12:02, 11/02/2013

Nghe như lạ như quen

Tôi có mặt tại Ulsan dự lễ kỷ niệm 50 năm thành phố thực hiện công nghiệp hóa. Từ một làng chài chuyên săn cá voi, Ulsan trong năm 2011 có kim ngạch xuất khẩu đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Trong cái lạnh âm 10 độ, thành phố tuyết phủ trắng xóa, những điều mắt thấy, những câu chuyện của người bạn Hàn tôi thấy như lạ mà rất quen.

Tôi có mặt tại Ulsan dự lễ kỷ niệm 50 năm thành phố thực hiện công nghiệp hóa. Từ một làng chài chuyên săn cá voi, Ulsan trong năm 2011 có kim ngạch xuất khẩu đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Trong cái lạnh âm 10 độ, thành phố tuyết phủ trắng xóa, những điều mắt thấy, những câu chuyện của người bạn Hàn tôi thấy như lạ mà rất quen. Đằng sau những bộ phim Hàn, làn sóng nhạc Hàn, chuyện làm dâu xứ Hàn… có một nước Hàn khác.

Bước nhảy thần kỳ

Quốc gia tình yêu Nami
Quốc gia tình yêu Nami

Ulsan là một thành phố kết nghĩa với tỉnh Khánh Hòa. Hơn 50 năm trước, đây chỉ là một làng chài heo hút, chuyên săn bắn cá voi và chế biến các sản phẩm từ cá voi. Thành phố hình thành khi các tập đoàn lớn kéo về đây, lập nên khu công nghiệp. Nơi đây là thủ phủ của các Tập đoàn Hyundai (ô tô, thiết bị công nghiệp nặng, đóng tàu, hóa chất...), Tập đoàn năng lượng SK... kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt mốc 100 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của Việt Nam. Tập đoàn ô tô Hyundai hiện là tập đoàn ô tô đứng thứ tư trên thế giới. Nếu bạn có dịp tham quan một trong 6 nhà máy chế tạo ô tô của Hyundai ở đây, có thể bạn sẽ hoa mắt khi cứ khoảng hơn 10 phút có chiếc xe hoàn chỉnh chạy khỏi dây chuyền, được lái thẳng ra bến cảng để lên tàu xuất khẩu.

Quốc gia tình yêu Nami
Công viên trúc bên dòng sông hồi sinh Teahwa

Đến thành phố, du khách dứt khoát được giới thiệu thăm công viên trúc bên dòng sông Taehwa trong vắt. Dòng sông này vào thập niên 80 của thế kỷ trước là dòng sông chết, đen ngòm bởi nhà máy 2 bên tuôn thẳng nước thải không qua xử lý xuống sông. Năm 2002, chính quyền thành phố đã xây dựng một dự án cứu dòng sông. Tiền của và hàng triệu ngày công tình nguyện đã đổ ra, thành quả là một công viên trúc tuyệt đẹp rộng 53ha viền quanh dòng sông hồi sinh trong vắt. Đã có giải bơi việt dã khu vực được tổ chức ở đây và bạn nói vui là vận động viên không bơi nổi vì cá quá nhiều(!) Bạn luôn nhắc nhở du khách khi đến thăm công viên Taehwa bài học về gìn giữ môi trường khi tiến hành công nghiệp hóa.

Chuyện về một vị tổng thống có bàn tay thép…

Ulsan 50 năm trước (tư liệu chụp tại bảo tàng thành phố Ulsan)
Ulsan 50 năm trước (tư liệu chụp tại bảo tàng thành phố Ulsan)

Tổng thống Park Chung-hee có ái nữ là bà Park Geun-hye vừa được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc. Ông là một nhân vật còn đang được dư luận Hàn Quốc bình xét. Tuy nhiên, nói về ông, các bạn Hàn Quốc  đều coi ông là một nhà độc tài có bàn tay sắt, đã có công đưa một đất nước kiệt quệ sau chiến tranh vào kỷ luật thép.

Trong những ngày ở thành phố Pohang, tôi được bạn mời đi thăm bảo tàng của Tập đoàn thép Posco. Năm 1961 Tổng thống Park Chung-hee quyết định bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa Hàn Quốc bằng cách lấy số tiền đền bù chiến tranh của Mỹ gồm 73,7 triệu USD xây dựng một nhà máy liên hợp thép tại một làng chài nghèo, bên bờ vịnh Pohang. Khi ấy, công nghiệp của Hàn Quốc chỉ là một con số không... Trong 7 năm xây dựng nhà máy, vị tổng thống này đã về thăm công trường 11 lần. Posco ra đời đã đặt nền tảng cho nền công nghiệp nặng của Hàn Quốc. Hiện nay, Posco là tập đoàn sản xuất thép đứng thứ 3 trên thế giới và chút nữa đã kịp có mặt tại vịnh Vân Phong, nếu như khi ấy Chính phủ đồng ý. Nhiều nhà kinh tế đến giờ vẫn nói, không phải Khánh Hòa, mà là đất nước mất đi một cơ hội phát triển khi từ chối dự án này...

Hôm đi trên xa lộ Busan - Seoul dài hơn 500km với mỗi chiều thênh thang 4 làn xe, bạn tranh thủ giới thiệu cho tôi về lai lịch con đường. Nguyên là thập kỷ 60, Mỹ trả tiền cho quân đội Nam Hàn qua đánh thuê ở Việt Nam. Vị tổng thống này đã trích lại khoảng 70% số tiền này, đầu tư một xa lộ cao tốc nối thủ đô với Busan, trung tâm kinh tế - tài chính phía Nam. Chỉ trong vòng 25 tháng thi công, xa lộ cao tốc đã cắt băng khánh thành, cho đến bây giờ vẫn là một kỷ lục xây dựng của thế giới. Và cho đến bây giờ, con đường huyết mạch Bắc - Nam này vẫn chưa hề lạc hậu. Giới cựu chiến binh Hàn Quốc gọi đây là con đường xương máu của họ, cho nên khá là “công thần” trong đời sống chính trị Hàn Quốc.

Người bạn Hàn dẫn đường còn cho chúng tôi biết thêm về những năm 60 của thế kỷ trước, vị tổng thổng đã phát động phong trào vận động cải cách nông thôn (Saemauel). Ở nông thôn khi đó ngày làm việc 16 tiếng. Mới 5 giờ sáng, nghe tiếng kẻng, cả người lớn lẫn trẻ em ra đồng và khoảng 9 giờ tối mới về. Hệ thống giao thông và kênh mương của nông thôn Hàn Quốc ngày nay cơ bản hình thành từ ngày ấy. Còn ở thành phố là phong trào tăng ca, làm xong việc. Buổi trưa chỉ có 15 phút ăn trưa, thói quen đó bây giờ tạo cho người Hàn tác phong ăn uống cực nhanh. Và bạn đừng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người Hàn có thể rời nhiệm sở lúc 9 - 10 giờ đêm, cố làm cho xong công việc hôm nay. Đơn giản là trong tiềm thức của họ luôn coi trọng công việc của cơ quan hơn việc gia đình.

Bản tình ca mùa đông…

Khi đến Seoul, du khách thường chọn đi thăm đảo Nami cách thủ đô Seoul 63km. Đây chỉ là một hòn đảo nhỏ khoảng 46ha. Năm 1965, người chủ hòn đảo này đã trồng 1.000 cây phong thành những hàng thẳng tắp và xây một số cơ sở du lịch sinh thái. Năm 2002, bộ phim “Bản tình ca mùa đông” ra đời với bối cảnh quay trên đảo, cặp tài tử Park Yong Ha và Choi Ji Woo đã hút hồn các trai thanh, gái lịch trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ Nhật vô cùng hâm mộ bộ phim này. Đảo Nami qua đó trở thành nổi tiếng. Chỉ riêng thanh niên Nhật, mỗi năm có khoảng hơn nửa triệu người chọn mùa đông đến đây để được sống với khung cảnh lãng mạn trong phim. Những người làm du lịch ở đây gọi Nami là quốc gia tình yêu, vé vào cửa được in thành visa(!)  

Hôm tôi tới Nami, nơi đây lạnh -17 độ, toàn đảo trắng xóa, những hàng cây phong trơ trụi, thẳng tắp. Từng đoàn, từng đoàn du khách qua phà lên đảo. Nhìn các đôi lứa tình tứ bên nhau, thuê xe đạp chở nhau, ngỡ như cặp tài tử kia vẫn đang nô đùa bên nhau, lãng mạn vô cùng.

Dòng người thăm Cố cung Gyeongbok
Dòng người thăm Cố cung Gyeongbok

Vị tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak hiện giờ cũng khá nổi tiếng về tính kiên trì và cứng rắn. Năm 2003 khi còn là thị trưởng Seoul, ông quyết tâm khôi phục suối Cheonggyecheon, vốn là con suối tự nhiên, gắn liền với lịch sử phát triển Seoul, chảy xuyên qua thành phố. Năm 1958 bị san lấp thành một xa lộ lớn, trên còn có một số cây cầu vượt. Khỏi phải nói dư luận đã phản ứng như thế nào, các phe phái đối lập nêu đủ lý do về kinh tế, về giao thông để phản đối... Sự kiên trì của ông thuyết phục được mọi người. Tháng 9-2005, con suối thiên nhiên dài 6km giữa lòng thành phố được khơi thông, trở thành kỳ quan của thành phố, điểm du lịch nổi tiếng không thể thiếu khi đến Seoul.

* * *

Các nhà kinh tế thế giới đã phân tích rất nhiều bài học kinh nghiệm công nghiệp hóa thần kỳ của Hàn Quốc. Thôi thì chuyện đó thuộc tầm của các nhà quản lý vĩ mô. Với tôi, mỗi khi có dịp đến với đất nước này, tôi luôn muốn được khám phá, cảm nhận nét tính cách riêng của người Hàn. Đó là tính kỷ luật, là ý chí vươn lên của một quốc gia nghèo tài nguyên, con người phải chiến đấu với bao điều khắc nghiệt.

THỦY NGÂN