03:10, 30/10/2009

Bước đầu phát triển

Theo UNAIDS, có ít nhất từ 5 đến 10% trường hợp nhiễm HIV trên toàn thế giới là do lây truyền qua tình dục đồng giới nam không an toàn...

Tại Việt Nam, những năm gần đây, tình dục đồng giới nam được biết đến nhiều hơn khi xuất hiện các tác động của dịch HIV/AIDS. Theo UNAIDS, có ít nhất từ 5 đến 10% trường hợp nhiễm HIV trên toàn thế giới là do lây truyền qua tình dục đồng giới nam không an toàn. Ước tính số nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (QHTDĐG) chiếm khoảng 2 - 5% nam giới trên toàn thế giới (Nghiên cứu của Caceres và cộng sự, 2006).

Tình dục đồng giới nam diễn ra ở mọi nền văn hóa. Ở Đông Á, các nghiên cứu đã ước tính, 3 - 5% nam giới từng có QHTD với nam giới trong cuộc đời. Tỷ lệ này ở vùng Nam và Đông Nam châu Á là 6 - 18%.

Sự chồng chéo giữa tình dục khác giới và tình dục đồng giới nam chính là vấn đề nảy sinh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nguy cơ rõ ràng là những người nam có QHTDĐG nhiễm HIV sẽ truyền sang vợ hoặc bạn tình nữ của họ. Chính vì vậy, dịch AIDS trong nhóm những người nam QHTDĐG không tách biệt với dịch trong cộng đồng dân cư. Do đó, để có thể ngăn chặn sự lan truyền rộng của HIV, việc cần thiết là phòng lây truyền HIV trong nhóm những người nam QHTDĐG.

Tuy số liệu còn hạn chế, nhưng ở những nơi đã tiến hành nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam QHTDĐG luôn cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm trong dân cư nói chung. Ở Băng Cốc (Thái Lan), tỷ lệ nhiễm HIV ở nam QHTDĐG là 28%. Tại TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương năm 2004 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV của nam QHTDĐG là 8%. Ở Hà Nội, theo nghiên cứu của Bộ Y tế và Tổ chức Sức khỏe gia đình Quốc tế năm 2006, tỷ lệ nhiễm HIV của nam QHTDĐG là 12%. Tại Khánh Hòa, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (GDSK) đã tiến hành nghiên cứu, xác định tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nam QHTDĐG cho thấy: năm 2005, xét nghiệm 295 trường hợp đều cho kết quả âm tính; năm 2008, xét nghiệm 200 trường hợp có 1 trường hợp HIV dương tính; 6 tháng đầu năm 2009, xét nghiệm 500 trường hợp có 5 trường hợp HIV dương tính, chiếm 1%.

Với sự khuyến khích của các tổ chức quốc tế, từ những năm 2000, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến nhóm nam QHTDĐG. Tại Khánh Hòa, năm 2002, được sự đồng ý của Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông GDSK đã xây dựng dự án Can thiệp phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm nam QHTDĐG do Quỹ Ford tại Việt Nam tài trợ. Dự án thiết kế một nhóm đồng đẳng 10 người là những người nam QHTDĐG, tự nguyện tham gia. Mục đích của nhóm là tiếp cận các người nam QHTDĐG tại TP. Nha Trang, chuyển tải các thông điệp tình dục an toàn, cung cấp bao cao su, phân phát tờ rơi và mời đến sinh hoạt nhóm về các chuyên đề phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS.

Tháng 11-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 54/CT-BBT về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Chỉ thị nêu rõ các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gồm: tiêm chích ma túy, mại dâm và tình dục đồng giới nam. Đây là lần đầu tiên, một văn bản quan trọng của Đảng đã nhắc đến và đưa nhóm nam QHTDĐG trở thành nhóm cần được quan tâm, thúc đẩy các hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tích cực trong tình hình hiện nay.

Từ năm 2004 đến nay, Khánh Hòa cùng với TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng lần lượt thành lập các Câu lạc bộ Sức khỏe nam giới dành cho nhóm nam QHTDĐG với các tên gọi: Muôn Sắc Màu, Đồng Xanh, Bầu Trời Xanh, Hải Đăng và Ánh Sao Đêm, với sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức PEPFAR, FHI, UsAid.

Các câu lạc bộ trở thành những nhóm đầu mối của từng địa phương về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến nam QHTDĐG trong mạng lưới quốc gia do UNAIDS Việt Nam khởi xướng. Mạng lưới này cũng tham gia với mạng lưới Bầu Trời Tím của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Tại các cuộc họp của mạng lưới cấp quốc gia, các tỉnh đã cùng thiết kế, xây dựng gói chăm sóc, phòng ngừa, điều trị toàn diện đối với HIV/AIDS, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục dành cho nam QHTDĐG. UNAIDS Việt Nam còn đảm nhận vai trò thúc đẩy các hoạt động liên quan đến chính sách của quốc gia, chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS để ban hành các hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nhóm nam QHTDĐG trên toàn quốc.

Hy vọng, những hoạt động tích cực, nhận thức cao đối với các hành động cần can thiệp của cấp Trung ương cùng những hoạt động tiên phong của các tỉnh, thành phố có mô hình can thiệp đến nhóm nam QHTDĐG (trong đó có Khánh Hòa) sẽ là những điểm sáng, những mô hình tốt để tạo thành mạng lưới hỗ trợ kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, nhân rộng mô hình phòng chống HIV/AIDS cho nhóm nam QHTDĐG trên toàn quốc, góp phần tích cực giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN

(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)