1. Đại văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936) được giới nghiên cứu coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Ở Việt Nam, tác phẩm của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện.
1. Đại văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936) được giới nghiên cứu coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Ở Việt Nam, tác phẩm của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện.
Lỗ Tấn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược, biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến nửa thuộc địa, lạc hậu, đại bộ phận nhân dân Trung Quốc lại ngu muội, cam chịu. Thiên quốc của các Thiên tử một thời, nay oằn mình dưới gót giày của ngoại bang. Lỗ Tấn là một trong những nhân vật đi tiên phong của thời đại, bằng ngòi bút của mình tìm mọi cách để giúp cho đất nước Trung Quốc thức tỉnh, tiến kịp trào lưu tiến bộ của nhân loại.
AQ chính truyện kể lại cuộc phiêu lưu của AQ, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học. AQ nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Ví dụ như mỗi khi bị đánh thì anh lại tự an ủi “mình bằng tuổi bố nó, nó đánh mình có khác gì đánh bố nó”. Thế là lại tự sướng. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng. Lỗ Tấn qua hình tượng AQ, đã vẽ nên biểu hiện của tính cách dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ. Sự tự thỏa mãn tinh thần, trốn tránh hiện thực đã làm mê muội một dân tộc. Ông muốn thức tỉnh người dân Trung Quốc, muốn mọi người dám nhìn thẳng vào khiếm khuyết của bản thân mình để đấu tranh với thực tại.
2. Suy ngẫm lại, hóa ra phép thắng lợi tinh thần AQ chả phải là đặc sản riêng của Trung Quốc(!) Người Việt mình nhiều khi cũng “tự sướng” ra trò.
Người Việt ở lứa tuổi 7x trở về trước, hầu như ai cũng từng đọc, nghe kể say mê chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, chuyện Ba Giai - Tú Xuất... Những tác phẩm này được nhà trường dạy cho học trò, đó là tiếng cười phản kháng, thái độ giễu cợt của cha ông ta trước bọn quan lại phong kiến tham lam, ngu dốt. Các tác phẩm này tuy gọi là truyện dân gian, có nghĩa là sản phẩm của người dân lao động, song theo cảm nhận của tôi, đó là sản phẩm của mấy ông đồ làng. Các cụ cả đời quanh quẩn trong lũy tre làng, cứ tưởng tượng triều đình, vua chúa, quan lại cũng ăn ở, sinh hoạt như cái làng mình nên mới có chuyện vua chờ ăn mầm đá, chuyện vua đánh cờ với sứ giả, chuyện Trạng cho châu chấu trộn phân vào ống tre, chuyện Trạng thi vẽ 10 con vật trong 1 tiếng trống...
Bị quan lại, cường hào đè nén, áp bức quá thì người lao động phải phản kháng. Phản kháng bằng cách vẽ chuyện vua quan ngu dốt, tham ăn... đề cao trí tuệ nhân dân, chửi lại cho hả giận. Thôi cũng là tự an ủi mình trong khi chờ cơ hội “bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế...”.
3. Bài học đầu đời khi đến trường của bao lớp thiếu nhi là đất nước ta rừng vàng, biển bạc, tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu sản vật... Trong khi ấy ở các nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản thì bài học đầu tiên của học sinh là đất nước mình nghèo về tài nguyên, bị chiến tranh tàn phá nên chỉ có trí tuệ, công sức của con người mới đưa đất nước phát triển. Một tập đoàn công nghiệp nổi tiếng của Hàn Quốc, trên cổng ra vào là khẩu hiệu khổng lồ “Tài nguyên là hữu hạn, trí tuệ là vô hạn”. Với tư duy ấy, đất nước bạn sau năm 1945 hoàn cảnh kinh tế còn tệ hơn cả nước ta, nhưng đến giờ họ đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 12 của thế giới. Còn ta vẫn yên tâm với rừng vàng, biển bạc, vẫn loay hoay giảm nghèo...
4. Dân tộc nào trên trái đất cũng thế, bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp được thể hiện trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, đều có những khiếm khuyết riêng. Vấn đề là có dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết đó để sửa đổi hay không, hay chỉ nhìn thấy những gì tốt đẹp để mà lạc quan thái quá.
Vừa rồi bên Trung Quốc có nhà văn Bá Dương viết cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”. Ông sinh năm 1920, năm 1949 chạy sang Đài Loan. Cuốn sách tự nhìn những thói hư, tật xấu của người Trung Quốc bằng con mắt phê phán, được chính quyền hết sức hoan nghênh và người Âu, Mỹ sắp làm ăn với Trung Quốc tìm đọc. Cũng như một khi con người đã trưởng thành, họ dám bình tĩnh nhận ra đâu là thiếu sót của bản thân, dám tự hài hước khi nói về tật xấu của mình. Một dân tộc dám tự trào, hài hước với thói hư tật xấu của mình là một dân tộc đã trưởng thành về nhận thức, đã lớn mạnh về mọi mặt.
Người Việt chưa có tác giả nào tầm cỡ như Lỗ Tấn để phê phán những thói xấu của mình, thức tỉnh tinh thần đấu tranh, vươn lên trong nhân dân. Mới đây có một nhà văn cũng dụng công, vay mượn ý tưởng của bạn để viết cuốn “Người Việt xấu xí” với mong muốn vẽ nên những mặt trái trong tính cách người Việt, để qua đó có sự sửa đổi, vươn lên. Một số đoạn cũng đã đăng rải rác trên một số báo... tiếc rằng chưa gây được ấn tượng, chưa tạo được dư luận.
5. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA), theo đó Việt Nam đứng thứ 17/65, xếp trên cả… Mỹ. Năm trước, mấy tổ chức quốc tế thăm dò rồi công bố chỉ số Hạnh phúc mà người Việt Nam hạnh phúc thứ 6 thứ 7 thế giới, chỉ số Hài lòng cũng thuộc hàng “top”… Báo chí đưa tin, tất cả cứ sướng như trên mây! Chợt nhớ nhà thơ Việt Phương, từ thời bao cấp ông đã có tập Cửa mở, tập thơ khiến ông lên bờ xuống ruộng, trong đó có câu “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ; đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ…”.
Trong tác phẩm Ruồi trâu nổi tiếng, E.L.Voynich có nói rằng sự ngái ngủ của một con ngựa, có khi cũng cần bị một con ruồi trâu chích cho thức tỉnh. Sự tự bằng lòng với mình, có lẽ một chút tự trào cũng là nên.
THỦY NGÂN