11:10, 29/10/2009

Giúp học sinh học tập tiến bộ hơn

Cùng với 2 huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) và Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), từ năm 2008, huyện Khánh Vĩnh được hỗ trợ triển khai mô hình giáo dục hòa nhập mẫu (GDHNM) cho trẻ em khó khăn, trẻ khuyết tật.

Cùng với 2 huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) và Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), từ năm 2008, huyện Khánh Vĩnh được hỗ trợ triển khai mô hình giáo dục hòa nhập mẫu (GDHNM) cho trẻ em khó khăn, trẻ khuyết tật. Bước đầu, mô hình đã làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và giúp học sinh học tập tiến  bộ hơn.

Mô hình giáo dục hòa nhập mẫu giúp trẻ hòa nhập với cộng động

Đến điểm trường thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung,  nhìn em Cao Thị Mỹ Diễm cặm cụi tính toán, ghi chép, không ai nghĩ em bị khuyết tật về nghe nói từ khi lọt lòng. Cô giáo chủ nhiệm cho biết, em rất ham học, ngoan, thích được đến trường và vui chơi cùng bạn bè. Từ ngày được giáo viên hỗ trợ giảng dạy tại lớp và tại nhà, em đã mạnh dạn lên rất nhiều, trở nên linh hoạt hơn, học tập tiến bộ rõ rệt. Năm học vừa qua, em đạt học sinh khá. Anh Cao Văn Biên - cha em tâm sự: Con tôi bị câm điếc bẩm sinh. Nhờ cô giáo giúp đỡ, chỉ bảo ân cần, năm nay, cháu đã tiến bộ nhiều, môn Văn, Toán đã có điểm 9, điểm 10. Cháu đi học rất đều, phải nghỉ 1 ngày học là cháu rất bứt rứt.

Em Cao Thị Mỹ Anh bị chậm phát triển trí tuệ từ nhỏ, cũng rất nhút nhát và ngại tiếp xúc với người lạ. Được sự chỉ bảo tận tình chu đáo của giáo viên hỗ trợ trong việc học tập ở trường cũng như cách thu xếp những công việc đơn giản tại gia đình, em đã dần tiến bộ, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, vui chơi hòa đồng cùng các bạn và chăm chỉ đến trường. Nói về công tác hỗ trợ, cô giáo Hoàng Thị Ánh Đào cho biết: Tôi là giáo viên hỗ trợ liên trường, hỗ trợ 2 em Cao Thị Mỹ Anh ở Khánh Trung và Cao Thị Dậu ở Cầu Bà. Khi bắt đầu hỗ trợ, kiến thức của 2 em ở mức không - chưa biết gì. Nhưng sau một thời gian được hỗ trợ bằng những phương pháp tập huấn, các em đã tiến bộ rõ rệt. Em Mỹ Anh biết đọc biết viết, biết làm tính đến 5, còn em Dậu tiến bộ chậm hơn. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ em Dậu, để em tiến bộ hơn, không còn mặc cảm với bạn bè và hòa nhập với cộng đồng.

GDHNM là mô hình giáo dục giúp các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với hình thức giáo dục có chất lượng, tạo cơ hội và điều kiện tốt để các em đến trường học tập với các chương trình phù hợp nhu cầu và khả năng của trẻ, giúp làm bộc lộ và phát triển các tiềm năng ở trẻ. Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã chọn ra 146 trẻ khó khăn nhất để tiến hành hỗ trợ tại trường và tại gia đình. Các học sinh được dạy kỹ năng giao tiếp với thầy cô, cha mẹ, bạn bè…, học tập những kiến thức từ đơn giản nhất đến nâng cao, tùy theo khả năng tiếp thu của trẻ, được chỉ bảo cách sắp xếp đồ dùng học tập… Qua 1 năm thực hiện, đến nay số trẻ trên đã theo kịp yêu cầu học tập, 59 em từ yếu kém vươn lên trung bình và khá. Đặc biệt, mô hình trên đã giúp trẻ không còn mặc cảm với bạn bè, thân thiện với mọi người và thích đi học hơn, góp phần hạn chế tình trạng bỏ học. Mô hình cũng giúp phá vỡ những mặc cảm về khuyết tật, đói nghèo, chậm phát triển trí tuệ, giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, mô hình GDHNM vẫn còn nhiều khó khăn như: Đội ngũ giáo viên thiếu trình độ chuyên môn trong công tác giáo dục hòa nhập; đời sống của đa số gia đình học sinh còn quá nghèo, chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình; cơ sở vật chất và phòng học chức năng để giảng dạy còn thiếu… Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện còn gần 1.000 trẻ em khó khăn, khuyết tật đang rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của dự án và cộng đồng để hòa nhập và phát triển. Mong rằng, mô hình nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo và cả cộng đồng, đặc biệt đối với một huyện miền núi, điều kiện còn khó khăn như Khánh Vĩnh.

LÊ TUYẾT