08:01, 31/01/2017

Giữa muôn hồng nghìn tiá

Xóm nhỏ, quần tụ chỉ ít chục nóc nhà tranh tre mái lá của dân tha phương tứ xứ nghèo xơ xác, nằm lọt thỏm giữa rừng dương và những động cát trắng lóa nhấp nhô mồ mả trông ra biển lớn; ngày Tết có gì vui?

Xóm nhỏ, quần tụ chỉ ít chục nóc nhà tranh tre mái lá của dân tha phương tứ xứ nghèo xơ xác, nằm lọt thỏm giữa rừng dương và những động cát trắng lóa nhấp nhô mồ mả trông ra biển lớn; ngày Tết có gì vui?


Má tôi, một cư dân thứ thiệt của vùng Xóm Mới từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, cảm thán một cách tự hào điệp khúc “Sao lại không, hồi đó cái gì cũng có, đâu phải như tụi bây bây giờ… Nghèo thì nghèo chớ người ta cũng vui chơi đủ bảy ngày Tết”. “Cái gì” ở đây không liên quan tới nền văn minh nhân loại, miễn so sánh. Bởi đó là ký ức, mà ký ức là cả một mỏ quặng tài nguyên mà suốt đời có khi con người chỉ mới mon men dò tìm dấu vỉa.


Đi vào khu vực Xóm Mới ngày xưa ấy phải ngang qua Hòn Núi Một. Đó là một hòn núi đá nằm chơ vơ, không có một bóng người, cô độc và bí ẩn với vô số huyền thoại. Nó là hang ổ của cọp beo, khỉ sóc, rắn rít… Đặc biệt là khỉ. Khỉ trà trộn với người, giành ăn với người, biết trả thù kẻ đã hẹp hòi miếng ăn và chơi xấu với chúng. Trên đỉnh núi có Miếu thờ Ông Ba Mươi trang trọng, và dường như có cả cặp mãng xà cũng lẩn khuất đâu đó bên cái hồ sen giữa khe núi. Cái hồ nước chỉ rộng vài ba trăm mét vuông là nơi trẻ con trong xóm ra vớt cá hái sen hàng ngày, giữa trưa nước mát lạnh trong leo lẻo thấy rõ từng đàn cá rô phi lượn lờ. Có hai bụi tre già to cao như hai tòa nhà áng ngữ dưới chân Núi Một, châu đầu lại tạo thành một mái vòm xanh um âm u khi nắng nhạt. Khi có gió len lỏi, hai bụi tre khổng lồ này lại phát ra âm thanh rền rĩ kẽo cọt eo óc đủ làm khách bộ hành lạc bước ớn lạnh.


Chạng vạng tối, ở trong nhà nhìn lên hòn núi um tùm xanh thẫm sừng sững ngay trước mắt, đố đứa trẻ nào trong xóm dám đi lại gần. Từ Núi Một trải dài lô xô ra tới biển là rừng dương trên động cát, là những bãi tha ma bị gió cát xóa nhòa ranh giới không có cả bia mộ, là thế giới của bọn động vật bò sát hoang dã. Những đêm oi bức tối trời, thế nào cũng nhìn thấy ma trơi lập lòe lang thang đi tìm người quen nương tựa.


Tuy nhiên, mùa xuân tới, cảnh vật và con người lại bừng lên một sức sống diệu kỳ như chưa hề trải qua khổ đau mất mát. Mai vàng rực rỡ ngập tràn chan chứa nguyên một vùng động cát rộng lớn từ Núi Một dọc lên khu vực Phước Hải kéo dài ra tới biển; ấm áp và hào phóng ban tặng. Rừng rừng mai vàng hồi sinh mang lại khát vọng sống muôn đời cho con người. Những đứa trẻ theo thông lệ lại túa vào rừng như đi trẩy hội mùa xuân, tha hồ chặt, bẻ những gốc mai ấy về quăng đầy trong sân nhà mình, chất thành đống như củi khô. Người lớn sẽ lựa chọn tỉa tót lại, và cắm vào tất cả những nơi có thể, bình, chai lọ, hũ, trên bàn thờ, trong góc nhà, bên bờ rào. Thế là tưng bừng lộng lẫy, Tết đã có, Chúa Xuân đã về. Bà chúa Hoàng Mai đã mang lại niềm vui hạnh phúc, bình đẳng cho tất cả, nhà nhà đều có không khí xuân như nhau. Rừng mai Xóm Mới vì phải hàng năm về nhà sum họp vui vầy với con người nên chỉ kịp trưởng thành vừa đủ để đâm chồi nảy lộc khoe sắc. Riêng ở khu Phước Hải xa dân cư còn hoang vắng nên con nít không dám lui tới, mai vàng mới thỏa thuê sinh sôi phát triển, trường tồn thành cội cổ thụ dày đặc rậm rạp.


Sau năm 1954, chính quyền đã cho san ủi, cày ải những động cát bỏ hoang và rừng cây để làm đường, lập chợ, phân lô… hình thành những khu dân cư mới. Rừng dương bị đẩy ra sát biển. Hằng hà sa số mai vàng ắt cũng bật gốc, ứa lệ vĩnh biệt. Khi tôi lớn lên thì nhà cửa, phố xá đã bít bùng chen lấn, đâu đâu cũng nhà cũng người; tuyệt không thấy bóng dáng rừng xưa núi cũ.


Mai vàng bây giờ bỏ cố hương đi đâu để mỗi độ xuân về nó chỉ còn được coi là tiêu chuẩn của sự giàu sang và quyền thế? Kẻ sĩ ngậm ngùi ra chợ hoa xuân cuối năm, giữa muôn hồng nghìn tía vẫn say đắm ngắm nhìn nàng rồi thẹn thùng sờ lại túi tiền cắn răng quay gót. May ra lì lợm trả giá sục sạo đầu chợ cuối chợ có được một cành hoa khiêm tốn hoặc bằng lòng với cái chậu mai bonsai yểu mệnh. Mai đã ẩn cư nơi rừng sâu núi thẳm, đã vô hồn biến dạng vẹo vọ nơi các vườn ươm. Rừng mai huyền thoại chỉ còn trong mơ của các thế hệ sau này, âu cũng là quy luật bù trừ của thiên nhiên khi đã có quá nhiều thứ để thay thế. Ngay như Hòn Núi Một, nay nhà nhà tựa lưng bao vây san bằng lấn chiếm, không thể nào hình dung ra được chốn bình địa sầm uất trù phú ấy một thời là núi cao rừng thiêng nước độc. Miếu thờ Ông Ba Mươi chắc đã được chuyển đến nơi thích hợp từ lâu. Cái hồ sen thăm thẳm huyền bí có tuổi thọ lâu hơn một chút, khi nhà máy nước đá và rạp xinê Hưng Đạo dựng lên ở thập niên 70 thì nó vẫn còn tuy bị che khuất; nhưng dần dà cũng không thoát được bàn tay dời non lấp biển của con người. Giá bây giờ giữa lòng thành phố du lịch vẫn còn Hòn Núi Một nguyên sơ ngày ấy?


Hồi còn trẻ khỏe, cha tôi cũng hay theo bạn bè vào mỗi dịp Tết đi rừng kiếm mai, có khi vào tận Cam Ranh săn lùng ở những chân núi ven biển. Những gốc mai ấy dù đẹp dù xấu, dù không nở bông đúng ba ngày Tết cũng không thể tính bằng giá trị thông thường, bởi nó còn được xem là thành tích của các nhà thám hiểm lãng mạn và hoài cổ. Tất nhiên Tết không chỉ có mai, nhưng không có mai thì không còn là Tết. Trong ký ức của mẹ tôi cũng vậy, rừng mai vẫn đau đáu trong bà nỗi nhớ về một tuổi thơ nghèo khó thiếu thốn nhưng tràn đầy niềm vui mỗi độ xuân về.


Những năm khó khăn, chỉ có mẹ tôi mới đủ kiên nhẫn lặn lội hết chợ hoa này sang chợ hoa khác, bởi chỉ với một món tiền giới hạn mà muốn mua một cành mai vàng chưng Tết thì còn cần tới duyên may và tài năng bẩm sinh của người nội trợ. Cành mai mang về dù to nhỏ đẹp xấu gì cũng được cả nhà trầm trồ xum xoe, rộn ràng hồi hộp chờ đợi. Cha tôi sẽ cho chuyển cái đi văng trong phòng khách ra ngoài sân để có được một khoảng không gian rộng nhằm tăng thêm sự hoành tráng cho chậu mai. Những dây đèn màu tồn kho sẽ được giăng mắc một cách thận trọng lên các nhánh cây. Lũ trẻ con được phân công kỳ cọ cái sàn gạch bông cho thật bóng loáng để tối đến cả nhà nằm lăn kềnh ra đó ngắm dây bóng điện chớp nháy, và cái catsette cũ kỹ của cha sẽ cất lên bản hợp ca quen thuộc bài Ly rượu mừng. Năm nào có duyên thì hạnh ngộ cành mai tươi tốt, chồi búp tràn trề nở hoa suốt ba ngày Tết, gặp năm vô duyên, cha con tôi phải lặng thinh gài bông nhựa lấp ló sau lá, treo thiệp màu mè lấp liếm nỗi buồn.


Tôi không chung thủy tri âm tri kỷ với mai vàng như cha mẹ, lại càng không thích sở hữu hay tôn sùng bất kỳ loài hoa nào dù vẫn cứ yêu, cứ mê. Tôi không thích nhốt hoa trong bình. Hoa là tặng vật của thiên nhiên, của đất trời dành cho con người, hà cớ gì phải kết liễu cuộc đời tự do phóng khoáng của chúng rồi đem giam cầm vào một không gian chật hẹp của riêng mình? Vả lại, không có gì ủ ê hơn một bình hoa héo rũ, úa tàn. Thà tôi ngắm hoa lá quê mùa bình dân trước hiên nhà, hoặc ghé mắt sang vườn thiên hạ, đừng giao cho tôi những bông hoa diễm lệ đã lìa trần chỉ gieo vào lòng người nỗi cảm khái về một cái đẹp phù du.


Tuy nhiên, hoa cho ngày Tết không phải chỉ dùng để cắm bình, kìn kìn đổ về trên khắp nẻo đường còn là những chậu hoa đủ chủng loại tươi tốt rừng rực sức sống. Mai vàng không còn giữ thế độc tôn nhưng vẫn là hàng quý tộc của hoa xuân, vẫn là niềm tự hào mơ ước cho nhiều ngôi nhà. Vài năm trở lại đây, cực chẳng đã phải có hoa trên bàn thờ chứ tôi không còn tha thiết khuân về những chậu cúc, hồng, thược dược lòe loẹt sặc sỡ xếp hàng chào khách trước cửa như mọi người nữa, có lẽ vì một sự cố khó quên. Năm đó, trước Tết ít hôm, gia đình tôi cũng chen chúc trịnh trọng chở về hai chậu hồng phấn gốc ngoại nhập tươi mơn mởn, nụ hoa mủm mĩm đan dày, từng cánh hoa e ấp được viền phớt màu sen thắm, hương thơm xao xuyến. Sáng mùng một Tết, vừa mở mắt dậy ra thăm thì toàn bộ hoa, mãn khai lẫn hàm tiếu lẫn nụ đều rụng sạch. Hai chậu hồng chỉ còn thân cây trơ cành và lá lủng lẳng ỉ eo. Đành tự giải thích rằng theo khoa học, rồi tự an ủi, tự cho qua. Thế rồi cuối năm gặp chuyện không may, có người nhắc lại sự cố, vờ như không nhớ, không hay, không quan tâm nhưng lòng dặn lòng thôi xin chừa chưng hoa đầu năm thử thời vận từ nay…


Đã nhiều năm liền, tôi thường phải trở về nhà một mình từ chỗ làm vào thời điểm muộn màng của một buổi tối cuối cùng trong năm. Đi giữa thời khắc trời đất sắp sửa giao hòa thấy lòng mình nhẹ tênh. Ngày còn bé, từ chạng vạng chiều ba mươi, bà ngoại tôi đã không cho con cháu ra đường sợ vô ý bị bề trên quở trách; giờ phút linh thiêng theo quan niệm của bà đến sớm quá. Cõi dương gian ở thời điểm vạn vật chuyển giao ắt đầy ắp người muôn năm cũ về đoàn tụ gia đình, mật độ lưu thông chắc dày đặc không nên xớ rớ cản đường. Mọi thứ trong nhà đều đã tinh tươm, người lớn trẻ nhỏ cũng đã dọn mình sạch sẽ, nước non lu vại phải đầy ắp không được đụng chạm tới để ngoại còn cúng Thần Giếng.


Trên đường tôi đi qua phần lớn nhà nhà đã bày biện sẵn hương đèn hoa trái cúng tế tổ tiên, còn người người nếu có bắt đầu ra đường giờ này thì mười phần rạng rỡ thơm ngát. Tất nhiên trừ những ai đang hối hả chạy về nhà như tôi sau khi đã hoàn tất công việc của mình. Chợ hoa có lẽ là tan muộn nhất, bởi nhu cầu thưởng ngoạn tinh thần của dân lao động thường chỉ được chiếu cố sau cùng. Những bông hoa còi cọt, xơ xác tội nghiệp đã qua không biết bao nhiêu tay lựa chọn mấy ngày trước nay được chủ nhân ép dạt vào một góc, phơi mặt ra mời gọi với cái giá bèo bọt. Nhà vườn bán tống bán tháo chúng đi để khỏi tốn công nhổ bỏ đặng mang cái chậu đất về lại. Những công nhân vệ sinh đang vất vả để hốt dọn những đống cây xanh ngất nghểu đựơc trút bỏ lại bên vệ đường và những người thích chơi hoa vào giờ chót đang mãn nguyện với những nhan sắc “tình cho không biếu không” chất năm, ba chậu một lần lên xe máy lao vút đi.


Tôi sẽ nhanh chóng trở về nhà, mở toang cửa ra, và sẽ sắp sửa bàn thờ xôi chè ngũ quả, dọn mình chờ đến giao thừa xông trầm hương cúng tạ tổ tiên trời đất đã ban phước lành cho năm cũ, gia hộ cho năm mới; như ngày xưa cha mẹ, ông bà tôi đã làm. Cây lá quanh tôi vẫn xanh mướt, mọi thứ vẫn sáng choang vẫn đủ đầy nhưng sao vẫn thấy thiếu vắng bóng dáng của Nàng Xuân.


Thôi thì mùa xuân sang năm tôi sẽ tìm cho mình một nhánh mai vàng, nhất định vậy.

 

. Tùy bút của Ái Duy