Không biết từ khi nào, hai bên vỉa hè đường Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) xuất hiện nhiều quán cắt tóc như vậy. Mỗi quán chiếm một đoạn vỉa hè, gốc cây và hoạt động từ sáng cho đến chiều tối...
Những đường tông-đơ đưa lên đưa xuống trông rất “nghệ”, người thợ cắt tóc vỉa hè vẫn miệt mài làm việc từ sáng sớm cho đến chiều tối. Trong số những người thợ đó, có một số người, do hoàn cảnh khó khăn không được học hành đến nơi đến chốn, đành lấy nghề cắt tóc vỉa hè làm kế mưu sinh, dù biết mình đang chiếm dụng lề đường làm nơi hành nghề.
Những người thợ cắt tóc vỉa hè miệt mài với công việc. |
Không biết từ khi nào, hai bên vỉa hè đường Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) xuất hiện nhiều quán cắt tóc như vậy. Mỗi quán một đoạn vỉa hè, gốc cây và hoạt động từ sáng cho đến chiều tối. Đồ nghề của những người cắt tóc vỉa hè khá gọn gàng: vài ba chiếc kéo, tông-đơ, dao cạo, thêm chiếc đèn pin và bộ đồ lấy ráy tai đựng trong túi xách nhỏ, một chiếc ghế cột sau xe là những người hành nghề cắt tóc có thể tự chọn cho mình một nơi thích hợp trên vỉa hè để “dựng quán”. Con phố chỉ dài khoảng 300m mà có gần 20 quán cắt tóc vỉa hè.
Phần đông những người đến đây hành nghề đều là dân nội thành hoặc vùng ven. Người lớn tuổi nhất cũng đã 60, ít cũng khoảng 20 tuổi, phần lớn là những người không gặp may mắn trong cuộc sống. Anh Trần Duy Mạnh (24 tuổi, phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) hành nghề cắt tóc được 6 năm tâm sự: “Gia đình tôi nghèo, mẹ mất sớm, nhà đông anh em. Một mình bố tôi phải lo cho cả gia đình với 4 đứa con thơ dại. Tuổi còn nhỏ, không biết làm gì để giúp đỡ bố, nên đang học lớp 7, tôi bỏ học đi học nghề cắt tóc…”. Ra nghề, không có tiền thuê mặt bằng mở quán, anh tìm đến con phố này mưu sinh với bộ đồ nghề trị giá 1,5 triệu đồng. Thời gian đầu, do chưa quen khách nên mỗi ngày anh chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng phụ giúp bố nuôi các em ăn học. Lâu dần, khách hàng đến quán anh ngày một đông, tiền anh kiếm được cũng tăng lên. Có hôm khách đông, anh kiếm được hàng trăm ngàn đồng. Anh Mạnh chia sẻ: Tôi cố gắng vừa làm vừa tích cóp để sau này thuê một quán gần nhà hành nghề cho tiện. Bác Trần Tuấn Khang (62 tuổi, phường Phước Long) - người đã làm nghề ở đây được 12 năm thì cho biết: “Gia đình có 3 đứa con, 2 đứa lớn bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê phụ giúp bố mẹ nuôi em học tại Trường Đại học Đà Lạt. Cả gia đình cũng mong sau này nó thành đạt, có việc làm ổn định, không như bố nó, rất vất vả”. Đây cũng là mơ ước của biết bao ông bố, bà mẹ quanh năm “bám mặt đường”.
Từ lâu, phố cắt tóc Lý Tự Trọng đã quen thuộc với người dân TP. Nha Trang, nhất là những khách bình dân, bởi sự tiện lợi cũng như giá cả bình dân. Dưới bóng mát của những tán cây xanh, khách hàng chỉ cần “tạt xe” vào lề đường là có thể ngồi thoải mái để những người thợ cắt tóc vỉa hè tỉa tót mái tóc. Anh Nguyên Văn Hùng (phường Phước Long, Nha Trang) thường xuyên đến đây cắt tóc cho biết: “Tuy nhà ở đường Lê Hồng Phong nhưng tôi vẫn thường tới đây cắt tóc, bởi vì khung cảnh ở đây thoáng mát, thoải mái, giá cả lại rất bình dân, phù hợp với túi tiền của tôi”.
Cắt tóc vỉa hè là một nghề bình dị, phù hợp với những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nghề này cũng gặp không ít rắc rối vì chiếm dụng vỉa hè. Mỗi quán cắt tóc chiếm một diện tích không lớn, không “ồn ào” như những quán hàng ăn; nhưng việc lấn chiếm vỉa hè vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Bác Khang cho biết thêm: “Có hôm đang cắt tóc cho khách thì lực lượng bảo vệ trật tự đô thị đến thu ghế, thu đồ, tôi cũng đành phải bỏ khách mà ôm đồ chạy. Biết hành nghề ở đây là vi phạm trật tự đô thị, cản trở phần đường dành cho người đi bộ, nhưng do chưa có điều kiện để thuê mặt bằng mở quán nên cũng đành “liều”.
VĂN GIANG