Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dịch vụ gây mất trật tự và làm nhiều tuyến đường không còn chỗ đi bộ là vấn đề nổi cộm trên địa bàn TP. Nha Trang...
Quản lý đô thị là một khoa học nhưng trên thực tế, TP. Nha Trang và các đô thị lớn trong cả nước đang phải đối mặt với vô vàn bất cập, thách thức về mặt quản lý. Đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, xây dựng tùy tiện, đào bới đường, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Những vấn đề này luôn gây bức xúc cho người dân và tạo áp lực không nhỏ cho các cấp chính quyền. Từ số báo này, Báo Khánh Hòa sẽ đề cập đến những vấn đề bất cập trong quản lý đô thị và những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và giữ gìn TP. Nha Trang thành một thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh.
Bài 1:
Thí điểm quản lý vỉa hè ở TP. Nha Trang:
Chính quyền địa phương - yếu tố cơ bản để quản lý hiệu quả
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dịch vụ gây mất trật tự và làm nhiều tuyến đường không còn chỗ đi bộ là vấn đề nổi cộm trên địa bàn TP. Nha Trang cần phải giải quyết. Lâu nay, tuy có rất nhiều chiến dịch và nhiều đợt cao điểm lập lại trật tự được tổ chức và các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tiến hành tuần tra xử phạt, song kết quả đem lại vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tiếp diễn khi hết chiến dịch… Tháng 4-2009, UBND TP. Nha Trang đã triển khai thí điểm sử dụng một phần phía bên trong vỉa hè để bố trí sắp xếp buôn bán trên một số tuyến đường của các phường Tân Lập, Phước Tiến, Lộc Thọ… Kết quả của đợt thí điểm này sẽ là kinh nghiệm cho thành phố trong việc triển khai một quy định thống nhất về quản lý vỉa hè và lòng đường trên toàn thành phố.
Trong đợt thí điểm này, các tuyến đường cấm kinh doanh trên vỉa hè bao gồm: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, Ngô Gia Tự, Tô Hiến Thành, Lê Đại Hành,Trần Quang Khải và các đường ven chợ Xóm Mới. Thành phố cũng cho phép sử dụng một phần vỉa hè của đường Bạch Đằng và Hồng Bàng để sắp xếp bố trí cho những hộ bị giải tỏa trên các tuyến đường bị cấm được buôn bán và tổ chức dịch vụ trông giữ xe. Mục đích của đợt thí điểm là nhằm hạn chế tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ, trật tự văn minh đô thị, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo việc kinh doanh của nhân dân trên các tuyến đường đặc thù được thuận lợi.
Sau hơn 4 tháng thực hiện, những kết quả đạt được bước đầu rất khả quan và dễ dàng nhận thấy. Ở các tuyến đường này, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè được cải thiện đáng kể, các hộ kinh doanh có mặt bằng cũng không lấn chiếm vỉa hè để trưng bày hàng hóa như trước. Đặc biệt, các tuyến đường quanh chợ Xóm Mới đã thông thoáng hoàn toàn khiến việc đi lại trên các con đường này trở nên dễ dàng hơn… Bà Phùng Thùy Trang - Chủ tịch UBND phường Phước Tiến cho biết: Phường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, chặt chẽ và triển khai theo 3 giai đoạn để hoàn thành tốt kế hoạch này. Trong giai đoạn 1, phường đã công bố danh mục các tuyến đường cấm cũng như được phép buôn bán; giai đoạn 2, phường tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm, vận động các hộ di dời vào các tuyến đường cho phép buôn bán, tiến hành ký cam kết với các hộ này; giai đoạn 3, tiến hành giải tỏa, đồng thời tổ chức các tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị tại từng tổ dân phố trên cơ sở của Ban bảo vệ dân phố để thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, duy trì trật tự. Với cách làm này, kết quả đạt được rất khả quan. Theo khảo sát, ban đầu có 120 hộ, đến nay chỉ còn 40 hộ buôn bán, một số hộ đã chuyển đi nơi khác. Có những hộ buôn bán trên các tuyến đường này hơn 30 năm nay cũng đã dời đi nơi khác. Theo kế hoạch, đợt thí điểm chỉ diễn ra đến ngày 5-9, song phường Phước Tiến sẽ kéo dài đợt thí điểm đến cuối tháng.
Để duy trì được trật tự ở các tuyến đường quanh chợ Xóm Mới, phường Tân Lập cũng đã lập một kế hoạch chi tiết theo 2 giai đoạn và thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và dựng sạp hàng kinh doanh trái phép.
Đợt thí điểm tuy đã đạt được một số kết quả. Song điều khiến nhiều người quan tâm là liệu kết quả này có duy trì được lâu nếu không có lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý? Hơn nữa, chi phí cho các đợt tuần tra kiểm soát cũng không ít. Tại chợ Xóm Mới, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, ngay lập tức các hộ buôn bán lại tràn ra đường. Tình trạng này xuất hiện khá rõ trong ngày Rằm tháng Bảy. Khi được hỏi, chủ một sạp hàng than: “Khổ lắm chị ơi, không bày hàng ra thì rất khó bán vì không hấp dẫn được khách hàng. Hôm nay Quốc khánh không ai đi làm nên tranh thủ bày ra để bán”.
Rõ ràng quản lý vỉa hè luôn là câu chuyện nóng bỏng của các đô thị. Thế nhưng làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này là một việc làm không hề đơn giản. Kết quả của đợt thí điểm cũng cho thấy để làm tốt công tác này, việc thực thi cần phải nghiêm và vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận và ý thức chấp hành của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nơi buôn bán, ổn định cuộc sống vì có một thực tế không thể phủ nhận là có rất nhiều hộ dân hiện vẫn phải dựa vào vỉa hè để sinh sống. Ở địa bàn nào chính quyền địa phương quan tâm đến vấn đề này, kết quả đạt được sẽ rất khả quan. Chính vì thế, địa phương nào làm tốt nên được biểu dương, khen thưởng và ngược lại cần có hình thức xử lý với những địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này.
Bài 2: Quản lý công viên bờ biển
BÍCH KHUÊ