Đối giới trẻ hiện nay, các loại game không còn đơn thuần là một loại hình vui chơi, giải trí mà đã trở thành một nghề độc lập, một công cụ “kiếm tiền”...
Nếu trước đây, một số game thủ gây “sốc” bằng cách bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu đồng trang bị cho các nhân vật game yêu thích, để trở thành những “cao thủ” trong làng game, thì giờ đây, chính họ lại coi game là một nghề “hái” ra tiền. Bất chấp cảnh báo về những tác hại mà các loại game có thể gây ra đối với bản thân, gia đình và xã hội, không ít các game thủ đang ngày đêm miệt mài “luyện công” để trở thành những bậc cao thủ trong “nghề” game.
Vừa bước vào quán net quen thuộc, Hùng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) - một game thủ có thâm niên hơn 5 năm trong nghề “cày” game đã háo hức bật máy để “luyện công”. Game Hùng thường chơi là Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) 1, một trong những loại game online (game trực tuyến) đã và đang thịnh hành trong giới trẻ. Thấy chúng tôi nhìn sang với vẻ hiếu kỳ, Hùng liền “cắm chuột” (để chế độ auto cho nhân vật game tự luyện) rồi cười, nói: “Để nó (nhân vật trong game) tự chạy, đến cấp 150 là có thể bán vài xị (vài trăm nghìn)”. Như sợ chúng tôi vẫn chưa hiểu, Hùng giải thích: “Chơi game không chỉ có kỹ năng mà còn đòi hỏi phải có thời gian. Nhiều người có tiền nhưng không có thời gian chơi, thế là mình chơi mướn để kiếm tiền”. Trong khi đó, một game thủ có “nicknam” thien9 (tên trong diễn đàn) viết trên diễn đàn GameClub chia sẻ kinh nghiệm: “Nghe mọi người ca ngợi Kiếm Thế, nhưng chơi rồi chẳng khác gì VLTK1. Cho đến thời điểm này, tui (người viết) chỉ thấy mỗi việc buôn bán là được nhất… đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc chơi game để kiếm tiền chứ không phải tiêu tiền vào nó”.
Thật vậy, đối với các loại game online như: VLTK1, 2; Silkroad (Con đường tơ lụa); Kiếm Thế…, để chơi cho nhân vật đạt đến cấp độ “cao thủ”, đòi hỏi người chơi phải tốn không ít thời gian và tiền bạc. Trong khi đó, với những game thủ mới tập chơi mà có nhiều tiền, ít thời gian, nhưng lại muốn sở hữu nhân vật “cao thủ” thì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để lựa chọn các loại dịch vụ “cày thuê” hoặc các nhân vật đã có sẵn qua lời rao bán trên diễn đàn hoặc ngay trong game. Không chỉ có ở game online, các loại game offline (game đơn, hoặc mạng nội bộ) cũng được các game thủ tích cực luyện nghề. Tuy không có sự rao bán “đồ” hay nhân vật một cách rôm rả như các loại game online, nhưng các game thủ offline có thể kiếm tiền bằng cách tham gia các sự kiện, giải đấu game. Mai Trung Tứ (TP. Hồ Chí Minh), một game thủ có khá nhiều thành tích trong các giải đấu game trong nước cho biết: “Ở nước ta, khái niệm về nghề chơi game vẫn chưa được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội. Các bậc phụ huynh thường cho rằng, chơi game là không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và học tập. Nếu các bạn trẻ nhìn nhận việc chơi game như một nghề độc lập, thì game cũng có thể kiếm ra tiền”.
Muốn nhanh chóng trở thành “cao thủ” trong làng game, các game thủ có thể thuê “cày” hoặc mua lại nhân vật từ người chơi khác. |
Thật vậy, đối giới trẻ hiện nay, các loại game không còn đơn thuần là một loại hình vui chơi, giải trí mà đã trở thành một nghề độc lập, một công cụ “kiếm tiền”. Điều đó cho thấy, giới trẻ hiện nay đã biết cách chủ động biến game từ một loại hình giải trí trở thành một loại hàng hóa. Song, không vì thế mà chúng ta quên đi những tác hại do các loại game gây ra đối với đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế đã minh chứng những tác hại của việc nghiện game gây ra, chỉ vì kiếm tiền chơi game, không ít học sinh, sinh viên bỏ học, lao vào con đường phạm tội và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Chính vì vậy, việc thắt chặt công tác quản lý game của các cơ quan hữu quan, sự quan tâm của cộng đồng xã hội… là điểm mấu chốt để game - một loại hình giải trí trở lại đúng bản chất của nó, tránh tình trạng “nghề” chơi game lợi ít, hại nhiều.
HIẾU LINH