Ấy là đèo Cả qua mấy nét phác nhanh bằng ngôn từ của thi sĩ Hữu Loan năm 1946. Để rồi đằng đẵng 70 năm qua, cho dù đã nới rộng, kê nền tráng nhựa, không còn heo hút, đèo Cả vẫn uốn mình lượn lách giữa núi cao, mây trời vần vũ.
Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương!
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương
Ấy là đèo Cả qua mấy nét phác nhanh bằng ngôn từ của thi sĩ Hữu Loan năm 1946. Để rồi đằng đẵng 70 năm qua, cho dù đã nới rộng, kê nền tráng nhựa, không còn heo hút, đèo Cả vẫn uốn mình lượn lách giữa núi cao, mây trời vần vũ. Những dòng người xe bộ hành dọc đường thiên lý vào Nam, ra Bắc vẫn phải đi qua con đèo khúc khuỷu hiểm nguy như đánh cược số mạng của mình. Vậy nhưng mùa xuân Đinh Dậu 2017 sẽ là mùa xuân cuối cùng khách phải leo qua con đèo nguy hiểm nhất, nhì miền Trung. Rồi đây, đèo Cả với những nét phác thảo trong thơ Hữu Loan sẽ chỉ còn trong thi ức một thời để những ai ưa khám phá tìm về một chặng đường xưa trong ngàn dặm nước non!
Núi Đá Bia quanh năm mây phủ |
Dặm dài lịch sử
Đèo Cả! Tôi không nhớ mình đã từng bao nhiêu lần bằng cả đường bộ, đường sắt đi qua con đèo như vách ngăn hai vùng đất Phú Yên, Khánh Hòa. Nhưng chắc chắn mỗi lần có dịp qua đây, tôi cứ tự đắm mình với những khung cảnh tuyệt mỹ giữa một bên là núi đá hoa cương dựng đứng áp ngực ra phía biển xanh ngăn ngắt như câu thơ của cố nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: “Suốt miền Trung núi choài ra biển/Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và động viên kỹ sư, công nhân đang thi công hầm đường bộ qua đèo Cả |
Đèo Cả! Hay là đèo Cục Kịch như cách gọi dân gian là đoạn đường kéo từ chân núi Đá Bia đến Đại Lãnh có chiều dài khoảng 12km nhưng có đến 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua nguy hiểm. Con đèo được kiến tạo bởi một trong những nhánh núi của dải Trường Sơn đâm ngang ra biển ấy đã lừng lững đi vào những trang sử Việt từ thế kỷ XV. Năm 1471, khi mở rộng cương vực của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã lấy núi Đá Bia sừng sững như cột chống trời làm ranh giới hai nước Việt - Chăm. Suốt gần 2 thế kỷ, con đường Nam tiến của Đại Việt đã bị chặn lại bởi hòa ước giữa 2 bên và phần nào đó là bởi sự hiểm trở của đèo Cả. Mãi đến tháng Tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm đất Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh. Bà Tấm thua trận xin hàng, chúa Nguyễn tiếp nhận vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông cái Phan Rang đặt dinh mới là Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa). Kể từ đó, tao nhân mặc khách nước Việt đã biết đến một danh thắng của trời Nam. Để rồi năm 1836, vua Minh Mạng đã cho khắc dãy Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở hoàng thành Huế. Tiếp đến, cuối thế kỷ XIX, Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô (Huế), ngang qua đèo Cả từng có bài thơ Vịnh Đá Bia với tựa đề: Nhất phiến sơn đầu thạch (Mảnh đá đầu non dựng).
Công trường hầm đường bộ đèo Cả luôn nhộn nhịp |
Đèo Cả! Đó còn là những trang sử bi hùng của dân tộc gắn liền với con đường đèo xuyên suốt gần 400 năm nhập vào Đại Việt (tính từ năm 1653). Nơi đây từng là chiến trường ác liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cũng từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh chống giặc ngoại xâm. Với tôi, mỗi khi đặt chân đến đèo Cả lòng lại ngân vang những câu thơ đượm màu cổ thi của nhà thơ Hữu Loan: “Đèo Cả/Đèo Cả/Núi cao ngút/Mây trời Ai lao/Sầu đại dương/Dặm về heo hút/Đá Bia mù sương…”. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, những người lính Nam tiến đã chọn ngọn đèo “heo hút cồn mây súng ngửi trời này” để làm nơi trấn giữ, chặn bước chân giặc ra phía Bắc. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những người lính vệ quốc đã làm nên nhiều trận đánh vang dội như thi sĩ đã tạc trong thơ:
"Nhưng đèo Cả
vẫn đứng vững
Đèo Cả Nam
máu giặc
mấy
lần
nắng
khô”.
Đoạn thơ rớt dòng liên tục như sự khúc khuỷu hiểm nguy của ngọn đèo. Đèo Cả! Mạch trải về phía đông là Vũng Rô lừng danh nơi tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào bằng những chuyến tàu “không số” huyền thoại. Sự kiện Vũng Rô tháng 2-1965 là một trang sử bi tráng trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhìn rộng ra, biết bao đau thương, mất mát đã đổ xuống mảnh đất nhoài mình ra biển này trong suốt chiều dài đấu tranh giành độc lập, bảo vệ sự thống nhất nước nhà.
Khúc tráng ca thời hiện đại
Đèo Cả! Địa danh ấy không chỉ là hiện thân của sự hùng vĩ mà còn là nơi hiểm nguy. Bao nhiêu năm qua, không biết bao nhiêu máu, nước mắt đã đổ trên cung đường này. Với mong muốn xóa bỏ sự ngăn cách giữa Phú Yên và Khánh Hòa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả khu vực, Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đã được đầu tư xây dựng - khúc tráng ca của thời kỳ hiện đại hóa đất nước.
Hầm đường bộ qua đèo Cả đã được thông tuyến kỹ thuật |
Vâng. Dự án hầm đường bộ đèo Cả xứng đáng được gọi là một khúc tráng ca. Thay cho tiếng súng ngăn bước chân thù, tráng ca đèo Cả hôm nay được viết tiếp bởi nghị lực của những người Việt hôm nay, bằng tiếng khoan rền vang lòng núi, bằng những cú nổ mìn phá đá mở đường… Đến đèo Cả khi Tết Đinh Dậu 2017 đã cận kề, đang độ cuối mùa mưa, đèo Cả vẫn sương giăng mây phủ. Vậy nhưng, không gian đèo Cả vẫn ấm nóng bởi sự hối hả đặc trưng của những người lao động trên công trường như lời ông Hồ Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả: “Kể từ khi khởi công vào năm 2012 đến nay, chưa ngày nào công trường này ngớt tiếng khoan đá, tiếng xe máy… Mùa nắng cũng như mùa mưa, kể cả những ngày Tết, cán bộ, công nhân công ty vẫn quyết bám trụ công trình”.
Bắt chuyện với một kỹ sư trẻ, tôi vỡ ra nhiều điều. Không dài như hầm qua đèo Hải Vân nhưng xét về thông số kỹ thuật, đường hầm đèo Cả còn dài hơn cả hầm Hải Vân (đường hầm chính dài 6,28km) bởi hầm đèo Cả là hầm ống đôi, mỗi ống dài gần 4km, cứ mỗi 500m lại đục đường thông hai ống hầm để tạo chỗ thoát hiểm. Một con số thuộc dạng kỷ lục trong các hầm đường bộ đã được xây dựng ở Việt Nam. Sau 4 năm xây dựng, tháng 7-2016, hầm đường bộ đèo Cả được thông tuyến kỹ thuật. Dù vẫn còn nhiều việc phải làm như: xây dựng bê tông vỏ hầm, hoàn thiện gói thầu đường dẫn, cầu, lắp ráp hệ thống ánh sáng, an toàn giao thông..., nhà đầu tư cam kết sẽ huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để đưa hầm đường bộ đèo Cả vào khai thác vào tháng 7-2017.
Đường bộ qua đèo Cả men theo sườn núi ăn ra sát biển |
Vâng! Đó đích thị là một thông báo vui về mốc thời gian, rằng sau bao năm chờ đợi, ngày vui đã cận kề! Khi đó, những chuyến xe xuôi ngược Bắc - Nam sẽ không còn phải leo trên con đường đèo khúc khuỷu. Sẽ không còn cảnh ùn tắc dài cả cây số mỗi lần đường đèo bị sạt lở khi mùa mưa đến. Sẽ không còn những tin nóng về những vụ tai nạn thương tâm từ những đèo dốc quanh co cheo leo bên bờ vực. Và xa hơn, lớn hơn trên trục đường phát triển, Dự án hầm đường bộ đèo Cả với ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế đối với cả khu vực miền Trung khi đã kết thông khu vực, trực tiếp là kết thông giữa hai tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên với hai trọng điểm là Nam Phú Yên với Bắc Vân Phong (đang được đề xuất thành lập đặc khu kinh tế) sẽ tạo nên một lực mới trong phát triển.
Đèo Cả!
Từ trên đèo nhìn về phía bắc là cảng Vũng Rô, phía nam là khu Bắc Vân Phong, rồi đây vùng liền kề kinh tế trọng điểm ấy sẽ chuyển mình theo “công trình thế kỷ” hầm đường bộ đèo Cả, xuyên thông về phía tương lai - một tương lai tươi sáng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Còn lại phía trên con đường hầm xuyên sơn ấy, con đường đèo tự ngàn xưa với heo hút núi non giăng thành ẩn khuất giữa mù sương sẽ trở thành điểm du lịch cho những người thích mạo hiểm. Và dưới góc nhìn kinh tế du lịch, Thạch Bi - đèo Cả - Vũng Rô hoàn toàn có thể là một tour du lịch hấp dẫn cho những du khách tìm về những trang sử oai hùng xưa.
Thành Nguyễn