07:10, 13/10/2009

Ngày hội của những tài năng trẻ công nghệ thông tin

Tại Trường Đại học Nha Trang vừa diễn ra Cuộc thi Olympic Tin học sinh viên (SV) Việt Nam lần thứ 18, Kỳ thi lập trình SV quốc tế ACM/ICPC Việt Nam và Giải thưởng “Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng phần mềm nguồn mở ”.  

Tại Trường Đại học Nha Trang (ĐH) vừa diễn ra Cuộc thi Olympic Tin học sinh viên (SV) Việt Nam lần thứ 18, Kỳ thi lập trình SV quốc tế ACM/ICPC Việt Nam và Giải thưởng “Mùa hè sáng tạo viết ứng dụng phần mềm nguồn mở ”. Sau 3 ngày so tài, (từ ngày 7 đến 9-10) với sự tham gia của hơn 700 SV đến từ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong cả nước, cuộc thi đã trở thành ngày hội thể hiện bản lĩnh, tài năng của những kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) tương lai.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng (bìa trái) trao giải cho những thí sinh đạt giải Siêu cúp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng (bìa trái) trao giải cho những thí sinh đạt giải Siêu cúp.

Cuộc thi Olympic lần này có gần 350 SV tham gia thi đấu ở các nội dung cá nhân như: Siêu Cúp, khối chuyên Tin học, khối không chuyên và khối CĐ. Kỳ thi lập trình SV quốc tế ACM/ICPC Việt Nam có 83 đội  thi đấu để chọn ra 10 đội xuất sắc.

Bước vào ngày thi đầu tiên, SV Hoàng Văn Thuần - Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham dự kỳ thi này. Trước đó, nhà trường đã tổ chức cho các SV trong trường thi với nhau. Em lọt vào danh sách 20 SV đạt kết quả cao. Nhưng ở kỳ thi này quy tụ nhiều SV giỏi về CNTT nên em không tự tin lắm. Em và đội của mình sẽ thi đấu hết sức, hy vọng sẽ lọt vào danh sách 10 đội xuất sắc”. Đúng như dự đoán, kỳ thi Olympic Tin học diễn ra khá căng thẳng và quyết liệt. Trong 4 giờ thi, các thí sinh (TS) phải tự vận dụng các giải thuật để giải các bài toán. Không chỉ căng thẳng về sức ép thời gian, các TS còn chịu sức ép lẫn nhau khi các màn hình đặt ở 4 góc phòng thi liên tục cập nhật kết quả và thời gian các bài giải của từng TS. Tương tự như cuộc thi Olympic Tin học, nhưng phần thi lập trình quốc tế ACM/ICPC hồi hộp và căng thẳng hơn khi lượng bài toán các đội phải giải tăng lên gấp đôi, đội nào giải đúng qua hệ thống chấm tự động trực tuyến sẽ được điểm; nếu sai, nộp chấm lại sẽ bị phạt về thời gian. Đồng thời, thời gian giải nhanh hay chậm cũng là một yếu tố để xếp thứ bậc. Ngoài những quy định khắt khe trên, phần thi lập trình quốc tế ACM/ICPC còn thử thách khả năng làm việc theo đội của các TS. Đội nào phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý thì mới có khả năng đạt kết quả cao và ngược lại.

Phần thi viết ứng dụng phần mềm nguồn mở cũng thú vị không kém với nhiều phần mềm mang tính ứng dụng cao như: xây dựng công cụ giải bài toán quản lý y tế tuyến cơ sở, phần mềm hỗ trợ dạy và học toán… Võ Quang Nhật - SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là một sân chơi rất thú vị cho SV CNTT. Những cuộc thi như thế này giúp ích rất nhiều cho SV trong việc rèn kỹ năng, sự tự tin và nhất là biết được trình độ của mình tới đâu”.

Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt, Trưởng Ban tổ chức nhận xét: “So với cuộc thi lần trước, điểm đặc biệt lần này là các TS đã có sự sáng tạo và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản phẩm của mình; ở một số nội dung thi có sự đổi ngôi ngoạn mục giữa các trường.Tuy nhiên, các giải thưởng phần lớn vẫn rơi vào các trường ĐH có bề dày về CNTT như: Bách khoa, Khoa học Tự nhiên… Chúng tôi đã chọn 10 đội ACM/ICPC xuất sắc. Các đội này sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia thi đấu vòng loại khu vực châu Á tại Thái Lan. Hy vọng, các đội sẽ tiến sâu vào trong giải và lọt vào top 20 toàn cầu”.

Bên lề cuộc thi, hội thảo với chủ đề “Olympic - ACM/ICPC và vị trí của SV Việt Nam trong các kỳ thi kỹ năng và sáng tạo trong nước và quốc tế” đã thu hút nhiều SV tham gia. Qua hội thảo, các trường sẽ có định hướng đào tạo nguồn lực CNTT - truyền thông chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu xã hội, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

BÁ NGHĨA


Kết quả:
Giải Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam năm 2009: Giải Vàng Siêu cúp Olympic Tin học: Nguyễn Minh Hiếu (Đại học Bách khoa Hà Nội). Vô địch khối CĐ: Trương Văn Tuấn (Trường CĐ Sư phạm Nghệ An). Khối không chuyên: Trương Thái Châu (ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh). Khối chuyên tin: Nguyễn Khánh Lợi (ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Đội tuyển 2 của ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đoạt giải nhất phần mềm nguồn mở.

10 đội xuất sắc của Việt Nam được tuyển chọn tham dự thi kỳ thi lập trình SV quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á là các đội của trường: CĐ Kỹ thuật - ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Ngoại thương; ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh; ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh; ĐH FPT và ĐH Bách khoa Đà Nẵng.