02:01, 31/01/2014

Ăn Tết Việt ở nước Mỹ

Cứ mỗi lần Tết sắp đến, trong tôi lại bồi hồi những cảm xúc thật khó tả. Tôi xa quê đã lâu, nhưng những dư vị ngọt ngào của kỷ niệm những ngày lễ Tết thì vẫn luôn đong đầy theo năm tháng.

Cứ mỗi lần Tết sắp đến, trong tôi lại bồi hồi những cảm xúc thật khó tả. Tôi xa quê đã lâu, nhưng những dư vị ngọt ngào của kỷ niệm những ngày lễ Tết thì vẫn luôn đong đầy theo năm tháng. Tôi lớn lên ở khu phố Võ Trứ, TP. Nha Trang, đối diện ngay cổng chợ Xóm Mới, và vì thế, những hình ảnh, âm thanh của buổi chợ dịp cận Tết luôn là một phần trong ký ức của tôi. Sau này, khi xa quê, sang nước Mỹ xa xôi để sinh sống, hình ảnh luôn in sâu trong tâm trí mỗi dịp Tết về là buổi chợ nhộn nhịp từ hai, ba giờ sáng với những xe xích lô chất đầy rau tươi, với những sạp đồ khô bày bánh mứt la liệt; là mảnh sân trước nhà được dì Tư chất đầy dưa hấu cao ngập đầu bọn trẻ con chúng tôi; là những ngày phụ mẹ lau lá dong, đãi đậu, ngâm gạo gói bánh chưng và ban đêm thì lon ton giúp ba coi nồi bánh đang sôi ùng ục trên cái bếp dã chiến ngoài sân kê bởi ba hòn đá chẻ. Nói đến kỷ niệm Tết quê nhà thì kể hoài cũng không bao giờ hết. Ở đây tôi chỉ muốn kể đến sinh hoạt của gia đình trong dịp lễ Tết cổ truyền trên xứ Mỹ đặng giúp người ở nhà biết đến một phần sinh hoạt của những người xa quê trong dịp Tết.

 

Bánh chưng được gói bằng... giấy bạc.
Bánh chưng được gói bằng... giấy bạc.

 

Thành phố Albuqueque thuộc tiểu bang New Mexico nơi tôi định cư không có nhiều người Việt sinh sống, chỉ khoảng gần 8.000 người rải rác khắp thành phố rộng lớn. Bình thường ra đường ít gặp người Việt, nhưng mỗi dịp Tết đến, nếu ghé các nhà thờ, chùa chiền, hay các khu chợ thực phẩm cho người châu Á, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thường thấy ở quê nhà. Đó là những tà áo dài truyền thống của các cô gái đi nhà thờ hay thấp thoáng đâu đó là một cụ ông với áo the, khăn đóng đang khoan thai bước vào lễ chùa. Đó là những gia đình cả 3 thế hệ, ông bà, con cháu đang tíu tít bên chiếc xe đẩy hàng trong siêu thị chất đầy gạo nếp, lá chuối, thịt heo mà chỉ nhìn qua cũng đã như thấy mùi bánh chưng, bánh tét thoảng đâu đây trong gió. Thường thì các chợ người Việt bây giờ đều đã bán đầy đủ từ các loại bánh mứt, bánh chưng, bánh tét cho đến các loại hoa đào, hoa mai không khác chi ở quê nhà, nhưng nhiều gia đình vẫn muốn tự mình đi chợ mua thịt, gạo, đậu xanh, lá chuối về gói bánh hay mua gừng, mua dừa về tự tay rim một thau mứt cho ba ngày Tết. Cái chính là để tìm lại dư âm của ngày Tết xa xưa và góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam cho con cháu, cho thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

 


Gia đình tôi hầu như năm nào cũng mua các thứ về tự gói vài chiếc bánh chưng để bày bàn thờ ông bà tổ tiên dịp đầu năm mới. Mọi vật liệu đều dễ dàng tìm thấy ở chợ. Thịt heo ở Mỹ thì rất rẻ, khoảng 2 đô-la cho nửa ký thịt ngon. Ngày thường ăn uống tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh ăn thịt mỡ không tốt cho sức khỏe. Nhưng bánh chưng, bánh tét mà làm với thịt nạc thì còn gì là bánh chưng, bánh tét nữa. Thế là đành tặc lưỡi lựa những miếng thịt ba rọi tươi nhất với những khúc mỡ trắng phau, dầy dặn nhất. Phải mỡ nhiều thì bánh mới ngon, vì miếng thịt mỡ trong bánh chưng hay bánh tét được tẩm ướp tiêu hành, khi ăn vào sẽ tan ra trong miệng, hòa quyện với vị nếp deo dẻo, hay bùi bùi của đậu xanh, và vị thơm lựng của hương lá dong, lá chuối, để rồi thấm đến từng tế bào vị giác nơi đầu lưỡi. Ngày trước lá chuối thường được nhập từ các nước châu Á, bảo quản bằng cách cho đông lạnh. Mua về phải xả đông bằng nước ấm trước khi gói bánh nên bánh gói xong có màu không đẹp hoặc mùi vị cũng đã phôi phai ít nhiều. Nhưng bây giờ, có lẽ nắm bắt được thị hiếu người dùng, các siêu thị nhập về lá chuối tươi từ bên Mễ Tây Cơ, vừa tươi xanh, giá cả lại khá rẻ nên được bà con Việt Nam ưa chuộng. Gói một cái bánh chưng Việt thôi mà vật liệu lại của cả... liên hợp quốc: lá chuối Mehico, gạo nếp Thái Lan, đậu xanh Đài Loan, dây gói bánh là loại dây nilon ở chợ người Hoa, và thịt heo từ nông trại Mỹ.


Sau khi mua đầy đủ vật liệu, cũng từng bước ngâm gạo và đậu xanh, ướp thịt rồi chuẩn bị nồi niêu cho việc nấu. Bên này nhà ai cũng có sân trước sân sau mênh mông, nhưng việc bắc một cái nồi rồi chụm củi nấu bánh từ sáng đêm để nấu bánh trước nhà ở xứ này là việc... nằm mơ giữa ban ngày. Hàng xóm thấy có chút khói bốc lên là chưa đến 5 phút sau, dường như tất cả các loại xe cứu hỏa, cứu thương, và xe cảnh sát sẽ tập trung trước cửa nhà bạn ngay. Bạn sẽ phải giải trình hàng giờ cho câu hỏi ngớ ngẩn nhất được đưa ra là tại sao lại có khói và tại sao lại có lửa, chưa kể đóng các loại chi phí cho việc mời gọi mấy ngài cảnh sát, cứu hỏa ghé thăm. Thế nên, việc chọn một cái nồi áp suất và nấu trên bếp gas trong nhà là một lựa chọn khả thi và có vẻ sáng suốt nhất. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, việc còn lại là bốc điện thoại gọi bạn bè, hay người thân ghé nhà cùng gói bánh và nấu nướng cho vui. Khi đó, bạn sẽ thong thả gói từng cái bánh và thả hồn lang thang nơi miền ký ức của cái Tết xa xăm trong khi đám bạn đứa thì phụ cột dây bên cạnh, đứa xếp bánh vô nồi, đứa buôn chuyện vui hoặc say sưa bên dàn karaoke giọng mùi mẫn “Tết nay anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng...”. Để tiết kiệm lá chuối, và cũng giúp chống lá rách khi nấu, chúng tôi thường bọc một lớp giấy bạc bên ngoài bánh chưng rồi dùng dây nilon để cột bánh. Thường thì mỗi nồi áp suất chỉ nấu được tối đa 3 hay 4 cái bánh chưng nhỏ, nên chúng tôi gom hết các nồi của bạn bè lại để cùng nấu, chờ 3 tiếng sau bánh chín, nồi bánh chưng của nhà ai lại về nhà nấy. Cái chính là gia đình bạn bè người thân sum họp, con cái có dịp chạy nhảy, chơi đùa chung với nhau.

 

Cả gia đình chơi bầu cua vui Tết.
Cả gia đình chơi bầu cua vui Tết.

 

Để gìn giữ không khí Tết mỗi năm là một sự cố gắng của các gia đình người Việt xa xứ. Nếu Tết rơi vào ngày thường thì cha mẹ có khi vẫn phải đi làm, và con cái vẫn phải ngủ sớm để mai đi học. Chỉ khi Tết cổ truyền rơi vào ngày cuối tuần, thì niềm vui mới nhân lên gấp bội khi được nghỉ làm, thảnh thơi lo làm cơm cúng ông bà đầu năm, con cái cũng được nghỉ học nên có thể nô đùa đến khuya với chúng bạn. Tối đến, các gia đình cũng tụ năm tụ ba, chơi bầu cua cá ngựa đem từ Việt Nam sang, mỗi lần chỉ được đặt 1 hay 2 đồng cho vui cửa vui nhà. Con tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hỏi con thích Tết Việt Nam không, cháu bảo con rất thích vì được lì xì và được ba mẹ dắt đi xem múa lân ở hội chợ. Chúng có mấy đứa bạn Mỹ hàng xóm qua chơi, cũng được chúng tôi lì xì nên tỏ ra rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi giải thích tục lệ cho tiền của Tết Việt thì chúng thích thú lắm, cứ canh chừng sau Tết Tây gặp tôi ngoài đường là hỏi khi nào đến Tết Việt để chạy qua chơi mà còn được tiền đem về nữa.

 


Tết Việt ở trời Tây có thể không trọn vẹn như ở quê nhà, nhưng cũng phần nào giúp cho những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ. Bằng cách này hay cách khác thì những sinh hoạt Tết Việt trong gia đình bà con hải ngoại cũng không nằm ngoài mong muốn duy trì, gìn giữ, và phát triển văn hóa dân tộc Việt cho con cháu, để nó không bị mai một ở nơi đất khách quê người. Có sống trong đủ đầy hay bận rộn lo toan cơm áo nơi đất khách, thì mỗi dịp xuân về, người con xa xứ vẫn luôn nhớ đến những chiếc xích lô chất đầy rau tươi, những sạp đồ khô bày bánh mứt la liệt, và từng dòng người tất bật mua sắm, bán buôn trước cửa chợ Xóm Mới năm nào...

 


Minh Vu (Viết từ New Mexico)