07:09, 22/09/2009

Vá lưới mưu sinh

Hầu hết những người làm nghề vá lưới thuê đều nghèo khó. Nhưng họ không đánh mất niềm tin, hy vọng của đời mình. Hầu như không ai than vãn gì về công việc...

Trước đây, ở những gia đình ngư dân, khi người đàn ông ra khơi, phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm nước và chăm con cái. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai nam giới. Nhưng những năm gần đây, nghề vá lưới thuê đã và đang góp phần không nhỏ vào thu nhập của các gia đình ngư dân, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho phụ nữ nghèo ven biển.

° Phía sau những chuyến tàu

Vá lưới thuê tại cảng cá Hòn Rớ.
Vá lưới thuê tại cảng cá Hòn Rớ.

Vá lưới vốn chỉ là công việc thường ngày trong các gia đình ngư dân, nay trở thành dịch vụ khá đắt khách. Tìm hiểu về nghề vá lưới thuê tại các cảng cá của Nha Trang, chúng tôi nhận thấy, đa số người vá lưới đều có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn không cao, nghề nghiệp không ổn định; họ tìm đến nghề này như một kế sinh nhai. Hiện những người vá lưới thuê được tính tiền công 100.000 đồng/ngày. Với mức tiền công này, đây thực sự là nghề có thu nhập tương đối cho những phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, những người này cũng phải chịu nhiều nhọc nhằn. Ngoài việc nhận lưới về nhà hoặc xuống cảng cá làm, họ còn phải ra khơi, tới Cà Ná, Phan Thiết… vá lưới khi chủ tàu yêu cầu. Và mỗi lần như thế là một lần chị em chịu “dằn xóc” với sóng biển. Cứ mỗi lần sóng dập là chị em lại nôn thốc nôn tháo, đầu óc choáng váng. Sau những chuyến đi như thế, không ít người về phải nằm mấy ngày. Đó là chưa kể mỗi chuyến đi xa vá lưới như vậy, các chị lại phải bỏ bê con cái, tức tốc đi ngay. Khi chúng tôi hỏi, tại sao các chị không từ chối cho đỡ mệt, chị Võ Thị Năm (Hòn Rớ) phân trần: “Nghề này phải chấp nhận khó khăn mới bền. Lúc người ta cần mình cũng như mình cần người ta. Nghĩ cảnh cả mấy chục người trên tàu không đánh bắt được chỉ vì lưới rách, làm sao mình từ chối được? Tôi làm nghề này gần 20 năm nhưng chưa bao giờ từ chối bất cứ đề nghị vá lưới nào, dù ra biển hay đi xa”.

° Vá tiếp ước mơ 

Hầu hết những người làm nghề vá lưới thuê đều nghèo khó. Nhưng họ không đánh mất niềm tin, hy vọng của đời mình. Hầu như không ai than vãn gì về công việc, dù ai cũng có những nỗi niềm tâm sự riêng. Tuy mệt mỏi nhưng mắt họ vẫn ánh lên niềm hạnh phúc. Nhờ thu nhập từ nghề vá lưới, những đứa con của các chị tiếp tục được đến trường. Bữa cơm đạm bạc của gia đình lại có thêm món ngon. Chị Đặng Hồng Hạnh (vá lưới tại cảng cá Hòn Rớ) xúc động: “Tôi đã theo nghề này mười mấy năm, nhờ nó mà 2 con tôi có thêm tiền học đại học (đứa lớn học năm cuối ở TP. Hồ Chí Minh, đứa nhỏ đang học năm nhất tại Nha Trang). Mình khổ cực nhưng con cái hiểu được giá trị đồng tiền cha mẹ vất vả làm ra nên đứa nào cũng cố gắng học hành. Thấy con cái như thế là tôi mãn nguyện. Đời mình không được học cao, nay con chịu học, khổ mấy tôi cũng ráng…”. Chị Tám (phường Vĩnh Trường) thì lạc quan: “Vợ chồng em mới cưới nhau được 4 năm, chồng em đi biển còn em vá lưới thuê nên cũng dành dụm được chút đỉnh. Chỉ mong sao vài năm nữa đủ tiền cất một căn nhà nho nhỏ và ráng lo cho con cái ăn học nên người”. 

Với hàng ngàn tàu cá ra khơi đánh bắt mỗi ngày ở Nha Trang, nghề vá lưới thực sự là một hướng đi cho phụ nữ nghèo ven biển; góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều gia đình ngư dân. Tuy nhiên, để nghề vá lưới hoạt động có quy mô hơn, những phụ nữ này cần được hướng dẫn thành lập các tổ hợp, từ đó có điều kiện giúp đỡ các phụ nữ khác theo nghề và tránh được tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.

LAM ĐIỀN