“Chất lượng giáo dục Khánh Hòa đang đi xuống?” - đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong những năm gần đây, khi chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa đại học...
Làm gì để nâng CLGD Khánh Hòa? - câu trả lời dành cho toàn xã hội. |
“Chất lượng giáo dục (CLGD) Khánh Hòa đang đi xuống?” - đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong những năm gần đây, khi chất lượng giải thi học sinh (HS) giỏi quốc gia, thủ khoa đại học (ĐH) và tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp (TN) trung học phổ thông (THPT) ở Khánh Hòa không còn như trước; đặc biệt, năm học 2008 - 2009, hệ giáo dục thường xuyên có đến 7 đơn vị phổ cập mà không thí sinh nào đậu TN!
THỰC TRẠNG GIÁO DỤC
Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ HS TN THPT đều giảm. Năm 2007, tỷ lệ HS đậu TN đạt 90,97%; năm 2008, giảm còn 85,87%; đến năm 2009 chỉ đạt 81,67%. Tuy nhiên, ở từng vùng, từng trường, vẫn có những nơi, tỷ lệ TN không những được giữ vững mà còn cao hơn so với năm học trước như: các trường THPT: Lý Tự Trọng, Chu Văn An, Nguyễn Văn Trỗi, Hà Huy Tập, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thiện Thuật… (TP. Nha Trang); đặc biệt, Trường Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh), tuy gặp khó khăn về nhiều mặt nhưng tỷ lệ HS TN vẫn tăng hơn 1% so với năm ngoái. Năm nay, những trường có tỷ lệ HS TN giảm nhiều phần lớn thuộc về các vùng khó khăn hoặc trường bán công như: Trần Cao Vân (giảm gần 26%), Nguyễn Thị Minh Khai (hơn 23%), Khánh Sơn (13,85%), Dân tộc Nội trú tỉnh (14%), Tô Văn Ơn (15,21%)…. Nếu so với bình quân chung cả nước 3 năm qua thì tỷ lệ HS TN của Khánh Hòa vẫn cao hơn 2%. Riêng ở hệ giáo dục thường xuyên, 3 năm gần đây, tỷ lệ HS TN hàng năm giảm mạnh: Năm 2007, tỷ lệ này là 51,02%; năm 2008 tụt xuống còn 41,85%; đến năm 2009 chỉ còn 15,61%. Sự sụt giảm này, nguyên nhân là do 2 năm qua (2008, 2009), hệ giáo dục thường xuyên phải gánh một số lượng lớn HS phổ cập, kéo theo chất lượng giảm.
Từ năm 2007 đến nay, số lượng HS đoạt giải HS giỏi quốc gia tăng so với những năm trước, chiếm từ 40 - 50,85% (bình quân những năm trước đạt 30%); vẫn có HS đoạt giải nhất, nhì, nhưng chất lượng giải không bằng những năm trước. 3 năm vừa qua, Khánh Hòa không có HS đoạt giải nhất, nhì HS giỏi quốc gia ở các môn khoa học tự nhiên. Số lượng thủ khoa các trường ĐH trong 3 năm trở lại đây cũng không giảm nhiều, nhưng chất lượng thì giảm khá rõ: điểm số không cao và chỉ đạt thủ khoa ở những trường ĐH thuộc “top dưới”.
Ngược lại, năm nay, tỷ lệ HS Khánh Hòa đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH lại “trỗi dậy”. Khánh Hòa có 3 trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng và Nguyễn Trãi được lọt vào danh sách 200 trường có tỷ lệ HS đạt điểm cao theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo thống kê này, Trường chuyên Lê Quý Đôn của Khánh Hòa được đánh giá là trường có bước vượt khá nhanh, từ bậc 25 (năm 2008) lên bậc 14 (năm 2009) trong số những trường có TS đạt 3 môn từ 27 điểm trở lên trong 2 năm gần đây.
Như vậy, có thể thấy, CLGD phổ thông của Khánh Hòa hiện ngang mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước, chất lượng có giảm đi.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, CLGD phổ thông giảm, dẫn đến tỷ lệ HS TN giảm, nguyên nhân chính do “bệnh thành tích” vẫn tồn tại ở các trường học, đặc biệt là cấp trung học cơ sở (THCS). Bằng chứng cụ thể là kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, 48 HS giỏi và 1.747 HS khá đã không trúng tuyển vào lớp 10. Năm 2008 cũng có 421 HS khá, giỏi mà bài thi môn Văn đạt từ 2 điểm trở xuống; 373 bài thi môn Toán đạt mức tương tự. Việc đánh giá chưa chính xác còn dẫn đến hệ quả nhiều HS, tuy rất mất căn bản về kiến thức nhưng vẫn tốt nghiệp lớp 9. Một số HS này lại vào học các trường THPT ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh mà không qua thi tuyển; một số trường công lập ở vùng khó khăn có qua thi tuyển lớp 10 nhưng điểm tuyển rất thấp; các trường bán công, dân lập thì “hốt” hết số HS bị rớt khi thi vào các trường công lập mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Đầu vào thấp, kéo theo chất lượng đầu ra thấp mà tỷ lệ HS TN ở 2 huyện miền núi 2 năm trở lại đây đã cho thấy (chỉ đạt từ 55% trở xuống).
Tình trạng mất cân đối giáo viên (GV) giữa các địa phương, nhất là khi việc tuyển dụng GV được phân cấp cho địa phương, đã dẫn đến tình trạng GV ở các vùng khó khăn, huyện miền núi tự bỏ việc và ký hợp đồng với các trường ở vùng đồng bằng. Điều này khiến chất lượng GD ở những nơi thiếu hụt GV đã thấp lại càng thấp. Một bộ phận không nhỏ GV lại chỉ lo dạy thêm để tăng thu nhập hoặc “chạy sô” quá nhiều trường, không có thời gian đầu tư cho chuyên môn và quan tâm đến HS yếu kém. Sự cố lộ đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 12 ở một số trường THPT vừa qua, hiện tượng sửa điểm, nâng điểm ở một trường THCS thuộc TP. Nha Trang… cũng báo động về đạo đức GV.
Những năm gần đây, cùng với đổi mới chương trình, sách giáo khoa, các đề thi quốc gia đều có dạng đề mở, đòi hỏi tính tư duy, sáng tạo của HS. Trong khi đó, ở Khánh Hòa, việc đổi mới phương pháp dạy - học vẫn chưa rõ nét và ít đạt hiệu quả. Các trường phần lớn vẫn sử dụng phương pháp dạy - học mang tính hàn lâm. Ngoài ra, công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục cũng chưa đổi mới mạnh mẽ, chưa tập trung nghiên cứu, giải quyết những khó khăn nổi cộm của các cấp học, ngành học; công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp chưa thường xuyên, còn bị xem nhẹ.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học còn manh mún, nhỏ lẻ, thể hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh còn ở mức thấp (chiếm khoảng 20%) so với toàn quốc. Toàn tỉnh còn 48% phòng học bán kiên cố, 1% trường học cấp 4 đã xuống cấp; một số trường trong quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2010 chưa được triển khai xây dựng hoặc xây dựng chậm so với kế hoạch như: các trường THPT Nam Nha Trang, Nam Diên Khánh, Bắc Vạn Ninh; THCS thị trấn Khánh Vĩnh… Điều này cũng góp thêm nguyên nhân CLGD đi xuống.
Đối với hệ giáo dục thường xuyên, ngoài những yếu kém về GV, cơ sở vật chất, đầu vào HS… thì việc duy trì phổ cập THPT theo hình thức hiện nay sẽ không nâng được chất lượng, nếu không nói là lãng phí. Các lớp học được mở ở nhà học tập cộng đồng, phòng họp của xã… không có đủ thiết bị, đồ dùng dạy học để thầy cô giảng dạy cho HS hiểu bài. Trong khi đó, đối tượng HS này phần lớn bị “hổng” trầm trọng kiến thức căn bản. Nhiều HS không muốn đi học, nhưng do phải đảm bảo đạt chỉ tiêu nên nhiều xã, phường vẫn huy động ra lớp. Việc phải đảm bảo sĩ số lớp khiến thầy cô luôn phải “dỗ dành” HS. Vì vậy, 3 năm qua, với hơn 13,8 tỷ đồng chi cho chương trình, chỉ thu được kết quả rất nhỏ: 75 HS đỗ TN! Nếu giả định, khoản tiền trên được dùng xây mới 1 trường THPT công lập thì sẽ đủ chỗ học cho khoảng 1.000 HS và mỗi năm cũng sẽ có tối thiểu vài trăm HS đỗ TN. Có lẽ, đối với những trường hợp khó khăn, không thể đi học phổ thông thì nên thu hút vào các trường, lớp bổ túc bằng cách hỗ trợ sách vở, học phí thì sẽ hiệu quả hơn. Hoặc ngành có thể tổ chức các lớp phổ cập ngay tại trường THPT; có thể số lượng ra lớp không nhiều nhưng chắc chắn chất lượng sẽ tăng.
Nhiều nhà quản lý giáo dục và GV từng dạy ở trường chuyên cho biết, do số HS đăng ký vào trường chuyên ít, nên “đầu vào” trường chuyên những năm gần đây cũng thấp hơn trước. Ngoài ra, hiện chế độ ưu tiên dành cho HS giỏi quốc gia không còn nên nhiều HS không “mặn mà” giành danh hiệu. Ngoài ra, chế độ khuyến khích dành cho những GV bồi dưỡng HS giỏi đạt giải quốc gia cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một GV cho biết, chế độ thưởng cho HS giỏi đạt giải quốc gia hiện quy định: HS đạt giải khuyến khích được thưởng 200.000 đồng, đồng thời cả đội ngũ GV bồi dưỡng cho HS đó cũng được thưởng 200.000 đồng. Tính ra, nếu có 5 GV bồi dưỡng cho HS này thì mỗi GV sẽ được thưởng 40.000 đồng…
Trên đây là một số nguyên nhân khiến CLGD Khánh Hòa hiện “giậm chân tại chỗ”. Làm thế nào để nâng CLGD Khánh Hòa là câu hỏi không chỉ dành riêng cho ngành Giáo dục mà cho toàn xã hội.
THẢO LY
|