Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) được tổ chức tại Nha Trang vào năm tới sẽ có những môn thi đấu lạ lẫm đối với nhiều người như kabaddi và bóng gỗ. Nhưng các môn thể thao này lại có nét tương đồng với một số trò chơi dân gian của người Việt.
Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) được tổ chức tại Nha Trang vào năm tới sẽ có những môn thi đấu lạ lẫm đối với nhiều người như kabaddi và bóng gỗ. Nhưng các môn thể thao này lại có nét tương đồng với một số trò chơi dân gian của người Việt.
Kabaddi và trò cướp cờ
Mới xem môn kabaddi, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì sự lạ lùng của nó. Dường như đây là một trận thi đấu nhưng xen lẫn vào đó lại mang tính chất của một trò chơi. Trên một mặt sân hình chữ nhật rộng khoảng 100m2 được chia làm 2 phần bằng nhau, ngăn cách bởi vạch kẻ giữa sân. Mỗi đội một bên. 1 cầu thủ của đội này xâm nhập qua phần sân đối phương và chạm vào một hoặc nhiều cầu thủ đối phương rồi chạy thật nhanh về phần sân của đội mình. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ bị chạm vào lập tức bủa vây và bắt giữ, không cho cầu thủ đối phương có cơ hội quay về sân nhà. Cầu thủ tấn công chỉ có thời gian gói gọn trong 30 giây để chạm vào đội phòng ngự rồi rút lui nếu không sẽ bị xử thua. 2 bên cứ thế luân phiên nhau giữa tấn công và phòng thủ.
Kabaddi có nhiều nét tương đồng với trò chơi cướp cờ. |
Nhìn vào cách chơi, chúng ta sẽ có cảm giác rất gần gũi với các trò chơi dân gian của Việt Nam như trò đuổi bắt, đụng bị, cướp cờ… Trò cướp cờ thường được tổ chức trong các ngày hội làng của vùng đồng bằng Bắc bộ và hiện nay đã trở nên phổ biến trong các dịp sinh hoạt vui chơi, nhất là của học sinh, sinh viên. Trong cả 2 môn chơi này, yếu tố to khỏe, nhanh nhẹn được ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà đội tuyển kabaddi Việt Nam lúc mới thành lập chủ yếu tập trung các võ sĩ, đô vật làm nòng cốt. Với trò chơi cướp cờ thì chỉ cần chạm vào đối thủ là được, còn kabaddi đòi hỏi phải bắt được đối thủ.. Trong kabaddi, việc “đơn thương độc mã” sang sân đối phương để chạm vào họ và tìm đường chạy về mà không bị bắt giữ ngoài thể lực vượt trội còn đòi hỏi độ tinh quái để tạo nên bất ngờ, xử lý khéo léo để không rơi vào vòng kiềm tỏa của đối phương. Tất nhiên, các cầu thủ phòng ngự cũng có những miếng phối hợp vây ráp, bịt kín lối về, hoặc giương sẵn bẫy nhử để dụ cầu thủ tấn công của đối phương sa lưới. Đó phải là một cuộc đấu trí và biến hóa liên tục của đôi bên chứ không đơn thuần chỉ là màn phô trương sức mạnh thể lực.
Bóng gỗ và những nét giao thoa
Người ta ví von golf là môn thể thao quý tộc. Bóng gỗ là môn golf của giới bình dân. Bởi cả 2 môn này đều chơi cùng với trái bóng, cây gậy và đưa bóng vào mục tiêu đã định sẵn. Còn ở Việt Nam, từ xa xưa đã có môn đánh phết, chẳng khác mấy so với bóng gỗ.
Đánh bóng gỗ và chơi golf có kỹ thuật và luật chơi tương tự nhau |
Môn golf khá kén người chơi không chỉ vì chi phí đắt đỏ mà còn cả những quy định rất riêng về trang phục và đòi hỏi khắt khe về những dụng cụ cần thiết cho người chơi cũng như điều kiện sân bãi. Bởi vậy, để môn thể thao đầy hấp lực này đến được với đại đa số quần chúng, một người đàn ông ở Đài Loan đã nghĩ ra trò bóng gỗ với luật và cách chơi như golf, chỉ khác là không đòi hỏi nhiều về sân bãi. Mọi bãi cỏ đủ rộng đều có thể chơi được. Bộ gậy đắt đỏ của môn golf được biến thành một gậy gỗ, có hình như một cái búa to hình tròn cắm vào cây cần có chiều dài từ 80 -100cm tùy vào độ cao của người chơi, trái bóng cũng bằng gỗ và to hơn nhiều so với trái bóng golf. Bóng gỗ chơi luật gần giống golf, kỹ thuật cũng tương tự nhưng khác biệt là nó đã… bình dân hơn rất nhiều. Chính vì thế mà những năm gần đây, khi bóng gỗ du nhập vào Việt Nam (2009) đã được đông đảo mọi người đón nhận và nhanh chóng lan tỏa từ thành thị đến nông thôn. Lúc đầu chỉ có 1 câu lạc bộ nhưng nay đã phát triển thành hàng trăm câu lạc bộ ở nhiều tỉnh, thành. Cách chơi đơn giản và ít tốn kém của bóng gỗ giúp ai cũng có thể chơi được, chỉ cần một cái gậy, một quả bóng và một mảnh đất công cộng là đủ. Đội tuyển bóng gỗ Việt Nam “mang gậy đi gõ xứ người” cũng đã từng mang về những huy chương quý giá ở đấu trường thế giới lẫn châu lục, gần đây nhất là 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Đồng tại ABG4.
Kabaddi là trò chơi dân gian của Ấn Độ, du nhập vào các nước Nam Á từ những năm 1930 và biến đổi thành kabaddi hiện đại. Hiện nay có kabaddi trong nhà và kabaddi bãi biển. Kabaddi trong nhà thi đấu trên thảm mềm với mỗi đội 7 người, 5 chính thức và 2 dự bị. Kabaddi bãi biển chơi trên cát, ngoài trời với 6 người mỗi bên gồm 4 chính thức và 2 dự bị. Mỗi trận kabaddi có 2 hiệp, mỗi hiệp 15 phút và 5 phút nghỉ giải lao. Kabaddi từng có mặt tại Asiad 1998 và thành môn thi đấu chính tại Asian Indoor Games 2 tổ chức tại Macao năm 2007. |
Nếu như đánh golf là đưa bóng vào lỗ thì đích đến của bóng gỗ là khung thành có độ rộng 25cm. Sân golf có 9, 18, 36 lỗ… thì sân bóng gỗ được chia làm 12, 24, 36 hoặc 72 đường đánh. Mỗi đường đánh có chiều dài từ 30 - 130m, chiều rộng từ 3 - 10m và có một khung thành. Người chơi chỉ cần đưa trái bóng đi từ điểm xuất phát đến khung thành là hoàn thành một đường đánh. Kết thúc trận đấu, người nào có số lượng gậy ít nhất là người giành chiến thắng.
Đây là môn chơi đòi hỏi độ khéo léo, khả năng cảm nhận không gian để điều hướng trái bóng đi theo ý mình và nó có nét tương đồng với trò đánh phết của người Việt. Tương truyền, từ thời Hai Bà Trưng, trò đánh phết đã được tổ chức để rèn luyển thể lực và mưu trí cho quân sĩ. Với môn này, trên một bãi đất, bãi cỏ bằng phẳng có diện tích khoảng 20x40m chia làm đôi. 2 đầu sân khoét 2 cái lỗ lọt vừa trái phết. Đòn đánh phết là vật làm từ gốc tre dài khoảng 70cm, có phần dưới đẽo gọt như hình cái thìa, phần trên gọt nhẵn để tay cầm đánh quả phết cho thuận lợi. Quả phết được làm từ gốc tre đẽo tròn có đường kính 6 - 7cm (sau này còn được làm bằng gỗ đẽo tròn sơn màu đỏ). Dân gian chơi thì có thể dùng tạm 1 bó giẻ buộc chặt, một quả bưởi xanh nướng chín… hoặc bất cứ thứ gì có hình tròn tròn nhỏ hơn quả dừa khô một chút là được. Khi trọng tài tung quả phết ra giữa sân bắt đầu trận đấu, cầu thủ 2 bên dùng đòn đánh trái phết di chuyển sao cho trái phết lọt vào lỗ của đối phương để ghi điểm. Như vậy, đánh phết có phần giống với bóng gỗ ở cây gậy và quả bóng đều được làm từ những vật liệu quen thuộc trong đời sống người dân như gỗ, tre. Cả đánh phết, bóng gỗ và golf đều đòi hỏi tính chiến thuật, kỹ thuật lẫn thể lực và đều gắn liền với cách thức đưa một trái bóng đi theo đúng quỹ đạo đã được tính toán kỹ lưỡng sao cho hợp lý nhất để đi đến mục tiêu mà tốn ít cú đánh nhất.
Suy cho cùng, có lẽ sự đan xen văn hóa của các nước Á Đông chính là một yếu tố tạo nên nét tương đồng trong các môn thể thao nói trên. Bởi vậy, dù còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nhưng khi chứng kiến các trận thi đấu ở những bộ môn này, không ít người sẽ tìm thấy được nét quen thuộc trong những trò chơi dân gian của người Việt.
HỒNG ĐĂNG