02:09, 11/09/2009

trong cộng đồng người nhiễm HIV tại Khánh Hòa

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 6 tháng đầu năm 2009, toàn quốc phát hiện 6.101 trường hợp nhiễm HIV, 2.030 bệnh nhân AIDS và 742 trường hợp tử vong do AIDS...

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 6 tháng đầu năm 2009, toàn quốc phát hiện 6.101 trường hợp nhiễm HIV, 2.030 bệnh nhân AIDS và 742 trường hợp tử vong do AIDS. Đến nay, dịch HIV đã có mặt ở 64 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Khánh Hòa, tính đến ngày 30-6, đã phát hiện 2.291 người nhiễm HIV, trong đó có 1.143 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 841 người tử vong do AIDS.

Nhằm nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, giảm kỳ thị phân biệt đối xử (KTPBĐX) với người nhiễm HIV/AIDS, giúp người nhiễm có thêm tự tin trong cuộc sống, Tổ chức Sức khỏe gia đình Thế giới (FHI) và Sở Y tế - Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đang tiếp tục duy trì các hoạt động của dự án “Tăng cường chống KTPBĐX, huy động cộng đồng chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người nhiễm HIV tại TP. Nha Trang”, giai đoạn 2008 - 2009. Đặc biệt, lần đầu tiên dự án có sự tham gia của 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.

Trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện tại Khánh Hòa vào tháng 4-1993. Từ đó đến nay, tuy đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống khá hiệu quả, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vẫn còn những khoảng trống như: chưa huy động được sức mạnh và sự tham gia tích cực của cộng đồng, người nhiễm chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tốt nhất… Vậy, làm thế nào để tiếp cận, hỗ trợ, giúp người nhiễm HIV và gia đình họ sống tự tin, vươn lên, hòa nhập cộng đồng? Được thành lập tháng 7-2008, nhóm “Tay trong tay” thuộc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đã có những đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong việc giảm KTPBĐX đối với người nhiễm HIV/AIDS. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhóm đã kết nối được mạng lưới

những người có HIV, tiếp cận, chia sẻ những khó khăn hàng ngày của họ, tư vấn, vận động họ đến Câu lạc bộ (CLB) tham gia sinh hoạt. Chị L.T.T.H - thành viên nhóm “Tay trong tay” chia sẻ: “Là một người mang trong mình căn bệnh thế kỷ, tôi hiểu những nỗi đau, mất mát mà người nhiễm HIV phải gánh chịu. Ban đầu, khi tham gia các hoạt động tư vấn, tuyên truyền tại các nhà thờ, chùa, trường học, tôi rất ngại vì sợ mọi người biết mình nhiễm HIV. Nhưng hiện nay, mặc cảm trong tôi không còn nữa, thay vào đó là những lời chia sẻ, tâm tình của những người cùng cảnh ngộ giúp tôi khỏe hẳn ra, sống thoải mái và yêu đời hơn. Khi tham gia dự án, tôi thấy cộng đồng không hề quay lưng lại với người nhiễm HIV như suy nghĩ của tôi trước đây. Riêng bản thân tôi luôn làm hết trách nhiệm và khả năng của mình; việc vận động, tư vấn hay tham gia tuyên truyền trước đám đông không còn khiến tôi e sợ, lo ngại nữa”.

Là nòng cốt tham gia các hoạt động truyền thông với sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cũng như các hoạt động truyền thông trong cộng đồng nhằm giảm sự KTPBĐX với người nhiễm HIV, các thành viên nhóm “Tay trong tay” đã giao lưu, chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên bằng chính những câu chuyện thật của mình, gây xúc động cho người nghe. Các buổi tư vấn đã gửi đến người nghe thông điệp: “Mỗi con người cần phải phấn đấu, quý trọng bản thân và cuộc sống của mình, vượt qua sự kỳ thị để hòa nhập với cộng đồng”. Nhờ sự vận động của các thành viên trong nhóm, nhiều người nhiễm HIV trước kia sống khép mình, không dám lộ diện, chưa tham gia bất kỳ một dự án nào cũng đã mạnh dạn đến sinh hoạt với mọi người. Chị L.T.T.H cho biết thêm: “Đa số thành viên trong nhóm là nữ, thành viên nhỏ nhất 25 tuổi, lớn nhất hơn 50 tuổi. Cuộc sống của các chị còn gặp nhiều khó khăn, phải tự mưu sinh, sức khỏe càng lúc càng giảm sút, nhưng khi đến với CLB, các chị luôn được chia sẻ, cảm thông. Sự yêu thương giữa con người với con người đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của người nhiễm, giảm bớt sự KTPBĐX, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của mỗi gia đình người nhiễm”.

Mô hình phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng người nhiễm HIV mà nhóm “Tay trong tay” đang thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu chung của cộng đồng là giảm sự KTPBĐX, tôn trọng người nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ, từ đó góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Khánh Hòa; tiến tới thực hiện thành công mục tiêu chung của tỉnh là: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010”.

DIỄM TRÂM