Giữa thời buổi bùng phát các loại phương tiện giao thông vận tải hiện đại, lẩn khuất đâu đó ở những làng quê xứ Trầm, tiếng vó ngựa vẫn gõ nhịp đều đều trên những nẻo đường.
Giữa thời buổi bùng phát các loại phương tiện giao thông vận tải hiện đại, lẩn khuất đâu đó ở những làng quê xứ Trầm, tiếng vó ngựa vẫn gõ nhịp đều đều trên những nẻo đường.
1. Lóc cóc, lóc cóc, lóc cóc... chẳng biết tự bao giờ, tiếng vó ngựa gõ nhịp đều đặn trên những nẻo đường đã in sâu vào ký ức tuổi thơ tôi. Làng quê Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) của tôi nằm nép mình bên dòng sông Dinh hiền hòa với rặng dừa, bờ tre thân thuộc. Tôi đã lớn lên cùng đồng đất, ruộng lúa, bãi bắp xanh mướt, trù phú. Hoài niệm về những tháng ngày thơ ấu ở quê nhà, tiếng vó ngựa mỗi sáng, mỗi chiều cứ hiện về trong tôi xốn xang, bồi hồi.
Sự phát triển của các loại phương tiện vận tải cơ giới đã khiến những cỗ xe ngựa thưa dần. |
Ngày ấy, tôi và chúng bạn rất thích được theo xe ngựa của ông Hai “cỏ”, ông Năm “lá” chạy từ ngã ba Bảy Búa qua cầu Bến Gành xuống chợ Dinh để chơi. Trên mỗi chuyến xe, các bà, các mẹ ngồi chen nhau chật ních, hai bên thành xe treo đầy quang gánh. Bánh xe cứ gập ghềnh, lúc lắc khi chao bên này, lúc nghiêng bên kia. Mỗi lần như thế, người trên xe xô dồn vào nhau, còn chú ngựa kéo lại bị những cú va đập mạnh vào bụng, vào cổ trông rất tội nghiệp. Ngày thường được đi xe ngựa đã thích, ngày Tết càng thú vị hơn. Tôi vẫn nhớ, mỗi sáng mùng 1 Tết, ba mẹ thường kêu mấy anh em lại và lì xì cho mỗi đứa mấy đồng. Nhận tiền lì xì xong, việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là xin phép ba mẹ được xuống thị trấn du xuân. Chiếc xe ngựa thường ngày cũ kỹ, nhưng đến dịp Tết cũng được sơn phết lại tinh tươm hơn. Những chú ngựa được tắm rửa sạch sẽ, bờm ngựa được cắt tỉa gọn gàng, có chú ngựa trở nên đỏm dáng khi được chủ nhân buộc vào cổ những chiếc nơ sặc sỡ. Có lẽ vì thế mà hình ảnh những chú ngựa tía (lông màu đỏ), ngựa đạm (lông màu xám trắng), ngựa xéo (lông màu nâu đỏ)... càng trở nên đẹp hơn. Chúng tôi đi đến bến xe ngựa, bao giờ cũng nhận được câu chào dí dỏm của các bác chạy xe ngựa: “Mời các cháu mở hàng may mắn đầu năm mới. Muốn đi đâu nhà xe đưa đến...”.
Ngày qua ngày, nhịp đời dần trôi, chúng tôi cũng dần lớn khôn, đi học rồi đi làm, nhưng tiếng vó ngựa quê nhà vẫn hằn sâu trong ký ức. Có dịp gặp lại bạn bè thuở nhỏ, hay những người bạn mới ở Diên Khánh, Nha Trang ôn lại kỷ niệm về những chuyến xe ngựa năm xưa, trong lòng mỗi người lại không ngừng dâng lên niềm thương, nỗi nhớ. Bạn tôi kể, đất Diên Khánh ngày trước, trên các nẻo đường xe ngựa qua lại tấp nập, nhộn nhịp. Những chuyến xe ngựa chở đầy các mặt hàng nông sản theo mùa xuống chợ Thành. Mỗi sáng sớm hay đêm khuya, tiếng vó ngựa lại đều đều gõ nhịp chở hàng rau củ từ Diên Khánh về chợ Đầm để từ đó tỏa đi khắp các chợ trong thành phố. Hình ảnh những chuyến xe ngựa dần thưa vắng khi có sự xuất hiện của các loại phương tiện vận tải sử dụng động cơ. Đến bây giờ, tiếng vó ngựa dần lùi vào dĩ vãng và neo lại trong lòng những người hoài cổ như một kỷ niệm đẹp.
2. Ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Tân Đức Tây (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh), nơi còn lưu dấu nghề chạy xe ngựa kéo từng thịnh hành một thuở. Mới đến đầu làng, âm thanh vó ngựa quen thuộc thuở nào văng vẳng vọng lại. Một chú ngựa đạm nhịp nhàng cất bước kéo theo phía sau là thùng xe chở vật liệu xây dựng. Trên xe, người điều khiển ngựa một tay cầm cây gậy tre, tay cầm chặt dây cương, miệng liên hồi ra hiệu lệnh cho ngựa đi đúng hướng.
Ông Nguyễn Thạch bên chú ngựa kéo của mình. |
Tranh thủ phút nghỉ ngơi, chúng tôi bắt chuyện với ông Nguyễn Thái Hữu, chủ nhân của chú ngựa trên. Ông Hữu cho biết, ông làm nghề chạy xe ngựa kéo đã gần 20 năm. Ngày trước, phương tiện vận tải cơ giới còn ít nên nghề chạy xe ngựa ở xã Vạn Lương rất phát triển. Lúc cao điểm, chỉ riêng thôn Tân Đức Tây đã có trên 20 cỗ xe ngựa kéo, còn bến xe ngựa ở chợ Vạn Giã khoảng vài chục chiếc. Xe ngựa nhiều vậy, nhưng công việc làm cả ngày không hết, nên thu nhập của cánh xe ngựa tương đối cao. “Ngày đó, tôi hết chở lúa gạo từ đồng về nhà, từ nhà ra chợ cho người dân, lại xuống biển chở tôm cá từ ghe thuyền về chợ. Ngựa xe chạy liên tục hết chuyến này đến chuyến khác. Còn bây giờ chủ yếu chở vật liệu xây dựng cho người dân, nhưng công việc cũng không nhiều”, ông Hữu kể.
Hiện tại, bến xe ngựa ở thôn Tân Đức Tây còn 7 chiếc hoạt động. Người có thâm niên nhất trong nghề chạy xe ngựa ở đây là ông Nguyễn Thạch, năm nay đã 73 tuổi với kinh nghiệm hơn 40 năm cầm cương xe ngựa. “Nghề chạy xe ngựa với tôi đã trở thành nghiệp, nhờ có nó mà vợ chồng tôi nuôi được 5 người con khôn lớn. Nhưng giờ đây, một phần tuổi cao, một phần công việc không nhiều như trước nên ai kêu chở gì thì chạy cho vui thôi”, ông Thạch tâm sự.
Thôn Tân Đức Tây là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh còn sử dụng ngựa để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, nghề xe ngựa ở đây cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ sự cạnh tranh của các loại phương tiện vận chuyển khác. Trước đây là xe lam, xe công nông, ba gác máy, xe lôi... còn giờ là các loại ô tô tải nhỏ. Xe ngựa bây giờ chỉ vận chuyển vật liệu xây dựng với số lượng ít, hoặc chở hàng ở những nơi mà xe cơ giới không thể ra vào. Công việc ít, nên nhiều người đành từ bỏ nghề chạy xe ngựa, chuyển sang làm việc khác. Trong số đó, có người sau khi bán ngựa và xe xong lại khắc khoải nhớ nghề. Anh Phạm Quang Dũng là một người như vậy. “Gia đình tôi 3 đời chạy xe ngựa, nên tôi làm quen với ngựa, với xe từ lúc 15 tuổi. Cái mùi ngai ngái, tiếng vó ngựa lóc cóc trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”, anh Dũng tâm sự. Trước sự phát triển của các loại phương tiện vận chuyển, tháng trước anh Dũng đã phải bán cả bộ ngựa xe để kiếm việc khác làm. Nhưng cái nghiệp chạy xe đã vận vào người nên giờ anh lại đi tìm ngựa, mua xe để trở về nghề cũ. Sự tồn tại của bến xe ngựa thôn Tân Đức Tây giữa thời buổi bùng phát các loại phương tiện giao thông vận tải như một nốt trầm gợi nhắc đến hình ảnh của một thời quá vãng.
Xe ngựa bây giờ chủ yếu chở vật liệu xây dựng. |
Nghề xưa sót lại mang đến dư ba đầy nhớ thương, dung dị và xoa dịu những tâm hồn hoài cổ. Hôm nay, tiếng vó ngựa vẫn lóc cóc gõ nhịp trên nẻo đường quê xứ Vạn, nhưng ai biết được một mai nghề này có còn?
ĐĂNG PHÚC - BÍCH LA