03:02, 18/02/2018

"Bà mụ" của các loài cá biển

Trong giới sản xuất cá giống và cộng đồng nuôi biển trong và ngoài tỉnh, bà Lê Thị Như Phượng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải Nha Trang được biết đến với cái tên "bà mụ" của các loài cá biển. Với sự "mát tay" của mình, bà đã "ép đẻ" thành công nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi cá thương phẩm.

Trong giới sản xuất cá giống và cộng đồng nuôi biển trong và ngoài tỉnh, bà Lê Thị Như Phượng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải Nha Trang được biết đến với cái tên “bà mụ” của các loài cá biển. Với sự “mát tay” của mình, bà đã “ép đẻ” thành công nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi cá thương phẩm.


Đam mê nghiên cứu


Đưa tôi tham quan 1 vòng cơ sở của mình tại thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) với rất nhiều cá, từ cá mú, cá bè vàng đến cá tai bồ, cá bớp…, bà Phượng cho biết đó là đàn cá giống bà chuẩn bị chuyển cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng chài ven đầm Thủy Triều (làng Cửu Lợi, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm), hàng ngày tiếp xúc với cá, tôm nên có lẽ tình yêu với các loài cá biển trong tôi cũng xuất phát từ đó. Lớn lên, niềm đam mê cá biển càng lớn dần, thôi thúc tôi thi vào Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang). Sau khi tốt nghiệp năm 1998, tôi vào làm kỹ thuật viên cho một công ty chuyên sản xuất giống thủy sản; sau này mở doanh nghiệp riêng và gắn bó với ngành sản xuất giống đến nay đã 20 năm”, bà Phượng mở đầu câu chuyện.

 

Kiểm tra sự phát triển phôi cá giống là công việc hàng ngày của bà Phượng.

Kiểm tra sự phát triển phôi cá giống là công việc hàng ngày của bà Phượng.


Trong ký ức của bà, trước năm 2000, ngoài tôm sú, tôm hùm, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người nuôi thủy sản trong tỉnh đã bắt đầu nuôi thử nghiệm một số loài cá biển như: cá mú, cá chẽm… nhưng nguồn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi trên thị trường chưa có cơ sở nào sản xuất cá giống. Từ nhu cầu của thị trường, cô kỹ sư trẻ Lê Thị Như Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo và được lãnh đạo công ty tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp sinh sản nhân tạo cá chẽm mõm nhọn. Sau gần 1 năm tìm tòi, với bao lần thất bại, đến giữa năm 1999 bà đã thành công. “Khi ấy, nhìn lứa cá chẽm đầu tiên do mình tự tay “ép đẻ” thành công, tôi không kìm được xúc động mà bật khóc vì hạnh phúc. Điều khiến tôi vui mừng hơn cả là các loài cá giống do mình áp dụng phương pháp sinh sản nhân tạo đã được người nuôi trong và ngoài tỉnh đón nhận, nuôi thương phẩm thành công cho đến hôm nay”, bà Phượng nhớ lại.


Trong suốt 20 năm làm “bà mụ” cho các loài cá biển, bà Phượng đã không ít lần thất bại. Bà kể, khó khăn nhất là việc chọn cá bố mẹ để cho sinh sản nhân tạo. Khi có đàn cá ưng ý, phải sau 3 - 6 năm nuôi vỗ thì mới có đàn cá bố mẹ thành thục, từ đó chọn tiếp khoảng 30 - 40% số cá bố mẹ tốt nhất để đưa vào sinh sản nhân tạo. Riêng đối với cá mú, gian nan nhất là việc “chuyển giới” cho cá. Bởi đặc điểm loài cá này khi còn nhỏ rất khó xác định giới tính. Sau hàng trăm lần thử nghiệm với nhiều phương pháp cấy hóc môn, tìm kiếm liều lượng phù hợp, bà đã “chuyển giới” thành công cho 5 loài cá mú; từ đó bắt đầu cho sinh sản nhân tạo trong môi trường nuôi nhốt. Đến khi trứng nở, bà lại quay quắt trong việc tìm thức ăn phù hợp, cân bằng môi trường nước để cá phát triển… Trong câu chuyện về loài cá mú trân châu đang rất được người nuôi ưa chuộng hiện nay, được biết, kỹ sư Lê Thị Như Phượng còn là một trong những người tiên phong, thành công sớm nhất trong việc lai tạo thành công cá mú cọp cái với cá mú nghệ đực để cho ra loài cá mú trân châu vào năm 2008.


Không chỉ cho sinh sản nhân tạo thành công các loài cá chẽm, cá mú mỡ, mú cọp, cá hồng, mú trân châu, với sự “mát tay” và niềm đam mê của mình, bà Phượng còn nghiên cứu, tìm tòi, “ép đẻ” thành công nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá gáy biển, cá bớp, cá bè vàng, cá tai bồ… Đã có không ít công trình nghiên cứu của bà trong lĩnh vực sản xuất cá biển giống được giới khoa học công nhận, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen.


Cùng ngư dân làm giàu


Với những người nuôi hải sản, thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thuộc. Với việc “ép đẻ” thành công nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao, bà Phượng đã giúp ngư dân chủ động được nguồn giống trong nuôi thương phẩm, giúp họ yên tâm làm giàu. “Bà Phượng không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi chúng tôi. Cá có vấn đề gì về dinh dưỡng, nguồn nước, bệnh tật có thể gọi bà bất cứ lúc nào. Những điều gì biết, bà tư vấn ngay, gặp những “ca khó” bà lấy mẫu đưa đi phân tích, tìm ra nguyên nhân để hạn chế rủi ro cho người nuôi”, ông Phan Tấn Tý - ngư dân nuôi cá bớp, cá bè vàng trên đầm Nha Phu cho hay.

 

Bà Phượng kiểm tra sự phát triển của trứng cá sau khi thụ tinh.

Bà Phượng kiểm tra sự phát triển của trứng cá sau khi thụ tinh.


Sự gắn bó, gần gũi với ngư dân đã giúp bà Phượng nhận được lòng tin của họ. Những ý tưởng sinh sản nhân tạo giống cá mới của bà hầu hết đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của người nuôi. Cũng nhờ sự gắn bó ấy mà mỗi lần cần tìm vài chục con cá bố mẹ để nuôi vỗ, ngư dân sẵn sàng cung cấp ngay cho bà. “Điều tôi khát khao và dành nhiều công sức nhất chính là tìm ra giải pháp sản xuất những đàn cá giống chất lượng cao, cung cấp cho người nuôi thương phẩm, từ đó đồng hành với ngư dân, làm giàu trên vùng biển Khánh Hòa. Sự đón nhận của người nuôi là động lực giúp tôi tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu sinh sản nhân tạo thêm nhiều loài cá mới”, bà Phượng tâm sự.


Đến nay, bà Phượng đã tìm tòi, nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công khoảng 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải cung cấp đến tay người nuôi khoảng 500.000 con cá bớp, 50.000 con cá mú trân châu, 600.000 con cá bè, 10.000 con cá gáy biển… cho người nuôi khắp trong cả nước. Nhận xét về “bà mụ” này, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh chia sẻ: “Với niềm đam mê các loài cá biển, cùng với sự “mát tay” của mình, kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã dày công nghiên cứu, tìm ra các phương pháp sinh sản nhân tạo nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn giống ổn định cho nghề nuôi thương phẩm phát triển. Thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thiết với cộng đồng nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh”.  


THANH LONG