8 tháng đầu năm, hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành còn không ít khó khăn…
8 tháng đầu năm, hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành còn không ít khó khăn…
8 tháng năm 2009, trên địa bàn tỉnh, dịch sốt xuất huyết giảm 11%, bệnh tay - chân - miệng giảm 26%, bệnh sốt rét giảm 2,6%, bệnh nhân phong mới phát hiện giảm 64% so với cùng kỳ năm trước… Riêng dịch cúm A/H1N1 vừa bùng phát trong năm nay, đa số các trường hợp mắc đều ở thể nhẹ, không có biến chứng trong điều trị; giường bệnh thực hiện đạt 114% kế hoạch; số lần khám bệnh tăng 10%; bệnh nhân điều trị nội trú tăng 18%.
Công tác điều trị bệnh hiện tương đối ổn định. |
Nhìn chung, công tác điều trị và dự phòng đều triển khai tương đối tích cực và chủ động. Công tác khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến được tăng cường, nhất là tuyến y tế xã, phường, chất lượng các dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể. Đạt kết quả đó là do nguồn vốn đầu tư của Tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ xây mới 70 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia; 5/14 trạm y tế xây dựng bằng nguồn vốn đối ứng của tỉnh cũng đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, dịch sốt xuất huyết kéo dài, dịch cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, qua giám sát, bệnh nhân mắc bệnh lao tăng 6%, phát hiện bệnh lao mới tăng 4%, số người nhiễm HIV mới tăng 29%… nên nguồn chi tăng. Điều này đã làm ngành Y tế gặp không ít khó khăn, lúng túng trong dự phòng và điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, việc chậm sửa đổi những bất cập về giá thu viện phí đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hiện nay, giá khám bệnh chỉ 3.000 đồng/lần; kinh phí ngân sách chi cho 1 giường bệnh 25 triệu đồng/năm là quá thấp, không đủ trang trải lương cho nhân viên và chi phí giường bệnh; kinh phí triển khai các kỹ thuật chuyên môn sâu, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện đều phải vay vốn ngân hàng và trả lãi; nguồn ngân sách sự nghiệp y tế chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân… Hệ lụy là nhân viên y tế có thu nhập thấp, bác sĩ trẻ bỏ việc nhiều, không thu hút được nguồn nhân lực về tỉnh. Ngoài ra, đời sống cán bộ y tế miền núi không đảm bảo. Định mức chi cho 1 trạm y tế miền núi là 100 triệu đồng/năm, không đủ chi cho các hoạt động của trạm (kể cả phân trạm và y tế thôn bản); phụ cấp trực cho nhân viên y tế quá thấp (10 nghìn đồng/đêm)… nên không khuyến khích được bác sĩ về xã.
Riêng mảng Y tế dự phòng, bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng phàn nàn: Kinh phí chống dịch cấp chậm khiến Trung tâm gần như phải chạy theo dịch. Cụ thể là dịch sốt xuất huyết đã tăng mạnh ở một số địa phương, nhưng kinh phí chống dịch một thời gian dài sau đó mới có, khiến hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã phải loay hoay tìm nguồn ứng trước; kinh phí cấp cho công tác phòng, chống cúm A/H1N1 cũng không ngoại lệ.
Sở Y tế đã kiến nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh; duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế; chi cho hoạt động của trạm và phân trạm y tế xã; điều chỉnh giá khám bệnh và định mức giường bệnh. Đồng thời cho phép các đơn vị y tế sử dụng một phần trong số 35% kinh phí cải cách tiền lương để mua sắm, duy tu bảo dưỡng thiết bị; cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng 25 trạm y tế còn lại bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương để phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; sớm phê duyệt chính sách hỗ trợ và thu hút cán bộ y tế… Nếu làm tốt những phương án trên mới mong đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
M.T