Theo tôi, để nâng cao chất lượng GD, trước tiên chúng ta nên bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức trong học tập, tạo nên một truyền thống hiếu học rộng khắp...
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục (GD) có chiều hướng đi xuống. Đã có khá nhiều giải pháp cho việc nâng cao chất lượng GD; theo tôi, để nâng cao chất lượng GD, trước tiên chúng ta nên bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức trong học tập, tạo nên một truyền thống hiếu học rộng khắp.
Trao giấy khen cho các gia đình hiếu học. |
Lâu nay, chúng ta hay kêu gọi phải thay đổi phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm, hoặc phải đầu tư cơ sở vật chất cho GD… Tất cả những điều đó đều rất cần thiết và cấp bách, song để giải quyết bài toán chất lượng GD một cách có hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là nhận thức của từng cá nhân và cả cộng đồng về việc học. Nếu chúng ta đổi mới phương pháp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất nhưng người học không có ý thức học tập, chưa coi trọng việc học hành thì chất lượng GD cũng rất khó cải thiện.
Tại Nhật Bản, mỗi học sinh khi bước vào lớp 1 đều được GD rằng, đất nước họ không được tự nhiên ưu đãi, tài nguyên thiên nhiên thì nghèo nàn, do đó để đất nước giàu mạnh phải nhờ vào sự nỗ lực học tập của thế hệ trẻ. Chính từ việc làm cho học sinh sớm nhận thức được sự quan trọng của học tập nên hiện nay Nhật Bản đang là một trong những nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Do đó, để nâng cao chất lượng GD tại Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, trước tiên mỗi gia đình phải nhận thức được sự quan trọng của việc học để rồi từ đó truyền nguồn tư tưởng ấy cho con cái, giúp các em xác định được tầm quan trọng của học tập và khơi dậy lòng ham học trong mỗi học sinh. Chúng ta không thể phó mặc việc học hành của con cái cho nhà trường hoặc gia sư. Mỗi bậc cha mẹ nên thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con cái, để chúng xem đó như một điểm tựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn. Khi các em còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên tạo cho các em một thói quen học tập đúng giờ giấc. Không quá tạo áp lực cho con cái trong việc tiếp cận tri thức. Phải làm thế nào để trẻ có thể tiếp thu kiến thức như một sự khám phá và niềm say mê.
Cùng với sự GD của gia đình thì nhà trường và xã hội cũng cần có những hoạt động thiết thực để tạo nên một phong trào thi đua học tập rộng khắp. Tại nhiều địa phương phía Bắc, việc học tập luôn được các gia đình, dòng họ, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mực. Điều này cũng lý giải cho kết quả tại các kỳ thi đại học, học sinh giỏi cấp quốc gia cũng như quốc tế, học sinh phía Bắc luôn đạt kết quả cao. Chẳng hạn, cách đây hơn 10 năm, nhiều địa phương ở Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương… đã xuất hiện phong trào “tiếng trống học bài” hoặc “tiếng kẻng vào bàn”. Theo đó, cứ vào 19 giờ tối, khi tiếng trống, tiếng kẻng làng vang lên là tất cả các em đang ở độ tuổi đến trường đều ngồi vào bàn học bài. Từ những phong trào này, đã có rất nhiều em trở thành sinh viên của các trường đại học, trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh… Dĩ nhiên, ở các đô thị như Nha Trang, Cam Ranh…, làm như vậy là khó nhưng cũng cần phải tìm một mô hình khác phù hợp với điều kiện thì hoàn toàn có thể học tập được kinh nghiệm này để tại Khánh Hòa cũng sẽ có những phong trào học tập sôi nổi như thế.
Chúng ta cần phát động những phong trào học tập rộng khắp như thế nào? Theo tôi, có thể các thôn xóm, xã, phường nên lập những quỹ khuyến học để có những phần thưởng động viên kịp thời cho các em đạt được thành tích cao trong học tập. Tạo cho các em cảm giác vinh dự khi được nhận những phần thưởng có được từ kết quả học tập, để cho các em khác lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Bên cạnh đó, chúng ta nên lấy học tập làm tiêu chí thi đua giữa các thôn xóm, giữa các xã, các huyện với nhau. Cao hơn nữa, khi xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, chúng ta có thể đưa tiêu chí học tập lên hàng đầu, để rồi từ đó mỗi nhà, mỗi làng tự có những phương thức thúc đẩy phong trào học tập của địa phương mình đi lên.
Để chất lượng GD thật sự được nâng cao cần phải có sự chung tay của gia đình và toàn xã hội. Song cho dù chúng ta có đổi mới như thế nào thì việc đầu tiên vẫn phải là tạo cho các em một tinh thần ham học, để mỗi học sinh cảm nhận được niềm vui từ học tập. Và nói như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân: “… phải làm thế nào để mỗi học sinh xác định được rằng, học để làm người; học để tiếp nhận tri thức, để có một công việc và học để giúp ích cho xã hội”.
LAM ĐIỀN
Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài tham gia diễn đàn “Nâng cao chất lượng GD Khánh Hòa”