Những ngày cuối năm, ven đường lên các huyện miền núi, nhiều cành mai đã vươn mình khoe sắc. Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà. Vậy nhưng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vẫn gác lại chuyện riêng, lặn lội khắp những cánh rừng xa để giữ cho mùa xuân thêm xanh.
Những ngày cuối năm, ven đường lên các huyện miền núi, nhiều cành mai đã vươn mình khoe sắc. Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà. Vậy nhưng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vẫn gác lại chuyện riêng, lặn lội khắp những cánh rừng xa để giữ cho mùa xuân thêm xanh.
Đón xuân trong những cánh rừng
Ngày cuối năm, con đường lên thượng nguồn sông Giang, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn lầy lội vì cơn mưa đêm. Cuốc bộ hơn 4km, chúng tôi mới đến được nơi “đóng quân” của các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm, các anh lại lên lịch trực Tết. Anh Nguyễn Thanh Đức - Trạm Phó phụ trách Chốt quản lý, bảo vệ rừng sông Giang (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương) mở đầu câu chuyện rằng, anh em ở chốt này đều đã lập gia đình. Là chỗ dựa tinh thần và trụ cột trong gia đình, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ giữ rừng, anh em vẫn vui vẻ, chấp nhận những cái Tết xa nhà.
Nhân viên Chốt quản lý, bảo vệ rừng sông Giang tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. |
Tuy còn khó khăn, nhưng cái Tết giữa rừng của các anh cũng có đầy đủ hoa mai, bánh chưng, kẹo mứt. “Ngày Tết, nhìn những cánh rừng được giao nhiệm vụ bảo vệ vươn lên xanh tươi, chúng tôi ai nấy đều rất vui. Đó là món quà xuân ý nghĩa”, anh Đức chia sẻ. Ở Chốt quản lý bảo vệ rừng sông Giang, anh Hoàng Công Phượng là người có thâm niên ăn Tết với rừng xanh. Đã hơn chục cái Tết anh cùng anh em quản lý, bảo vệ rừng của Công ty hành quân vượt đồi cao, suối sâu tuần tra khắp các cánh rừng phía Bắc huyện Khánh Vĩnh. Tuy chốt cách nhà chừng 10km, nhưng chưa năm nào anh vui Tết bên vợ con. “Mỗi lần Tết đến, tôi hiểu vợ con ngóng trôngmình từng giờ. Tuy rất muốn sum họp cùng gia đình, nhưng giữ rừng là nhiệm vụ quan trọng. Biết rằng ngày cuối năm, ngôi nhà cũ thiếu người trang trí, nồi bánh chưng thiếu tay mình chuẩn bị cũng buồn. Nhưng những lo toan ấy đành nhờ cậy vào người thân vậy”, anh Phượng chia sẻ.
Những ngày Tết là thời điểm lâm tặc luôn nhòm ngó các cánh rừng tự nhiên ở thượng nguồn sông Giang. Chính vì vậy, các anh luôn phải căng sức cả ngày lẫn đêm. Anh Đức nhớ lại: “Sáng mùng 3 Tết Quý Tỵ, các đối tượng ở xã Khánh Trung đến khu vực rừng thượng nguồn sông Giang để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Anh em đã tiến hành chặn bắt các đối tượng cùng tang vật đưa về chốt để xử lý. Ban đầu, họ nài nỉ. Khi chúng tôi cương quyết xử lý, họ lại chống đối, thậm chí còn đòi hành hung. Sau một hồi vận động, thuyết phục, họ mới chịu ký vào biên bản vi phạm”. Hay có lần nhận được thông tin đối tượng có thể tổ chức phá rừng trong đêm giao thừa, các anh phải lên kế hoạch, thức trắng đêm để mai phục. Sáng mùng 1 Tết, khi về đến chốt thì đã 10 giờ. Có lẽ, nhờ tình yêu rừng, sự cương quyết ấy mà 15.000 ha rừng tự nhiên, 2.000 ha rừng trồng Công ty giao cho các anh quản lý đã được bảo vệ nghiêm ngặt.
Anh Nguyễn Thanh Đức (bìa trái) cùng đồng nghiệp trên đường tuần tra lên khu vực suối Mèo. |
Tiếp chuyện chúng tôi, nhưng anh Đức luôn giục anh em chuẩn bị nhu yếu phẩm, chăn màn để sau bữa cơm tất niên sẽ hành quân lên khu vực suối Mèo (thuộc xã Khánh Trung, giáp ranh với địa phận huyện Krông Bông, Đắk Lắk) để tuần tra. Bởi theo kinh nghiệm của các anh, cứ đến thời điểm Tết, đồng bào dân tộc thiểu số từ Đắk Lắk sẽ đến suối Mèo đốt rẫy, làm nương. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì rừng tự nhiên ở khu vực này dễ bị triệt phá. Tết này, anh Đức cùng một số anh em khác lại đón giao thừa ở suối Mèo, sau đó tuần tra dọc theo tuyến giáp ranh với tỉnh bạn, nếu thuận lợi thì sớm nhất cũng đến ngày mùng 3 Tết, các anh mới trở về.
Tết canh lửa rừng
Những ngày Tết, lực lượng Kiểm lâm huyện Khánh Sơn phải gác lại chuyện nhà để ra rừng canh lửa. Theo chân những kiểm lâm viên đi canh lửa rừng, ở rừng thông thôn Kô Lắc (xã Sơn Bình, Khánh Sơn), chúng tôi có cảm giác cây cối như đang lả đi trong tiết trời hanh khô; chỉ cần sơ ý rơi một tàn lửa nhỏ cũng đủ làm nên một biển lửa thiêu rụi rừng thông nơi đây. Chính vì vậy nên Tết năm nào Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn và chính quyền xã cũng tất bật chuẩn bị phương án phòng, chống cháy rừng.
Những ngày Tết, các anh đành để lại việc chuẩn bị Tết cho vợ con. Bởi hàng ngày, các anh phải đi tuần để nắm bắt tình hình, kịp thời lên phương án phòng, chống cháy rừng. “Thời gian Tết, người dân thường hay vui quá đà, rất dễ có những hành vi gây nguy hại cho rừng. Trong khi đó, nhiều khu vực rừng thông, rừng keo lại tiếp giáp với đường, gần khu dân cư nên càng nguy hiểm hơn... Vì vậy, chúng tôi gác lại chuyện vui Tết để thường xuyên tuần rừng nhằm kịp thời ứng phó” - kiểm lâm viên Vũ Huy Ngân chia sẻ. Theo lời kể của anh Ngân, cận Tết năm 2005, một đám cháy đã bùng lên ở khu vực rừng thông ở thôn Kô Lắc (xã Sơn Bình). Hạt Kiểm lâm huyện cùng chính quyền địa phương và người dân đã phải tập trung mọi phương tiện, sau nhiều giờ liền mới khống chế được ngọn lửa. Rút kinh nghiệm từ vụ cháy này, việc phòng, chống cháy rừng thời điểm Tết luôn được lực lượng chức năng và chính quyền các cấp ở huyện Khánh Sơn hết sức quan tâm. Riêng cá nhân anh Ngân, đã mấy chục năm gắn bó với “nghề rừng”, già nửa những cái Tết anh đã cùng đồng nghiệp lăn lộn khắp các cánh rừng để canh lửa.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Khánh Sơn phối hợp với chính quyền cơ sở tuần tra khu vực dễ xảy ra cháy rừng. |
Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết: “Những ngày Tết, bên cạnh việc ngăn chặn các đối tượng lén lút khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, lực lượng của Hạt còn phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn bảo vệ hơn 30 điểm rừng dễ cháy. Nơi đây chủ yếu là rừng thông và rừng keo với hơn 1.800ha và 25 khu vực rẫy của người dân với diện tích 110ha. Đồng thời trực 24/24 giờ, kịp thời cập nhật và phát đi những cảnh báo cấp cháy rừng, sẵn sàng lực lượng để phối hợp với chính quyền cơ sở, chủ rừng trong phòng, chống cháy rừng. Món quà Tết ý nghĩa với chúng tôi là rừng không bị “giặc lửa” gây hại”.
Chia tay lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở các huyện miền núi khi Tết đã gõ cửa từng nhà. Chúng tôi hiểu rằng, để mùa xuân mãi xanh có một phần công sức, sự hy sinh thầm lặng của các anh.
BÍCH LA - HẢI NHÂN