặn mà lắm với loại hình dịch vụ này. Để sử dụng điện thoại thẻ, người sử dụng phải mua thẻ, tìm đến địa điểm có lắp đặt hệ thống ĐTCC. Song, việc mua thẻ ĐTCC cũng không dễ bởi có rất ít điểm có bán loại thẻ này. Ngoài ra, loại hình dịch vụ ĐTCC còn vấp phải rào cản về giá cước, không gian liên lạc (ngoài đường thường ồn ào)… Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, khái niệm “điện thoại thẻ công cộng” đã không còn trong lòng người dân. Thậm chí những công dân thuộc thế hệ 9x còn không biết điện thoại thẻ công cộng là gì. Nhiều em khi được hỏi về loại hình dịch vụ này thì hoàn toàn không biết về tính năng cũng như cách thức sử dụng.
Từ những thực tế đã nêu, ngành Viễn thông nên sớm có những biện pháp để xử lý các trạm ĐTCC một cách hợp lý. Cần phải xem xét lại có nên để ĐTCC tồn tại trong bộ dạng nhếch nhác trên các tuyến đường nữa hay không? Nếu không còn hiệu quả kinh doanh thì cơ quan chủ quản cũng nên có phương án thu hồi, đừng để trở thành “rác thải viễn thông”. Đồng thời, đơn vị cũng nên khóa tín hiệu của những cabin không còn ai sử dụng nhằm tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng để ăn cắp cước.
LAM ĐIỀN