05:01, 25/01/2012

Ước vọng mai vàng

Mỗi độ Xuân về, mai vàng là hình ảnh không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người miền Trung và miền Nam. Mai vàng ở Việt Nam rất nhiều và phong phú về chủng loại.

Mỗi độ Xuân về, mai vàng là hình ảnh không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người miền Trung và miền Nam. Mai vàng ở Việt Nam rất nhiều và phong phú về chủng loại. Mai vàng ở Khánh Hòa cũng là một “thương hiệu” được nhắc đến khi nói về loài hoa đẹp này.

Mai vàng là loại hoa nở đúng dịp Tết, được người dân Trung và Nam bộ chọn chơi, thay cho hoa đào ở miền Bắc chỉ thích hợp với khí hậu lạnh. Ngày Tết, nhiều gia đình gốc Bắc vẫn muốn mang cành đào vào Nam và ngày nay, khi giao thông thuận lợi, cây mai cũng được chở ra Bắc, để đào, mai cùng tỏa hương, đua sắc trong cái Tết của người Việt. Không những thế, cành đào, cành mai còn được đưa ra nước ngoài, làm ấm lòng người Việt xa xứ. Mai vàng được xem là loài hoa linh thiêng, mang lại sự may mắn suốt năm cho gia chủ. Vì thế, người lớn tuổi trong các gia đình thường rất chú ý chăm sóc cho mai, chăm cho hoa nở nhiều, nở đẹp vào mùng 1 Tết, tránh hoa rụng hoặc héo (xem là điềm xấu của năm).

Cây mai nhà ông Nguyễn Văn Rõi, 19 Hương Điền, Phước Hải, Nha Trang.
Cây mai nhà ông Nguyễn Văn Rõi, 19 Hương Điền, Phước Hải, Nha Trang.

Khánh Hòa xưa là nơi được xem có nhiều giống mai vàng quý như mai năm cánh, đặc biệt là loại mai tám cánh ở đồi Trại Thủy (xưa gọi là Hoàng Mai Sơn, vì trên núi toàn hoa mai). Đồi Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng là một hòn núi mọc toàn mai cổ thụ. Mùa Xuân đến, mai nở vàng rực cả núi, mang lại vẻ đẹp hiếm có. Theo nhà thơ Quách Tấn và một số tư liệu khác, cách đây hơn 70 năm, vùng Phước Hải (TP. Nha Trang) là một rừng mai chạy dài từ biển tới chân núi Đồng Bò; cọp khi ấy cũng có nhiều ở Khánh Hòa. Nhà nho Thuần Phu Trần Khắc Thành từng có câu: “Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt/Phước Hải Xuân về cọp thưởng mai”. Thời Pháp thuộc, rừng mai Phước Hải vẫn còn; nhưng hiện nay, Phước Hải trở thành một khu phố đông đúc, nhà cửa chen chúc, rừng mai không còn nữa; hiếm hoi lắm mới tìm thấy những cây mai trước cửa nhà. Điều này thật khác với hình ảnh Nha Trang hơn 20 năm trước, rất nhiều nhà trồng cây mai trước cửa; hình ảnh người lớn lặt lá mai mỗi khi Xuân về đã rất quen thuộc với nhiều người. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu nhà chia nhỏ hơn nên Nha Trang cũng hiện đại hơn nhưng lại bớt đi nét Nha Trang xưa. Hồi xưa, những ngày giáp Tết, trên đường 23-10 có rất nhiều cành mai núi được chở về chợ hoa Tết ở chợ Đầm và bên các lề đường. Khu Phước Đồng bây giờ cũng được quy hoạch nên nói chân núi Đồng Bò là nơi trồng nhiều hoa mai có lẽ như nhắc chuyện gì đã xưa cũ lắm. Những năm gần đây, ở Nha Trang rộ lên phong trào chơi mai ghép. Đó là những gốc mai được ghép cành, phù hợp với không gian nhỏ. Có lẽ, chỉ những người già vương vấn hoài niệm là nhớ ngày xưa, nhiều người đi dạo chợ hoa chỉ mong tìm được cành mai ưng ý về chưng Tết. Bây giờ mai cành rất ít, mai bonsai cũng đắt nên giới bình dân có khi chọn những loại hoa khác để chơi trong dịp Tết cổ truyền. Một người chuyên trồng mai ghép bonsai ngày Tết cho biết, bây giờ người ta trồng mai bonsai cho dễ bán, dễ chưng, dễ vận chuyển, phù hợp với nhà nhỏ, phố nhỏ. Các vùng Vĩnh Trung của Nha Trang, Diên An và một số xã khác của Diên Khánh cũng có nhiều hộ trồng mai để kinh doanh và mai tự nhiên ở Cam Lâm vẫn là một thương hiệu được nhắc đến. Tôi có một người bạn đã xa Nha Trang hơn 20 năm đến sống ở một nước Bắc Âu, nhưng không Tết nào không nhắc đến ngày Xuân ở Nha Trang với bao hoài niệm về nồi bánh chưng, cảnh rim mứt, nhất là cảnh trẻ con các nhà lặt lá mai và đi chọn mua mai vàng ngày giáp Tết. Cô nhớ như in cảm giác hồi hộp, khó tả đêm 30 Tết, khi cả nhà cùng quây quần bên chậu mai để đếm xem bao nhiêu nụ hoa sẽ nở vào mùng 1, mùng 2. Cô cũng chưa quên “mẹo vặt” của hai anh em cô: thấy hoa nào sắp rụng cánh là lặt đi để mùng 1 không có hoa rơi lả tả và mẹ cô sẽ không lo lắng. Lần gần đây nhất về Nha Trang, cô cứ ngỡ ngàng vì sao hoa mai bây giờ ít quá, thật không giống với hình dung về cái Tết Nha Trang trong tâm thức của cô. Cô không ngại dắt người chồng quê miền Bắc đi khám phá vùng Phước Hải để giới thiệu về một Nha Trang xưa, và rồi nuối tiếc vì dấu vết rừng mai không còn; chỉ một số ít nhà còn trồng mai trước cửa. Chủ nhà số 12 Hương Điền, Phước Hải, Nha Trang cho biết, cây mai nhà anh đã hơn 20 năm và bây giờ, tuy nhà rất chật với khoảnh sân nhỏ nhưng gia đình vẫn muốn giữ lại hai gốc mai. Mỗi năm, khi hoa mai tàn, chủ nhà lại cưa ngọn đi để cây mai có sức ra hoa vào Tết năm sau. Tại số nhà 19 Hương Điền, Phước Hải, Nha Trang có một gốc mai mà theo chủ nhà là ông Nguyễn Văn Rõi, 83 tuổi, ông đã trồng được mấy chục năm từ khi còn trẻ. Theo người dân xung quanh, từ năm 1975, cây mai này đã có tại sân nhà ông Rõi, trước căn nhà cổ ước cũng đã hàng trăm năm. Ông Rõi cho biết, từ khi được sinh ra và lớn lên ở đây, căn nhà đã được tu sửa nhiều, nhưng mái ngói và rường cột vẫn nguyên như cũ; còn cây mai 5 nhánh hiện được xem là cây “cao tuổi” nhất tại phường Phước Hải. Khi nghe về dự án ở đồi Trại Thủy của quê nhà, bạn tôi đã reo lên: giá như tỉnh sẽ trồng nhiều hoa mai nhỉ! Ước mơ nhỏ bé của một người con xa xứ cũng đủ gợi ý tưởng cho chính người đang sống ở Nha Trang, như nhóm bạn của cô, về việc xây dựng, tu bổ cho Nha Trang đẹp hơn gắn với văn hóa và lịch sử của vùng đất Khánh Hòa “thiên thời, địa lợi”.

Ngày Tết, nói chuyện hoa mai, lại ao ước mai Khánh Hòa sẽ được chú ý giữ gìn về giống loài và phát triển các vùng trồng mai tự nhiên như tiếng tăm vốn có ngày xưa của hoa mai trên vùng đất Khánh Hòa…

HẠNH MINH