Giữa cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, giữa ì oằm của những con sóng vỗ bờ tha thiết, những người chiến sĩ giữ đảo và nhân dân tại Trường Sa lại háo hức gói bánh chưng,....
Giữa cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, giữa ì oằm của những con sóng vỗ bờ tha thiết, những người chiến sĩ giữ đảo và nhân dân tại Trường Sa lại háo hức gói bánh chưng, sửa soạn cành mai vàng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Vậy là một mùa Xuân mới đang về nơi đảo xa!
. Gói bánh chưng bằng… lá bàng vuông
Đã thành thông lệ, năm nào quân và dân trên đảo Trường Sa cũng tổ chức ăn Tết sớm. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngày Xuân ở Trường Sa không hề kém đất liền, cũng đầy đủ dưa, cà, hành, tỏi; bàn thờ gia tiên, bàn thờ Tổ quốc được trang hoàng rất bài bản. Điều thú vị, độc đáo trong ngày Xuân ở Trường Sa là “tục lệ” gói bánh chưng bằng… lá bàng vuông - loại cây được xem là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt trên đảo.
Người lính Hải quân tỉ mẩn gắn từng bông mai nhựa. |
Chẳng biết tự bao giờ, những người lính trên đảo Trường Sa biết dùng lá bàng vuông để gói bánh. Từng nghe kể nhiều về “sự kiện” này, nhưng mãi khi ra Trường Sa, được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trên đảo “thực hành” gói bánh chưng tôi mới ngỡ ngàng. Những lá bàng vuông xanh mướt được các bàn tay khéo léo bẻ góc, bẻ cạnh tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vức. Thấy tôi có vẻ tò mò, chiến sĩ Nguyễn Văn Nam (Cụm chiến đấu số 3) giải thích: “Thời tiết ở đây khắc nghiệt nên lá dong từ đất liền gửi ra đến đảo đều đã úa vàng; chính vì thế, bàng vuông được chọn để gói bánh chưng. Lá bàng ở đảo thường to và dày, thuận tiện cho việc gói bánh. Tuy nhiên, để có được những chiếc lá tốt nhất, khâu lựa lá rất quan trọng. Lá già quá sẽ dễ bị vỡ, còn lá non thì làm cho bánh có vị chát, mất ngon, vừa nhất là loại lá bánh tẻ”. Quả thực, nếu chưa “mục sở thị”, chắc tôi không nghĩ để có một chiếc bánh chưng đón Xuân nơi đảo xa lại công phu đến thế…
. Đón Xuân kiểu lính đảo
Nếu gói bánh chưng bằng lá bàng vuông là “đặc sản” ở Trường Sa thì cách đón Xuân của những người lính đảo cũng rất đặc biệt. Trong đêm “giao thừa”, quân và dân trên đảo không đón Tết riêng rẽ. Lúc nồi bánh chưng vừa chín cũng là lúc mọi người tập trung tại hội trường của đảo để vui Xuân, đón Tết. Trong không khí rộn ràng, háo hức, từ chàng tân binh đến các sĩ quan, từ em bé lên 3 cho đến những “lão ngư” ai ai cũng rạng ngời sắc Xuân. Mới hơn 18 giờ, mọi người đã có mặt đầy đủ tại hội trường để vui “giao thừa” sớm.
Các chiến sĩ háo hức gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. |
Chương trình đón Xuân trên đảo được bắt đầu bằng tiết mục hái hoa dân chủ và các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Từng đón Xuân ở nhiều nơi, nhưng tôi chưa bao giờ được chứng kiến một đêm giao thừa đầy xúc động như ở Trường Sa. Khi Trung úy Nguyễn Đức Thắng thể hiện ca khúc “Cung đàn mùa Xuân” của nhạc sĩ Cao Việt Bách, không khí hội trường trở nên sôi động, đầy hùng khí. Vui vẻ rộn ràng là vậy, nhưng lúc Chuẩn úy Cao Thống Nhất hát bài “Mẹ” của nhạc sĩ Phan Long, không khí hội trường trở nên lắng lại. Nhiều ánh mắt ưu tư, chứa đầy tâm trạng. Nhưng rồi phút lắng lòng nhớ về mẹ, nhớ về đất liền nhanh chóng được khỏa lấp bằng ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa”. Cả hội trường sôi động trở lại; từ chiến sĩ tới các công dân “nhí” của đảo đều cất tiếng hát như một niềm tự hào. Cảm động hơn khi các em học sinh Trường Tiểu học Trường Sa cùng nhau cất lên những ca từ: “Biển này là của ta, đảo này là của ta… Tổ quốc Việt Nam ta, Tổ quốc Việt Nam ta”. Bài hát một lần nữa khẳng định sự quyết tâm giữ vững chủ quyền của đất nước; ca từ được cất lên như lời thề giữ đảo của người lính, của lớp lớp con cháu Lạc Hồng. Tiếng hát nghe dung dị, những nốt nhạc chưa đúng khuôn song đã làm nhiều người không cầm được nước mắt. Giữa quần đảo đầy giông tố, tiếng hát về Trường Sa được trẻ thơ cất lên trong đêm đón Xuân nghe sao thiêng liêng, nghe sao can trường!
Trong xúc cảm hân hoan, Thượng tá Đinh Văn Hải chia sẻ: “Được đón Xuân trên tuyến đầu của Tổ quốc là niềm tự hào của tất cả những người lính trên đảo. Không ở đâu có được cái Tết như ở Trường Sa. Dù vẫn còn nhiều thiếu thốn song mùa Xuân của Trường Sa lúc nào cũng đầy ắp niềm vui, niềm tự hào và tình quân dân thắm thiết. Trong năm mới, quân và dân trên đảo sẽ quyết tâm bám biển, bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Những “ca sĩ nhí” say sưa hát trong đêm “giao thừa”. |
Trung tá Phan Tiến Dũng - phóng viên Báo Quân đội nhân dân (một thời là lính biển) bồi hồi xúc động khi lần thứ 2 trở lại Trường Sa sau 16 năm xa cách. Giữa bao nỗi niềm bộn bề riêng, chung, nhà báo Phan Tiến Dũng tặng quân, dân trên đảo bài thơ “Gửi về em” do anh viết về kỷ niệm chuyến “vượt biển” ra công tác tại quần đảo Trường Sa năm ấy. Bài thơ viết về tình yêu giản dị, trong sáng của người lính đảo xa dành cho cô nữ sinh sư phạm đẹp và đáng trân trọng như chính cuộc đời của họ vậy.
Xuân sớm ở Trường Sa không rượu, bia, chỉ có bánh chưng xanh đậm đà vị béo, bùi của lá bàng vuông và tình người Trường Sa mặn mòi như biển. Trong tiếng hát vang xa giữa muôn trùng sóng vỗ, trong tình đất, tình người Trường Sa nồng nàn, tha thiết, tôi thấy mùa Xuân đang hối hả về…
ĐÌNH LÂM