05:02, 20/02/2015

Giàu nuôi chó, khó nuôi dê…

Người xưa có câu: "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng". Dê không chỉ là đối tượng nuôi thoát nghèo mà nghề du mục này còn lắm điều thú vị.

Người xưa có câu: “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”. Dê không chỉ là đối tượng nuôi thoát nghèo mà nghề du mục này còn lắm điều thú vị.

 

 

Chăm dê như chăm… trẻ nhỏ


“Tìm những người nuôi dê hả? Cứ đi ngược theo đường mòn của con suối lên đến chân núi sẽ thấy” - một người dân ở thôn Sông Cạn Trung (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) chỉ đường khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những người nuôi dê. Sau hơn một giờ đồng hồ men theo con đường mòn nhỏ hẹp đầy sỏi đá, chúng tôi đến được chân núi. Âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe được là tiếng leng keng rất vui tai của những vỏ lon va vào nhau lẫn với tiếng kêu be... be... be... của dê vang vọng đâu đó. Chưa kịp hiểu vì sao có âm thanh lạ tai như thế, chúng tôi thấy một cô bé đang cố đuổi 3 con dê ra khỏi rẫy bắp, lùa về chỗ cả đàn đang tập trung ăn lá cây. Giải thích cho việc trên cổ mỗi con dê đều có đeo các vỏ lon, cô bé người Raglai tên Thị Thanh cười: “Khác với bò, dê có tính khí thất thường, hiếu động, hay chạy phá lung tung nên phải gắn lon vào cổ để khi chúng chạy phá ở đâu còn biết mà tìm đến lùa về”. Thanh cho biết, năm ngoái, có 30 hộ nghèo của xã được hỗ trợ dê giống để thoát nghèo, gia đình em được hỗ trợ 2 con, sau thời gian chăn dắt và cho phối giống, đàn dê bây giờ đã tăng lên 14 con. Với giá bán từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng/kg thịt như hiện nay, tổng giá trị đàn dê của gia đình Thanh có giá hàng chục triệu đồng.

 


Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng liên tục khi Thanh và Xinh - người bạn chăn dê gần đó phải thường xuyên giải quyết các vụ “ẩu đả” giữa các chú dê trong đàn và dê của đàn khác. “Tính dê như... con nít, rất hung hăng và thích chọi nhau, dê đực cũng như dê cái. Chúng dùng sừng, đầu húc vào mặt, đầu, bụng địch thủ. Cuộc chiến có thể kéo dài hàng giờ, khi kết thúc có con u đầu, mẻ trán. Chăn dê cực hơn bò vì phải thường xuyên để mắt đến chúng”, Xinh chia sẻ.


Đường lên trại dê ở khu vực đèo Rù Rì của gia đình ông Lê Văn Sum (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) gập ghềnh, lô nhô bởi những tảng đá khá to. 15 năm qua, khu vực này đã trở thành đại bản doanh của đàn dê Bách Thảo nhà ông Sum. Mở cửa chuồng cho đàn dê gần 100 con đi ăn vào buổi sáng, ông Sum cho biết: “Thời gian đầu, tôi chỉ nuôi 6 con dê giống với mong muốn tăng nguồn thu nhập, giúp kinh tế gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng sau nhiều năm, nguồn thu nhập từ nuôi dê không chỉ giúp tôi thoát nghèo mà còn cho kinh tế khá, lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/năm”.

 


Chia sẻ vui buồn về nghề nuôi dê, ông Sum cho biết dê sống theo bầy đàn, đặc biệt là theo gia đình, thế hệ, ban ngày đi ăn theo đàn nhưng tối đến dê nằm ngủ theo nhóm gia đình. Dê cái khi đến thời kỳ sinh sản sẽ tiết ra một loại dịch để dê đực nhận biết và tìm đến. Một thói quen nữa của dê mà ông Sum nhận thấy khi gắn bó với nghề du mục này nhiều năm là dê có cách ăn rất riêng. “Bò cứ thả ra là tìm thức ăn liền nhưng dê thì không. Cả đàn sẽ đi theo một lối dẫn lên núi đã quen thuộc và không ăn trên đường đi. Khi đến điểm cuối của con đường, chúng dừng lại và lúc này mới bắt đầu ăn dần trên đường trở về chuồng. Tuy xung quanh chuồng có nhiều loại lá cây ngon, tươi tốt nhưng dê không ăn mà đi ăn theo một lối đi quen thuộc của nó” - ông Sum nói.


Bà đỡ bất đắc dĩ


Đối với ông Ngô Văn Bình - Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi dê xã Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh) dù đã là “bà đỡ” cho biết bao chú dê nhưng những đêm ngồi canh dê đẻ vẫn luôn là kỷ niệm khó quên đối với ông. “Tuy đã được tập huấn cách đỡ đẻ cho dê, nhưng lần đỡ đẻ đầu tiên tôi cũng toát hết mồ hôi vì lúng túng. Lần đó, dê mẹ đẻ khó, con đầu đẻ ra trót lọt nhưng đến con thứ 2 bị kẹt. Thấy dê mẹ kêu la thảm thiết, tôi chẳng biết xử trí thế nào, đành đánh liều thò tay vào đẩy nhẹ thai ra, tay kia nắm phần thân đã thò ra ngoài kéo ra. Sau hơn nửa giờ thì ca đỡ đẻ thành công, “mẹ tròn, con vuông”. Nhìn 2 chú dê con sau sinh bú mẹ ngon lành, bao nhiêu mệt nhọc tan biến, hạnh phúc lắm” - ông Bình kể.

 


Cũng trở thành bà mụ bất đắc dĩ, đỡ đẻ cho hàng chục con dê của gia đình, chị Cao Thị Vân - thôn Sông Cạn Trung chia sẻ: “Đỡ đẻ nhiều nên giờ mình biết những biểu hiện khi dê sắp đẻ. Lúc đó mình lo chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con. So với các vật nuôi khác, dê mẹ rất thương con, đi ăn xa ở đâu, một ngày dê mẹ cũng chạy về chuồng 2, 3 lượt để cho dê con bú”.


Theo những người nuôi dê, mỗi năm dê cái thường đẻ 2 lứa, khoảng 1 - 2 con/lứa. Dê là loài vật nuôi khó tính nên người nuôi phải canh chừng thời điểm dê đẻ để hỗ trợ. Khi dê vừa đẻ, người nuôi phải vệ sinh sạch sẽ cho cả dê con và dê mẹ; đồng thời nặn một ít sữa dê mẹ mớm cho dê con. Việc làm này là để dê con nhận biết mùi sữa mẹ, dê mẹ cũng nhận biết con, tránh tình trạng dê mẹ bỏ con hoặc dê con không chịu bú sữa mẹ. Dê con khi đã quen mùi sữa mẹ sẽ không chịu bú sữa của con dê cái khác.


Ngoài những đặc tính trên, dê là giống ưa sự khô ráo nên khi làm chuồng dê phải cao cách mặt đất 1m, không bị ẩm ướt. Dê chủ yếu ăn lá cây tự nhiên, cỏ nên ít tốn chi phí về thức ăn. Hiện nay, dê đang là đối tượng nuôi được nhiều người dân quan tâm để thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, khi nuôi dê, người nuôi cần chú ý lúc phối giống tránh tình trạng cận huyết; không cho dê ăn lá cây ướt vì dễ dẫn đến bệnh lở miệng ở dê. Dê có sức chịu đựng cao, khi ốm vẫn cố theo đàn cho đến khi ngã quỵ. Vì vậy, người nuôi phải thật quan tâm mới phát hiện dê bị bệnh. 

   
LY DUNG