Đối với những người có tuổi, mỗi khi Tết đến xuân về, trong sâu thẳm đều nhớ đến miền quê của mình, nơi đó ngào ngạt hương Tết xưa, có thể thắm có thể phai nhưng đó là tiềm thức lung linh để tâm hồn mình thêm xuân. Không gì hơn khi được trở lại xuân xưa Tết cũ với những nhà văn nổi tiếng có tác phẩm hay, trí tuệ uyên thâm cùng thú chơi tao nhã bậc thầy của họ…
Đối với những người có tuổi, mỗi khi Tết đến xuân về, trong sâu thẳm đều nhớ đến miền quê của mình, nơi đó ngào ngạt hương Tết xưa, có thể thắm có thể phai nhưng đó là tiềm thức lung linh để tâm hồn mình thêm xuân. Không gì hơn khi được trở lại xuân xưa Tết cũ với những nhà văn nổi tiếng có tác phẩm hay, trí tuệ uyên thâm cùng thú chơi tao nhã bậc thầy của họ…
Rực rỡ phiên “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ. |
Khi cầm trên tay bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, nhà phê bình Hoài Thanh phải thốt lên: “Chợ Tết là bức tranh sống động, hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt. Người xem tranh hoa mắt vì những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kỹ thì màu nào nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui”. Hiển nhiên Chợ Tết được xếp đăng vào quyển “Thi nhân Việt Nam” đầy danh giá!
Đó là phiên chợ trước thềm xuân rực rỡ của làng quê Bắc bộ những năm 40 của thế kỷ XX, có thể ví như một cô gái đương thì mặc áo tứ thân đứng trên triền đê bên dòng sông đón làn gió xuân đang tràn tới. Không phải ngẫu nhiên khi Chợ Tết ra đời, cảnh sắc làng quê của Việt Nam còn đậm sắc dân dã thế mà vẫn làm cho bạn đọc khi đó xao xuyến, nhung nhớ, cùng với bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên trở thành cặp đôi thi phẩm quý giá để mọi người đón Tết về tinh thần.
Người viết bài này gặp nhà thơ Đoàn Văn Cừ khi cụ đã bước sang tuổi 84 (năm 1997). Đó là cụ già đôi mắt sáng long lanh như vì sao đang ẩn dật trong ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Ngọc ở thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Người dân trong làng có nhiều người không biết ông già sáng sáng ra ao múc nước tưới cây, bình dị, hiền lành là một trong những thi sĩ nổi tiếng trong làng thơ Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người viết có cảm nhận trong ao vườn của mình, thi sĩ họ Đoàn được hưởng tất cả những gì tinh khôi nhất của đất trời quê hương, nơi Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân/Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng (Đám cưới mùa xuân).
Thi sĩ họ Đoàn tâm sự, do phải xa quê theo bố lên Hà Nội học nên nỗi nhớ quê rất da diết, có cả chút xao lòng, tủi thân vì mới lên 8 tuổi đã mồ côi mẹ. Chính người mẹ đã dắt cậu bé Cừ đến với mùa xuân tuổi thơ, gieo vào lòng cậu một cảm xúc máu thịt:
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thôn
Để khi làm bài thơ Chợ Tết thì Đoàn Văn Cừ tả:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc…
Đoàn Văn Cừ may mắn theo mẹ đi dự phiên chợ Viềng, được ông nội trìu mến thương yêu:
Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội làng bên
(Đám hội)
Đó là chất liệu, niềm cảm hứng, còn trong Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ đã múa bút cực kỳ phóng khoáng của người “họa sĩ” tả bức tranh bằng ngôn từ... rực rỡ màu sắc, âm thanh và sầm uất đầy phong vị dân gian xưa cùng chiều sâu thăm thẳm của lòng người trước ngày cuối năm. Có lẽ đây là bài thơ đầy kỷ niệm réo rắt trong trái tim chàng trai họ Đoàn, vì khi làm bài thơ này ông chưa quá 30 tuổi mà sự suy nghĩ thì như: Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ (Chợ Tết).
Nhà phê bình Hoài Thanh thay mọi người cảm ơn thi sĩ: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng. Cứ mỗi lúc xuân về, người lại gửi trên báo một chuỗi cười ngũ sắc...”. Da diết với phiên chợ Tết của mình nên chỉ nửa chặng đời, ông về lại quê sinh sống và làm việc như người nông dân mặc dù ông là công chức nơi thành phố. Ông ngồi bên thềm cửa nhớ đến bàn tay mẹ dắt đi chơi xuân qua những vạt hoa cải vàng đong đưa trong gió... xa xa trên bầu trời thăm thẳm có tiếng chim chiền chiện véo von.
Tô Hoài - ký ức mùa xuân xưa nơi phủ Hoài
Hầu chuyện ông ở nhà trong ngõ Nhữ Hài, bước ra ít sải là hồ Thuyền Quang lộng gió, tôi để ý thấy trước nhà có cây đào, thỉnh thoảng lại thả lá xuống thềm thật tĩnh lặng như mảnh quê. Lão nhà văn nói: “Tôi thích về Nghĩa Đô ở, nơi đó mới là quê đích thực của tôi”. Cái bút danh Tô Hoài là niềm thương nhớ, yêu quê mà thành: Phủ Hoài Đức - sông Tô Lịch, làng Nghĩa Đô ở đó. Chính chú dế mèn lừng danh được sinh ra trên diềm cỏ cánh đồng nơi đây. Tô Hoài kể hồi bé ông rất thích đi “đúc dế”, tức bắt dế bằng cách đổ nước vào hang cho dế sặc mà chui lên. Nhưng cũng có một nơi mà Tô Hoài rất yêu mến đó là Tả Thanh Oai với dòng sông Nhuệ - quê nội của ông.
Nhà văn Tô Hoài. |
Tô Hoài là nhà văn lớn theo nhiều nghĩa về số lượng và chất lượng. Ông là nhà ngôn ngữ bậc thầy, từ ngữ rất lạ. Ông tâm sự nếu viết theo chuẩn ai cũng biết cũng rõ thì đó chỉ là câu què, câu rỗng. Vậy từ đâu ông có những dòng văn câu chữ tuyệt hảo, đầy lạ lẫm mà trong từ điển nghìn trang cũng chưa có? Làng quê, dân gian. Khi người viết thưa với Tô Hoài về cái Tết, phong vị xưa, cụ chỉ cười nhẹ nói, tôi viết nhiều sách nhưng để ý sẽ biết những trò chơi, phong tục lễ hội đều được trộn rất tinh tế trong câu văn. Cụ gợi ý tôi nên đọc quyển Đảo hoang viết về Mai An Tiêm... thì đúng thật suốt mấy chương đầu nhà văn đã tả một không gian mùa xuân, ngày Tết đậm chất cổ từ miền Vũ Ninh (Bắc Ninh), Mê Linh, lên tới Phong Châu... kinh đô Vua Hùng với đủ trò lễ hội cổ như nấu cơm, đấu vật, bơi chải, làm bánh... đậm hương sắc làng quê nghìn năm. Còn về Hà Nội thì nhà văn là bậc thầy, là pho chuyện phong tục, ẩm thực, vui chơi Hà Nội... Tô Hoài càng thể hiện một nhà văn hóa lớn về làng quê xưa.
Được biết, bây giờ làng Nghĩa Đô không còn một mảnh ruộng, tất cả đã trở thành đô thị sầm uất nhưng nhà văn vẫn thích về căn hộ nơi đó để sống và làm việc vì trong ông làng quê xưa không bao giờ mất... Ông kể rằng dịp Tết đến ông xuống Bưởi, lên Hà Đông nơi có những phiên chợ cuối năm tràn trề cảm xúc. Chính hương vị Tết và mùa xuân nơi làng quê đã làm thành chất văn độc đáo Tô Hoài.
Kim Lân - nhà văn bậc thầy những thú chơi tao nhã
Được ông rót cho chén trà trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Hà Hồi, tôi cứ nghĩ đây như thủy đình tĩnh lặng giữa cái hồ sen làng. Bài trí trong nhà đơn giản nhưng toàn đồ cổ xưa, nhìn cái nào dù sành hay chưa hiểu cũng biết đó là góc văn hóa cổ. Tôi thắc mắc sao ông lại treo 2 cái lồng nuôi họa mi và chim gáy gần nhau, ông nhẹ nhàng: “Anh họa mi thì ai cũng hiểu, còn cái cậu chim gáy này chính là quê hương, tôi mua ở Bắc Ninh về đấy! Hàng ngày nghe cậu ý gáy sướng lắm!”.
Nhà văn Kim Lân và con trai - họa sĩ Thành Chương. |
Nhà văn Kim Lân viết rất ít nhưng tác phẩm lại cực kỳ có giá trị hơn người viết trăm sách... Ai cũng nhớ đến truyện Vợ nhặt của ông. Ông là pho từ điển sống về phong tục làng, nhất là đất Kinh Bắc quê hương. Kim Lân còn là nhà văn đóng phim nhiều nhất như Vợ chồng A Phủ, Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu... Nhưng trên tất cả, nhà văn là bậc thầy về thú chơi tao nhã và biết đồ cổ. Vốn sinh ra từ làng quê đậm chất văn hóa xứ Kinh Bắc nên Kim Lân rất sành chơi chim cảnh, chọi gà, tỉa hoa thủy tiên, viết chữ... Mỗi khi các đạo diễn làm phim về xưa đều tới xin ông làm cố vấn. Chắc có lẽ vì nhờ tố chất ấy mà các con ông đều trở thành những họa sĩ tài hoa lừng danh chơi đồ cổ như: họa sĩ Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Mạnh Đức, Nguyễn Việt Tuấn...
Khi chia tay, nhà văn lão thành Kim Lân nói như nhắn nhủ: “Ra Giêng cậu nên về chơi hội Lim, hay lắm!” làm tôi thầm nhớ mùa hội Bên kia sông Đuống mà lòng đầy xao xuyến.
Nha Trang
Xuân Giáp Ngọ 2014
LÊ ĐỨC DƯƠNG