Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: "Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau.
Trông họ giống như một cặp tình nhân mới yêu nhau. Chứ yêu lâu, người ta chẳng được tình tứ đến thế. Cách sống của cặp này khiến cho người chung quanh bình phẩm bàn tán. Có người khen, cũng có người chê. Chị Việt nói: “Anh Tưởng với chị Viên đi đâu cũng có đôi, ăn gì cũng ngồi cạnh nhau, gắp thức ăn, chăm sóc cho nhau. Họ mê nhau chớ chẳng phải vợ chồng. Tình tứ đến thế là cùng! Vợ chồng mình chỉ mong được một phần mười như thế đã mừng rồi…”. Chị Nguyệt lại nói: “Vợ chồng đầu ấp tay gối, ăn đời ở kiếp với nhau, chớ đâu phải ngày một ngày hai. Phải biết chuyển cái chữ tình thành chữ nghĩa, như thế mới bền. Ở trong phòng muốn làm gì cũng được, ra chỗ đông đúc, âu yếm với nhau như kiểu xi-nê, ai chịu được?”…
Nếu biết được cách sống của cặp vợ chồng này ở trong nhà khác thường hơn thế nữa, họ còn bàn tán đến đâu. Ai đời đã là vợ chồng, sống chung một nhà mà có khi còn viết thư cho nhau, giấu dưới gối. Nội dung thư thì tỏ lòng yêu mến, trách móc giận hờn, chẳng khác gì trẻ con. Tối trước khi đi ngủ, anh và nàng còn “good night”, chúc mộng đẹp. Sáng hôm sau chàng đi làm thì hôn vợ “bái bai”, mong sớm gặp nhau. Trưa về lại còn đón đưa trước cửa. Rồi sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, lễ lạc linh đình. Nhà họ không hề thiếu hoa tươi, những lời khen tặng nhau. Thời buổi khó khăn này hiếm có gia đình nào như họ.
Mọi sự đều có căn nguyên của nó. Trước tiên là điều kiện kinh tế. Nếu vợ chồng đầu tắt mặt tối thì còn hơi sức nào bỏ công làm cái chuyện tiểu thuyết như thế? Đằng này cô vợ nhờ hưởng khoản hồi môn lớn, cơ sở sản xuất tháng nào cũng có đồng vào, tiêu không hết, không sống phong lưu cũng uổng. Viên còn có tính nghệ sĩ, lãng mạn, nàng cố sống sao cho thật giống những nhân vật tài tử giai nhân trên phim ảnh. Thuở còn đi học, nàng đã ước mơ sau này tổ chức cuộc sống và hướng cho người bạn đời của mình ngày nào cũng vui như ngày mới cưới. Cuộc đời phải thi vị hoàn hảo như thế từ ngày đầu tiên cho đến khi tóc bạc răng long. Viên sợ nhất là thiếu tình yêu. Nàng còn sợ vợ chồng nhàm chán nhau, sự nhàm chán là kẻ thù của hạnh phúc. Muốn được thế, mỗi ngày phải là một ngày mới, phải tìm ra niềm vui mới lạ để cuộc sống luôn lấp lánh ánh sáng hạnh phúc diệu kỳ. Muốn được thế thì người bạn đời cũng phải đồng quan điểm.
Cũng may, anh Tưởng chồng nàng là người hết sức ba phải. Vợ nói gì anh cũng nghe theo. Anh lý luận: Chiều vợ lợi trăm bề, được ăn ngon mặc đẹp, việc nhà chẳng cần mó tay, cơm nước, tiền nong chi tiêu trong nhà đã có người lo. Vậy thì chống lại vợ làm gì? Cái tự ái hão huyền của thằng đàn ông ích lợi gì? Lý luận này cũng đặt trên cơ sở “tương quan lực lượng kinh tế”. Nàng giàu, anh nghèo. Cái vốn của anh chỉ là khuôn mặt điển trai với bằng kỹ sư tại chức.
Tuy thế, anh cũng có việc làm trong nhà. Anh chọn cho mình một công việc nhẹ song mang tính sáng tạo… Ấy là việc ngày ngày tìm lời tán tỉnh vợ. Không thể cứ một câu khen tặng ngày này sang ngày nọ, vậy thì chán chết. Thời gian đầu có bao nhiêu câu khen tặng hay ho anh đã phung phí hết trong mấy tháng sau lễ cưới. Vì thế, anh cũng phải động não tìm cái mới, giống như hàng ngày đổi món ăn. Cũng may Tưởng là người sáng dạ. Khi đã cạn những lời xưng tụng, anh tìm “nguồn” trong sách vở, nhất là trong mấy bộ tiểu thuyết ái tình rẻ tiền. Tưởng mở sổ tay ra chép mấy câu văn hay, học thuộc lòng, có dịp đem ra nịnh vợ. Lần này anh đã biết tiết kiệm lời khen, mỗi ngày chỉ dùng một câu, không dám phung phí như buổi đầu. Nhưng rồi nguồn này cũng cạn. Tưởng xoay qua tìm nguồn trong thơ. Cũng may mấy năm gần đây thơ tình lạm phát, anh cứ việc trích cú tầm chương, chép vào sổ tay, lâu lâu xổ ra một câu. Cái lỗ tai của Viên cũng tiến kịp với trào lưu văn nghệ hiện đại. Trình độ nàng cũng đã thưởng thức được những câu tán dương cao cấp, trừu tượng, siêu thực… Viên rất bằng lòng về người chồng có thể gọi là lý tưởng này. Những hoài bão lớn trong cuộc sống của nàng đã thành hiện thực. Chỉ còn một vấn đề, đó là chuyện phòng the. Viên còn muốn trộn lẫn chất lãng mạn vào lĩnh vực này. Nàng không thể chấp nhận chủ nghĩa thực dụng đi vào trong chốn đầy sự tế nhị này.
Làm sao để người bạn tình biết lúc nào mình đang cần. Không thể dùng lời lẽ, vì dù có văn hoa văn vẻ cách mấy cũng thành phàm tục. Theo Viên phải có một loại tín hiệu, tín hiệu hồng, tín hiệu xanh, gọi chung là tín hiệu mùa xuân, để báo người phụ nữ đang sẵn sàng nở hoa kết trái, và rất cần ong bướm. Loại thông điệp mật này chỉ có hai người biết. Nghĩ mãi không ra. Mọi phát kiến lớn về khoa học thường đến do tình cờ. Ở đây cái phát kiến ra “thông điệp mùa xuân” cũng xuất hiện một cách tình cờ.
Một hôm, hai vợ chồng ngồi ăn cơm trưa. Chàng thấy dưới mái tóc ngắn đen bóng cắt theo hình cánh chim sắc cạnh, có chiếc hoa tai bằng nhựa, một tấm nhựa dày màu trắng hình quả tim vỡ. Chàng cất lời khen:
- Trông thấy chiếc hoa tai tim vỡ em đeo, lòng anh thấy rạo rực…
Sự thật vì buổi trưa hôm ấy trời rất nóng, anh vừa nốc hai chai bia, chất cồn chảy rần rần trong máu nên mới có lời khen ngợi “đột xuất” này. Song lời ca ngợi ấy làm nàng cảm động. Từ đó không hẹn mà cả hai cùng chấp nhận chiếc hoa tai tim vỡ là dấu hiệu mùa xuân đã tới đối với người phụ nữ lãng mạn. Mỗi lần nàng mang nó, anh hiểu ấy là nàng “bật đèn xanh” cho anh.
Phát kiến đó giải quyết một cách hết sức tế nhị cái chuyện vô cùng tế nhị giữa hai người. Nó hoàn thành trách nhiệm tốt trong một thời gian dài, kể ra cũng gần mười năm. Thế nhưng thời gian kéo theo những thay đổi. Nàng ngày càng phây phây. Trong khi ấy, sức khỏe của anh có dấu hiệu đi xuống, bắt đầu xuất hiện ở cái sơ đồ sinh lý.
Lúc này, anh thấy nàng mang hoa tai liên tục. Nhiều lần anh vờ không thấy. Nàng cố làm cho anh thấy, mỗi khi ngồi gần anh, nàng còn vén cao mai tóc lên, lúc lắc đầu để chiếc hoa tai rung rinh, gây chú ý. Làm lơ mãi cũng không được. Đôi khi anh thấy giận chiếc hoa tai mùa xuân. Anh nghĩ phải chi không có nó. Và thế là anh định ăn trộm hoa tai. Sau đó, anh nghĩ vô lý quá. Chẳng cần là Sơ-lốc-hôm cũng đoán ra thủ phạm. Có thằng ăn trộm nào vào nhà chỉ để ăn cắp chiếc hoa tai bằng nhựa rẻ tiền?
Anh chưa biết tính thế nào thì một hôm anh chở vợ đi chợ, đang đi bỗng nàng la thất thanh:
- Ăn cướp! Cướp! Cướp! Đuổi theo nó nhanh, cái thằng mặc chiếc áo pul màu đỏ kia kìa!
Anh rồ ga đuổi theo. Chạy chỉ một đoạn, anh đã thu ngắn khoảng cách. Chỉ cần tông vào nó, cả hai đều ngã là tóm được. Anh hỏi:
- Nó cướp cái gì?
- Chiếc ví tay.
- Có gì trong ấy?
- Có tiền,
- Nhiều không?
- Ít thôi, nhưng có chiếc hoa tai tim vỡ!
Anh chợt mừng thầm, nghĩ nó ăn cắp đôi hoa tai là giúp mình. Đây đích thị là thằng cướp nghiệp dư. Ai đời đi cướp giật mà mặc áo đỏ rất dễ nhận ra trong đám đông. Tội nghiệp, mình tính ăn trộm đôi hoa tai thì nó đã làm giùm mình. Đang tăng tốc bỗng anh đột ngột giảm ga thắng gấp. Viên ngã nhào vào lưng anh. Nàng hét lên: “Tại sao thắng lại?”. Anh la to:
- Chiếc xe chết tiệt, hỏng hóc rồi. Thôi, không đuổi nữa.
Anh dừng xe, thấy bóng dáng thằng ăn cắp tà tà chạy trước.
. Truyện ngắn của QUÝ THỂ