Từ khi tơ vương nghệ thuật, tên tuổi nhạc sĩ Văn Cao đã in sâu vào lòng người bằng một Buồn tàn thu bất hủ. Và như một định mệnh, nỗi buồn ấy cứ đeo đẳng, lan dấu sang cả những ca khúc có nhạc cảnh mùa xuân như Cung đàn xưa, Bến xuân…
Từ khi tơ vương nghệ thuật, tên tuổi nhạc sĩ Văn Cao đã in sâu vào lòng người bằng một Buồn tàn thu bất hủ. Và như một định mệnh, nỗi buồn ấy cứ đeo đẳng, lan dấu sang cả những ca khúc có nhạc cảnh mùa xuân như Cung đàn xưa, Bến xuân…
Từ “hình bóng xuân tàn”…
Trước năm 1945, âm nhạc của Văn Cao rất ít nói đến mùa xuân, nếu có thì cũng chỉ là một mùa xuân tàn tạ, héo úa kiểu như: “Hồn cầm phong hương, hình bóng xuân tàn. Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn” (Cung đàn xưa). Ngay cả Bến Xuân mở ra một trời xuân hoa mộng với: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến thăm một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân. Từng đôi chim ríu rít ca u ú ù u ú. Cành đào hoen nắng chan hòa…” cũng kết thúc trong nỗi buồn của sự chia ly. Lần đầu cũng là lần cuối, người con gái kiều diễm có đôi mắt “như dáng thuyền soi nước” ấy đã một đi không trở lại để cho chàng nghệ sĩ phải ôm mối tình si. Hình ảnh tuyệt đẹp “Mây núi đồi chập chùng/Liễu dương hong tóc vàng trong nắng” thực ra chỉ là mùa xuân trong hoài niệm của chàng nghệ sĩ Văn Cao. Mùa xuân trong bản nhạc này vừa thực, vừa mộng giống như giây phút “dìu nhau nơi dốc suối ven đồi. Còn thấy chim ghen lời âu yếm”, huyền ảo như vẻ đẹp của nàng thơ của Văn Cao vậy. Hay nói cách khác, mùa xuân trong Bến Xuân là một mùa xuân không có thật, đó chỉ là mùa xuân được vẽ lên trong tâm tưởng để làm nền cho câu chuyện tình lãng mạn của nhạc sĩ. Vì thế, người ta nhớ đến Bến Xuân như một bản nhạc tình, hoài niệm xót xa về mối tình vừa chớm nở đã vụt tắt, hơn là một bản nhạc xuân.
Đất nước độc lập rồi bước vào kháng chiến chống Pháp, Văn Cao rũ bỏ những ngày buồn, hồ hởi theo cách mạng. Ngay trong những ngày đầu ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã có một mùa xuân tươi mới tràn đầy sắc xanh ở trường ca Sông Lô: “Dòng sông Lô trôi, mùa xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in bờ xanh bóng tre…”. Thế nhưng, mùa xuân vừa hé nụ sau cái ngày đất nước độc lập ấy đã không thể bung nở thành đóa hoa tươi thắm xuân ngời, bởi những xô đẩy của thời cuộc đã làm cảm hứng âm nhạc của ông tắt ngấm. Trong bài thơ Mùa xuân không nở (1957), nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao đã bày tỏ: “Mười năm qua tôi đã mất một mùa xuân/Tuổi thanh xuân nơi ta không bao giờ được nở”. Dẫu vậy, trong sâu thẳm tâm hồn Văn Cao luôn chất chứa hy vọng, khát khao về một mùa xuân trọn vẹn. Và rồi cái mùa xuân ấy cũng đến.
… đến “mùa vui đã về”
Năm 1976, lần đầu tiên sau 30 năm cả đất nước cùng ăn chung một cái Tết thống nhất. Cảm xúc rạo rực về mùa xuân hòa bình đầu tiên của đất nước đã thúc giục nhạc sĩ Văn Cao ngồi vào cây đàn dương cầm. Những ngón tay khô gầy của ông lướt nhẹ trên những phím đàn đã ố vàng màu thời gian và những giai điệu của Mùa xuân đầu tiên vang lên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...”. Không có cái ồn ào sôi nổi như thường thấy, thay vào đó là một điệu Valse nhẹ nhàng êm ái như hơi thở đất trời vào xuân, một cái gì đó rất nguyên sơ như chồi non, lộc biếc.
Cũng vẫn giai điệu ấy, nhưng đoạn 2 ca từ sâu sắc hơn, vượt qua sự miêu tả giản đơn để đi vào lòng người: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh. Niềm vui phút giây như đang long lanh”. Giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng đến lạ, nỗi ân tình thiết tha tràn ngập không gian, thời gian như ngừng lặng…trong thời khắc thiêng liêng của ngày đoàn tụ. Trong niềm hạnh phúc tưởng như bất tận ấy, nhạc sĩ đã nói lên tiếng lòng của mình: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”. Dường như Văn Cao muốn nhắn nhủ điều gì đó, phải chăng đó là một lời nhắc về tình người, về sự hòa hợp dân tộc. Âm nhạc của Văn Cao là vậy, luôn tinh tế và sâu sắc, càng có độ lùi về thời gian càng sáng tỏ về giá trị như thứ rượu hảo hạng càng ủ lâu càng ngon.
Từ Bến Xuân đến Mùa xuân đầu tiên, nhạc sĩ Văn Cao đã đi từ tình riêng đến tình chung của đất nước, từ nỗi buồn đến mùa vui của dân tộc. Dù vẫn còn chút gì đó ưu tư, ông vẫn khẳng định cuộc sống hôm nay là “mùa xuân mơ ước”, sau bao nhiêu sóng gió ông vẫn một niềm tin chân thành vào cách mạng. Sau Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao gần như không viết thêm một giai điệu xuân nào nữa. Mùa xuân đầu tiên cũng chính là mùa xuân cuối cùng của ông.
Mỗi lần nghĩ về Văn Cao, tôi lại nhớ đến phim ca nhạc Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật của đạo diễn Đinh Anh Dũng. Ở đó, ca sĩ Thanh Thúy tuổi 17 vàng rực như đóa hoa mai mới hé cất tiếng hát lanh lảnh: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”… xen lẫn hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao cùng người bạn đời Thúy Băng đi chợ Tết Ất Hợi 1995 - cái Tết cuối cùng của tác giả Quốc ca Việt Nam. Mái tóc bạc trắng, bước chân run run, ông lặng lẽ nhìn ngắm dòng đời, gương mặt sáng lên khi nhìn sắc đào Nhật Tân, nhìn thấy hạnh phúc nhỏ bé đơn sơ của người dân… Dường như Văn Cao đang vui, bởi “mùa xuân mơ ước” mà ông nói đến đã về trên quê hương Việt Nam.
Tính đến mùa xuân này, nhạc sĩ Văn Cao đã ra đi gần 20 năm. Ở chốn Thiên thai chắc ông cũng mỉm cười mãn nguyện khi đã để lại cho đời một mùa xuân nguyên sơ, thánh thiện đến vô cùng. Bây giờ, Mùa xuân đầu tiên đã trở thành bài hát của lòng người mỗi khi Tết đến, Xuân về…
THÀNH NGUYỄN