03:10, 14/10/2009

Đâu rồi… gốm Vạn Bình (Vạn Ninh, Khánh Hòa)?

Trước đây, gốm Vạn Bình làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thế nhưng, những năm gần đây, sản phẩm của làng gốm làm ra khó tiêu thụ. Nhiều lò gốm đã bị dỡ bỏ, người thợ quay lại với nghề nông hoặc đi làm ăn xa...

Xã Vạn Bình (Vạn Ninh, Khánh Hòa) vốn tự hào với cái tên “làng gốm” - một nghề truyền thống đã được truyền qua bao thế hệ. Trước đây, gốm Vạn Bình làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thế nhưng, những năm gần đây, sản phẩm của làng gốm làm ra khó tiêu thụ. Nhiều lò gốm đã bị dỡ bỏ, người thợ quay lại với nghề nông hoặc đi làm ăn xa, lớp trẻ không còn mặn mà học nghề của cha ông để lại. Ở làng gốm Vạn Bình hôm nay, chỉ còn lay lắt một lò gốm thi thoảng “đỏ lửa”. Làng gốm đang đứng trước nguy cơ… “xóa sổ”.

Một thời… hoàng kim

Gia đình ông Lê Văn Hai, thôn Trung Dõng 3 vẫn cố gắng bám lấy nghề gốm truyền thống để mưu sinh.
Gia đình ông Lê Văn Hai, thôn Trung Dõng 3 vẫn cố gắng bám lấy nghề gốm truyền thống để mưu sinh.

Khoảng chục năm về trước, làng gốm Vạn Bình có hơn 20 lò gốm hoạt động quanh năm. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ rất nhanh, nhiều khi không kịp sản xuất. Thị trường tiêu thụ gốm Vạn Bình chủ yếu là trong tỉnh và một số tỉnh bạn như: Phú Yên, Ninh Thuận… Ông Nguyễn Văn Mến, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Bình - người đã từng gắn bó với nghề gốm nhớ lại: “Gốm Vạn Bình không cầu kỳ, nhưng có độ bền, giá thành rẻ và thông dụng. Sản phẩm làm ra chủ yếu là đồ gia dụng, phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày như: vại, lu, lò nấu than củi, chậu, chum, nồi, ấm sắc thuốc bắc… nên rất dễ tiêu thụ. Lúc cao điểm, có gần 200 lao động trong làng làm việc suốt ngày đêm, sản phẩm làm ra tiêu thụ hết. Trừ chi phí, các chủ lò thu lời từ 30 - 40 triệu đồng/năm, thu nhập của người làm thuê cũng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng”. Nhiều gia đình ăn nên làm ra nhờ làm gốm.

Đầu tư cho một lò gốm không tốn kém là bao. Nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương nên chỉ cần đầu tư xây lò, rồi lao động trong gia đình tự làm sản phẩm hoặc thuê thêm lao động nếu làm nhiều. Sau khi đã trừ hết chi phí, một mẻ nung lời từ 1 - 1,5 triệu đồng. Ông Mai Hữu Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Bình cho biết: “Nghề gốm Vạn Bình đã tạo việc làm cho người dân lao động trong xã, đặc biệt là phụ nữ, tận dụng triệt để thời gian nông nhàn của bà con. Nghề gốm được xem là nghề chính trong xã. Nhờ có nghề này mà nhiều hộ gia đình đã xóa đói, giảm nghèo”.

Thế nhưng, thời “hoàng kim” của làng gốm Vạn Bình chẳng kéo dài được bao lâu. Nền kinh tế phát triển hàng loạt sản phẩm làm bằng nhựa, nhôm, bền đẹp và tiện lợi đã chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ của đồ gốm. Từ đó, làng gốm Vạn Bình nhanh chóng bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Hướng đi mới vẫn không cứu được

Trước tình thế đó, để cứu vớt nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã họp bàn nhằm tìm ra hướng đi mới. Năm 2001, 4 người thợ có tay nghề cao trong làng được cử ra Hội An (tỉnh Quảng Nam) học nghề gốm mỹ nghệ, với mong muốn, nghề gốm sẽ sang trang mới. Kinh phí cho 3 tháng học lên đến hàng chục triệu đồng. Trở về cùng những khuôn mẫu đem từ Hội An, dân làng nghề ai nấy đều phấn khởi, tin tưởng từ nay, làng nghề sẽ có hướng đi mới. Ông Nguyễn Văn Mến - 1 trong 4 người thợ được cử đi học nghề gốm mỹ nghệ nhớ lại: “Trở về, chúng tôi đã chủ trương tập hợp nhóm thợ có tay nghề giỏi trong làng để truyền lại những gì đã học. Sau một thời gian, những mẻ gốm mỹ nghệ đầu tiên ra đời với nhiều sản phẩm khác nhau như: phù điêu, hình Tháp Bà Ponagar, tượng nữ thần tự do, con giáp, tượng khỏa thân… Để tìm thị trường tiêu thụ cho loại sản phẩm mới này, chúng tôi đã quảng bá, trưng bày tại các hội chợ, đem sản phẩm vào tận TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu, nhưng tất cả đều không có triển vọng. Một số khách hàng nước ngoài tìm đến làng gốm nhưng chỉ mua được một vài sản phẩm…”.

Sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ, người làm gốm rơi vào tình cảnh điêu đứng với nghề. Trước tình hình đó, tỉnh đã có chủ trương cho những hộ làm nghề vay vốn để cố bám trụ, mong một ngày nào đó, sản phẩm sẽ tìm được thị trường, thế nhưng cũng chẳng thấy biến chuyển gì. Nhiều người thợ đã bỏ nghề, tìm công việc khác, một số thì vào miền Nam làm thuê hoặc tập trung vào đồng ruộng; nhiều lò gốm đã bị tháo dỡ, cái còn thì cũng chỉ “trùm mền” vì chẳng còn ai mặn mà với nó.

Tìm đến lò gốm của gia đình ông Lê Văn Hai - lò gốm duy nhất ở Vạn Bình còn hoạt động, chúng tôi hiểu rõ hơn nỗi nhọc nhằn của người chủ lò đang cố gắng giữ nghề để mưu sinh. Bây giờ, những sản phẩm ông Hai làm ra không còn đa dạng như ngày trước nửa, chủ yếu là: bếp nấu than củi, vại, ấm sắc thuốc bắc, nồi. Ông Hai tâm sự: “Gia đình chúng tôi trước kia cũng ăn nên làm ra từ nghề này, nhưng đến nay, có khéo xoay sở lắm mới đủ sống. Ngày trước, sản phẩm bán rất chạy, còn nay ế ẩm; nếu có người đặt hàng thì mới sản xuất, không thì đành tắt lửa lò, xoay sang nghề khác”.

Nghề gốm truyền thống Vạn Bình đang dần mai một. Bởi lẽ, nó không mang lại miếng cơm manh áo cho người thợ. Nguy cơ làng nghề bị “xóa sổ” đã ở ngay trước mắt.

VĂN GIANG