Cứ mỗi lần gặp bài thi bị điểm 0 là Tổ trưởng chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chúng tôi lại lật tới, lật lui và cằn nhằn...
Cứ mỗi lần gặp bài thi bị điểm 0 là Tổ trưởng chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của chúng tôi lại lật tới, lật lui và cằn nhằn: “Dạy dỗ làm sao mà 12 năm trời không được chữ nào!”. Quả vậy, có bài hầu như để nguyên tờ giấy trắng, có bài chỉ viết loằng ngoằng vài dòng chẳng đâu vào đâu, dù có “đỏ mắt” tìm kiếm cũng chẳng thấy chỗ nào có thể vớt vát tý điểm cho học sinh (HS)! Khi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, giám khảo thường “chặt tay” hơn thì số bài thi như vậy càng không hiếm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), mỗi năm, có tới hàng ngàn lượt bài thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng bị điểm 0, dù “tác giả” của nó vừa trở thành “cô tú, cậu tú” chưa lâu! Và hễ đề cập đến hiện tượng này thì dường như dư luận xã hội lại có suy nghĩ như anh Tổ trưởng chấm thi trên, chủ yếu đổ lỗi cho giáo viên (GV) dạy kém!
Hơn 20 năm làm GV, tôi chủ yếu dạy học ở các trường phổ thông vùng nông thôn khó khăn; sau này chuyển về thành phố cũng chỉ dạy ở trường bổ túc văn hóa và có dăm tiết/tuần thỉnh giảng ở các trường THPT bán công, dân lập nên mới thấm thía thật sự nỗi khó nhọc của GV phải dạy HS “dưới sàng”. Lúc mới ra trường, tôi cũng đã từng nghĩ “chỉ có GV kém, không có HS dốt” nhưng sự thật không hẳn như vậy! Biết HS của mình yếu kém, tôi đã cần mẫn soạn từng trang giáo án thật chi tiết, cụ thể cho phù hợp với đối tượng, mỗi lần lên lớp lại bổ sung, điều chỉnh; còn việc chấm bài, trả bài thì cẩn thận sửa từng câu, từng chữ; coi đó là bài học thứ hai đúng như chỉ dẫn của thầy giáo dạy phương pháp bộ môn ở đại học. Nhưng có khi, toàn bộ công lao chuẩn bị và cả tấm lòng của GV lại… theo mây gió vì hình như không thể nào “chạm” vào trí tuệ của các em; không ít giờ dạy chỉ có mỗi mình tôi “độc diễn”, còn HS cứ ngơ ngác; cũng may là các em biết thương cô giáo nhọc nhằn nên không quậy phá! Mỗi lớp, chỉ có khoảng hơn chục em tiếp thu được bài “gọi là”, còn lại mất căn bản ghê gớm, có trường hợp vượt quá sức tưởng tượng. Thử hỏi, đã học đến cấp 3 rồi mà vẫn nhầm lẫn các phép tính toán cơ bản (nói chi là tích phân, phương trình, dãy số…), viết mỗi câu có tới dăm ba lỗi chính tả thông thường; có nhiều bài tập tương tự, chỉ cần thay vài con số hoặc 1 điều kiện đơn giản nào đó là “cắm bút”! Và thế là tôi trở thành “thợ dạy” lúc nào không hay, nhiều tiết phải đọc - chép để mong HS có cái ghi vào vở, có chút tư liệu để làm bài kiểm tra, thi cử!
Tôi không hề đổ lỗi cho phụ huynh vì biết cha mẹ các em phần lớn là người lao động nghèo, lại ít học hành, biết lấy gì mà kèm cặp con cái. Tôi cũng không trách móc GV các cấp học dưới như tiểu học, trung học cơ sở (THCS) vì biết rằng đồng nghiệp cũng có nỗi khổ tâm riêng về HS yếu kém nhưng vẫn phải bấm bụng cho đủ điểm để lên lớp, được xét tốt nghiệp theo xu thế chung của thời cuộc mà thôi. Còn với các em, thật ra có tội gì đâu, chẳng qua là do cách làm giáo dục hàn lâm lâu nay cứ “đẩy” HS hết cấp tiểu học thì lên THCS rồi lại lên tiếp THPT, đuổi theo các mục tiêu phổ cập giáo dục, cứ tưởng là thương HS, tạo điều kiện cho các em học hành nhưng khi lên cấp học càng cao thì lại càng mất phương hướng và không thiếu trường hợp thực sự trống rỗng sau hơn 10 năm đi học, bị điểm 0 trong các kỳ thi cũng không có gì lạ. Trong 1 gia đình, cùng cha mẹ sinh ra nhưng có người con học hành giỏi giang, trở thành kỹ sư, bác sĩ, song cũng có đứa “không chịu được” chữ nghĩa, làm ruộng làm vườn kiếm sống mà thôi; đó cũng là quy luật của cuộc sống, mọi người đều biết. Với giáo dục, khi quy mô dân số mỗi năm mỗi tăng, các tỉnh có dân số trung bình như Khánh Hòa cũng đã gần 3 chục vạn HS thì việc vài trăm, thậm chí vài ngàn HS không có khả năng học tập lâu dài cũng là chuyện bình thường.
Trong những dịp dự các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hè, tôi đã nhiều lần được nghe về phương pháp dạy học phân hóa đối tượng, hướng nghiệp, phân luồng đào tạo HS và cũng được giới thiệu rằng ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, người ta đã sớm phân luồng HS ngay sau cấp tiểu học để các em đi đúng đường; sau này khi trưởng thành, không làm thầy thì làm thợ, tự lo được cuộc sống của mình, không như HS chúng ta, học hết cấp 3 rồi lại quay về học làm ruộng vì chẳng có bằng cấp gì. Tôi nghe nói Bộ GD-ĐT có nhiều Cục, Vụ, Viện với nhiều chuyên gia được đào tạo ở trình độ cao; Sở và các Phòng GD-ĐT cũng không thiếu chuyên viên theo dõi các cấp học, ngành học; có lẽ các vị cũng nên dành nhiều thời gian xuống trường hơn để có thêm thực tế và chỉ cho chúng tôi cách giải bài toán HS yếu kém. Các hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông cũng bớt khẳng định trách nhiệm của mình về chất lượng giáo dục trên các diễn đàn, hội nghị, mà trước hết hãy chia sẻ trách nhiệm với GV bằng cách dự giờ, thăm lớp thường xuyên, biết đâu lại tìm được cái “chốt” tháo gỡ khó khăn và tránh được “búa rìu dư luận” về chất lượng giáo dục xuống cấp như hiện nay?
VÕ HÀ (Nha Trang)