08:01, 28/01/2017

Năm gà nói chuyện gà

Người ta gọi gà là loài gia cầm, gia có nghĩa là nhà, từ đó thấy được sự gần gũi, thân thiết của con vật nuôi với con người, giúp con người mưu sinh: Ta về ta rủ bạn ta/Nuôi lợn nuôi gà, cày cấy ta ăn.

Người ta gọi gà là loài gia cầm, gia có nghĩa là nhà, từ đó thấy được sự gần gũi, thân thiết của con vật nuôi với con người, giúp con người mưu sinh: Ta về ta rủ bạn ta/Nuôi lợn nuôi gà, cày cấy ta ăn.


Dân gian ta ngày xưa đã có những lời khuyên đầy kinh nghiệm trong chăn nuôi gà vịt để tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống, trong những mối quan hệ, giao tiếp xã hội: Ao to thì thả cá chơi/Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà/Quanh năm khách khứa trong nhà/Ao vườn sẵn đó, lọ là tìm đâu. Vì thế, khi khách đến nhà không gà thì vịt. Đó là chưa kể, trong vườn có gà, giỗ chạp, lễ, Tết có sẵn để cúng tế, làm cỗ.

 


Nhà nông ta có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống gà để nuôi sao cho có lợi: Nuôi gà phải chọn giống gà/Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau; Nhất to là giống gà nâu/Lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều; Mua gà xem cựa, mua cá xem kỳ... Chọn giống gà mái cũng quan trọng, vì chó giống cha, gà giống mẹ, hay gà bền tại mái.


Có những giống gà thật quý hiếm và có nhiều giá trị như gà Mông do đồng bào dân tộc Mông nuôi, là giống gà lông, thịt và cả xương đều có màu đen, ăn có tác dụng chữa các bệnh về tim mạch. Ở Hưng Yên có gà Đông Tảo, đặc biệt cặp chân có dạng vây thịt, vây này có giá trị bằng một phần ba con gà, vì nó nhiều thịt, ăn thơm, dẻo… Lúc gà còn nhỏ, chân gà phát triển bình thường, nhưng khi gà càng lớn, đôi chân càng to, to như bàn tay trẻ con. Gà này có con nặng từ 5 đến 8kg và đẻ rất sai, một năm có thể đẻ được 100 đến 200 trứng.


Làng Lạc Thổ, trước đây thuộc xã Song Hồ, nay là thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng về gà Hồ. Gà Hồ đã có trên 600 - 700 năm nay, từ giống này tạo ra các nhánh như: gà Tam Đảo (Vĩnh Phúc), gà Đông Tảo (Hưng Yên). Gà Hồ mái có con nặng từ 3,5 đến 4kg, con trống nặng gấp rưỡi, gấp đôi. Con trống có hình dáng rất đẹp, thuộc loại mã lĩnh (có lông màu vỏ nhãn), mã thó (có lông màu đất sét), thịt rất thơm ngon và có khả năng kháng bệnh rất cao. Gà Hồ chủ yếu ngày xưa dành để tiến vua, hay để cúng tổ tiên, ông bà. Khi nhà có việc đại sự, việc nuôi gà phải chọn lọc kỹ, phải nuôi riêng với những thức ăn đặc biệt. Ngày cúng, gà được làm sạch lông, lòng ruột, lấy nan tre khéo luồn vào trong con gà, làm sao để gà đứng ngẩng đầu, cánh dang ra, tư thế vươn lên. Sau đó đặt vào nồi to, đậy kín, lửa đun nấu phải nhỏ, trong nồi không có nước, chỉ lấy hơi nóng làm chín gà. Gà chín, lấy ra đặt trên đĩa giữa mâm cỗ cúng tổ tiên trông oai phong, có vẻ đẹp lạ thường.


Còn có loại gà Tò là tên gọi loại gà quý ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tò là tên nôm của làng. Về nguồn gốc giống gà này, có người nói rằng vị đức Tiên Công của làng vốn là con rể của vua Trần nên hàng năm dâng tiến nhà vua giống gà quý này. Tương truyền nhà vua thấy con gà lạ, có lông ở chân, khi ăn thịt thơm và ngọt nên rất thích. Từ đó, gà là vật tiến vua và đã lấy tên làng đặt cho tên giống gà đó. Câu gà Tò ăn quẹn cối xay là gà Tò đứng bên dưới cối xay lúa bằng cối đất, vẫn mổ được thóc trên cối, nếu không coi chừng, nó có thể ăn hết (ăn quẹn) thóc trong cối. Gà Tò ít lông hơn gà ta, nhưng tư thế rất oai phong. Da đỏ như gà chọi, nhưng khi luộc lên lại có màu vàng thẫm. Thời trước, gà Tò nuôi để tiến vua hay để chơi chứ không bán, không làm thịt. Khi cúng Thành Hoàng làng, dân làng thường cúng một con gà Tò thật to và thật đẹp.


Ở một số tỉnh Nam Bộ, có loại gà tre. Loại này nhỏ con, gà trống thì lông trắng, lông đuôi và cổ đen, gà mái lông màu vàng, chân thấp. Gà này nuôi làm cảnh, gọi là gà cảnh vì dáng vẻ, lông màu rất đẹp, xem rất thích mắt. Có loại gà người dân nuôi trong ống tre, khi lớn, mình nó dài ra, cũng gọi là gà tre, nhất là thường nuôi trên ghe thuyền của người dân sống trên sông nước. Ở thôn Mông Phụ (Sơn Tây) có loại gà mía - là lễ vật cung tiến thần thánh, vua quan. Gà mía có mào cờ, tai chảy, chân vàng nhạt, gà trống thân to, lông màu mận chín hoặc đen, gà mái lông màu lá chuối khô. Lại còn có: Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu là loại gà ở tỉnh Đồng Tháp. Có loại gà chín cựa trong chuyện thách cưới Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nhưng trong làng Xuân Sơn ở tỉnh Phú Thọ cũng có loại gà chín cựa này.


Gà được người ta thả rông trong vườn để chúng tự bươi móc kiếm ăn, nhưng cũng phải làm chuồng, để tối tối gà lên chuồng, nơi an toàn cho gà. Theo kinh nghiệm dân gian, nước ta đến mùa đông có gió mùa đông bắc, gà mà gặp mưa gió lạnh như thế thì sẽ mang dịch; vì thế mới có câu: Chuồng gà hướng đông, cái lông chẳng còn. Tục ngữ ta cũng có câu trong việc bán gà: Chớ bán gà ngày gió… Chuồng gà đôi khi cũng được so sánh khi đôi trai gái trái duyên nhau: Chẳng ham nhà ngói bức bàn/Trái duyên, coi chẳng một gian chuồng gà.


Người ta mua gà ở chợ do người dân quê đem ngồi bán ở sân chợ. Gà thì họ bán từng con, nhưng vịt thì họ bán thành từng cặp, cột chung chân lại với nhau. Hồi xưa không có cân ký nên người mua kẻ bán thương lượng với nhau mà trả giá. Tuy nhiên, khi có tiền chưa chắc mua được gà tốt, vì gà béo thì bán bên Ngô, gà khô thì bán láng giềng. Cũng có khi người mua gặp món hời nếu gặp anh chàng bán gà sau đây: Ngẩn ngơ như chú bán gà/Tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng. Hay xui xẻo gặp người bán gà: Lắm lời nhất chị hàng gà/Nói thời quang quác như là cãi nhau.


Thóc lúa là một trong các loại thực phẩm nuôi gà chóng lớn, tăng trọng và mau đẻ trứng: Thương con thì cho ăn quà/Nuôi gà thì phải tốn thóc. Thực vậy, nuôi gà rất tốn kém vì một tiền gà ba tiền thóc. Do đó, đối với nhà nghèo, cơm đâu no chó, thóc đâu no gà. Chẳng bù với: Đời vua Thái Tổ Thái Tông/Lúa rụng đầy đồng gà chẳng buồn ăn, để nhớ lại một thời thịnh trị của đất nước. Có người lại làm những việc phí của, uổng công là đem thóc chắc nuôi gà rừng. Gà rừng ăn xong là bay mất.


Vì thức ăn có hạn nên gà phải bươi móc kiếm ăn. Trong tác phẩm Lục súc tranh công của tác giả vô danh, con gà đã tự biện minh cho sự bươi móc của mình như sau: Gà không người chăn giữ đi về/Nên gà mới lỗi lầm bươi móc. Và gà cho rằng: Ai siêng bươi siêng móc thì no/Bằng biếng lặt biếng tìm thì đói. Cho nên: Con gà bươi rác bươi rơm/Con oanh chèo chẹo đòi ăn cả ngày.


Có người cho rằng sở dĩ gà ưa bươi móc, nhất là ở bếp lò là do tập tục xưa, khi mới mua gà về nuôi, người chủ thường cho nó lạy ông Táo ở bếp rồi mới thả ra, để cho ông Táo biết mà chăm lo cho nó. Vì thế, gà quen hơi quen chốn, thường đến bếp để bươi, nên vắng chủ nhà gà bươi bếp hay gà nhà bươi bếp nhà là thế. Tuy nhiên, cũng có câu đề cao vai trò của người đàn bà trong việc nội trợ: Không đàn bà thì gà bươi bếp.


Chuyện nuôi gà của dân gian ta cũng thật… nhiều chuyện. Nhưng Tết năm gà, nói chuyện nuôi gà cũng mua vui được trong ba ngày Tết.        

            
NGÔ VĂN BAN