12:02, 11/02/2013

Tiếng lòng Chapi

Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), mã la, đàn Chapi là “linh hồn” của họ. Có lẽ vì thế mà họ đã “sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa… yêu nhau”. Cái “tứ” thật tinh tế ấy của nhạc sĩ Trần Tiến “tung hứng” trong nhạc phẩm “Giấc mơ Chapi” làm mê mẩn lòng người!

Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), mã la, đàn Chapi là “linh hồn” của họ. Có lẽ vì thế mà họ đã “sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa… yêu nhau”. Cái “tứ” thật tinh tế ấy của nhạc sĩ Trần Tiến “tung hứng” trong nhạc phẩm “Giấc mơ Chapi” làm mê mẩn lòng người!

Đi tìm hồn người Raglai

1
Ama Thanh đang làm đàn Chapi.

Chiều đã buông mành. Những nếp nhà của bà con người Raglai ở huyện Khánh Sơn đã bập bùng bếp lửa. Hơi thở của núi rừng dường như nồng ấm hơn bởi đâu đó có thanh âm đàn Chapi lúc tỉ tê, da diết, lúc rạo rực, khoan nhặt vọng về. Không khó để tìm nhà Ama Điệp ở thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung - nghệ nhân hiếm hoi chế tác đàn Chapi thuần thục và đẹp nhất, cũng là người duy nhất đánh được 6 làn điệu Chapi còn lại của người Raglai ở huyện Khánh Sơn.

Khác với hình dung của tôi, đã qua gần 70 mùa rẫy mà Ama Điệp vẫn còn minh mẫn, quắc thước và khỏe mạnh như cây lim, cây táu giữa rừng già. Mân mê cây đàn Chapi, giọng già Điệp trầm buồn: “Ngày trước, người Raglai mình chỉ có nhà giàu mới sắm được bộ mã la với đầy đủ 4 chiếc, tượng trưng cho cha, mẹ, chị gái đầu, em gái út. Nhưng mã la cũng chỉ đánh vào những ngày lễ lớn như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cưới... Còn đàn Chapi của người Raglai không ai nhớ được xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, những nhà nghèo không có tiền sắm bộ mã la nên mới nghĩ cách chế tác cây đàn Chapi. Tiếng đàn Chapi được phỏng theo âm thanh của tiếng mã la, nhưng đàn Chapi đơn giản, gọn nhẹ nên có thể mang đi đánh ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Đồng bào mình ít biểu lộ tình cảm bằng lời lắm, bởi thế hay mượn đàn Chapi để cởi tấm lòng. Trước đây,  trai gái tìm hiểu nhau đều nhờ tiếng đàn Chapi. Người Raglai, sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy, mượn tiếng đàn Chapi để khuây khỏa. Khi đó, tiếng đàn Chapi khi dìu dặt, âm trầm, lúc rộn ràng, vui tươi, đêm ngày rộn vang khắp buôn làng. Còn bây giờ, tuy có nhiều người nghe và biết về đàn Chapi, nhưng “tiếng lòng” của người con Raglai thì vẫn cô đơn tột cùng. Bởi bây giờ, con cháu người Raglai chẳng ai chịu khảy Chapi nữa.

 Ama Điệp hướng dẫn cháu nội chọn tre để làm đàn Chapi.
Ama Điệp hướng dẫn cháu nội chọn tre để làm đàn Chapi.

Sau khi khảy cho chúng tôi nghe xong 6 điệu đàn, Ama Điệp giải thích về cách làm đàn Chapi. Đàn được chế tác từ ống tre già mọc tận trên những ngọn núi cao, có tuổi đời khoảng 1 năm, đường kính khoảng 8 - 9cm. Ống tre phải phơi khô 4 - 5 tháng mới được đem ra làm đàn; tre càng khô, âm càng hay. Dọc theo thân ống, 12 sợi dây đàn được tách thành 6 cặp dây có khoảng cách bằng nhau và cuối cùng là cân chỉnh âm sao cho tiếng đàn có hồn. Khi khảy Chapi, người đánh phải nâng đàn lên gần ngang ngực, ghì sát đầu ống để rỗng vào người, hai bàn tay vừa giữ đàn, vừa khảy dây đàn theo những nguyên tắc nhất định. Cây đàn Chapi tuy đẹp nhưng âm thanh phát ra không giống như âm thanh của bộ nhạc cụ mã la thì cũng phải bỏ đi làm lại.

Cũng như bao người dân Raglai ở Khánh Sơn, Ama Thanh (ở thị trấn Tô Hạp) sinh ra đã nghe tiếng đàn Chapi, lớn lên cùng với những thanh âm dìu dặt của tiếng đàn Chapi. Khi thoát ly tham gia kháng chiến, hành trang duy nhất mà chàng trai trẻ Bo Bo Thanh mang theo lên chiến khu là cây đàn Chapi cha tặng. Những năm tháng đó, những lúc nghỉ ngơi, Bo Bo Thanh lại mang đàn Chapi ra khảy cho đồng đội nghe, một phần cũng để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Chính tiếng đàn Chapi đã giúp ông và đồng đội nuôi dưỡng niềm tin chiến thắng. Ông mơ thấy con trai đầu lòng ôm đàn Chapi mừng cha trở về; thanh niên Raglai buông tiếng đàn Chapi gọi bạn; buôn làng Raglai rộn ràng tiếng đàn Chapi gọi nhau lên rẫy mỗi sớm mai. Đất nước thanh bình, những giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Đối với Ama Thanh, cây đàn Chapi đã trở thành người bạn thân thiết trong suốt mấy chục năm qua. Đi đâu, làm gì, Ama Thanh cũng mang theo cây đàn Chapi, nhất là những khi lên nương rẫy xa, phải ở lại nhiều ngày để chăm sóc cây trồng, hay thu hoạch lúa, bắp. Sau những giờ lao động mệt nhọc, hay những lúc đêm về, Ama Thanh lại mang đàn Chapi ra chơi một vài điệu. Tiếng đàn Chapi dìu dặt như dòng suối mát, ngọt lành đánh tan sự mệt nhọc, trống vắng trong ông.

Điều khiến Ama Thanh trăn trở, day dứt là thế hệ trẻ Raglai bây giờ không còn thích đàn Chapi và muốn nghe làn điệu đàn Chapi như thời của ông nữa. “Ama buồn lắm. Thanh niên bây giờ không thích chơi đàn Chapi nữa, nó chỉ thích nhạc mới thôi...”, ông bảo.

Hồn xưa còn có nơi này

Theo Ama Điệp, trước đây, con trai người Raglai mà không biết làm đàn Chapi, không biết chơi đàn Chapi thì không xứng là con trai. Tiếng đàn Chapi hay và lạ lắm, chỉ hồn người Raglai mới thấu hiểu được. Tiếng đàn nhiều lúc thong dong, bình thản như người Raglai lên núi làm nương; khi dặt dìu như tiếng ếch nhảy lên trong những đêm mưa đầu mùa, như con chim rừng gọi nhau đi xây tổ; khi tỉ tê như trai gái vào độ yêu đương; khi tĩnh lặng như giọt nước rơi vào chiếc lu đầu hè, khi chênh chao như lưng gùi sơn nữ; khi trầm mặc như dòng suối Tô Hạp... và trầm hùng như mã la mừng hội. Cuộc sống ngày một đi lên. Giấc mơ thoát khỏi đói nghèo của người dân Raglai ở Khánh Sơn đã thành hiện thực. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn những người như Ama Thanh, Ama Điệp vẫn còn một ước mơ khác nữa, bình dị, đời thường mà rất đáng trân trọng. Đó là làm sao trong mỗi ngôi nhà xây của người dân Raglai, bên cạnh những thiết bị nghe nhìn hiện đại, đều có cây đàn Chapi. Để tiếng đàn Chapi, những làn điệu đàn Chapi còn vang vọng mãi trên buôn làng.

 Ngày nay, số thanh niên ở Khánh Sơn biết chơi đàn Chapi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
  Ngày nay, số thanh niên ở Khánh Sơn biết chơi đàn Chapi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến, người đã có nhiều tâm huyết trong việc sưu tầm văn hóa truyền thống của người Raglai cho biết: Thực tế, cây đàn Chapi là nhạc cụ thu nhỏ bộ mã la của người Raglai. Hiện nay, làn điệu Chapi phỏng theo mã la của người Raglai có khoảng 30 - 40 làn điệu. Riêng ở huyện Khánh Sơn có 6 làn điệu chính được thể hiện bằng đàn Chapi. Đàn Chapi cũng là loại nhạc cụ truyền thống được người dân Raglai xem như người bạn tinh thần thân thiết để gửi gắm niềm vui, nỗi buồn và cả những ước mơ. Nếu cây đàn Chapi không còn nữa thì các làn điệu đó cũng mất đi. Thanh âm, làn điệu của đàn Chapi giống nhạc cụ mã la, nhưng không phải người Raglai nào cũng có thể học thuộc và chơi được. Nguyên nhân chính là do các làn điệu đàn Chapi không được ký âm, những nghệ nhân Raglai phải dạy bằng cách truyền khẩu, truyền thanh. Người nào nghe nhiều, chú tâm học, lâu ngày mới nhớ. Trước đây, nhiều người biết làm và chơi đàn nhưng chỉ truyền cho con cháu, không truyền cho người ngoài nên người biết chơi đàn Chapi ngày một ít đi.

Tuy tuổi ngày một cao, nhưng mỗi ngày, Ama Điệp, Ama Thanh vẫn dành thời gian chơi đàn Chapi ít nhất một lần. Đó không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ thanh âm, nhớ làn điệu thân quen đã gắn bó với cuộc đời mình như máu thịt, mà các ông còn muốn đem tiếng đàn Chapi đong đầy thêm vào tâm hồn thanh niên Raglai, đong đầy hồn người dân Raglai. Tuy nhiên, làm gì để những tiếng lòng ấy được đong đầy, trường tồn, để giấc mơ Chapi không chỉ là giấc mơ... thật không đơn giản.

ANH TUẤN - MINH CHƯƠNG