06:01, 25/01/2012

Tết này ai đến xông nhà?

Theo phong tục dân gian, kể từ sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước qua ngưỡng cửa vào nhà thì người đó được coi là người xông nhà (xông đất) cho gia chủ.

Theo phong tục dân gian, kể từ sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước qua ngưỡng cửa vào nhà thì người đó được coi là người xông nhà (xông đất) cho gia chủ. Sự thành đạt, tài năng, đức độ, sức khỏe… của người xông nhà sẽ là căn cứ để chủ nhà dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm mới. Do vậy, để không phải nơm nớp nỗi lo cả năm, nhiều gia chủ đã chủ động tránh gặp những người “nặng vía” đầu năm bằng cách chọn người xông nhà.

Chọn người xông nhà

Vốn làm nghề buôn bán nên chị Bùi Thu Dung (đường Phùng Hưng, Nha Trang) rất coi trọng việc xông nhà đầu năm. Chị Dung cho rằng, người đầu tiên bước vào nhà trong năm mới sẽ ảnh hưởng đến chuyện may rủi của gia đình mình suốt cả năm. Vì vậy, tiêu chuẩn chọn người xông nhà của chị Dung khá cao và thay đổi theo từng năm. Chị Dung cho biết: “Người xông đất không chỉ hợp tuổi mà còn phải vui vẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát, nói cách khác là “nhẹ vía”. Có vậy, việc làm ăn và mọi chuyện trong gia đình mình cũng suôn sẻ, thuận lợi hơn. Mọi năm, gia đình tôi vẫn nhờ họ hàng, bạn bè, hàng xóm đến xông đất. Những người này thường là trụ cột gia đình và cũng khá thành đạt trong xã hội”. Là người tuổi Sửu (1985), năm nay, chị Dung quyết định tìm người xông đất tuổi Tỵ. Vì theo chị, người tuổi Tỵ hợp với tuổi chị và cũng rất hợp với năm Nhâm Thìn; người xưa còn có câu “rồng rắn lên mây”. Ngoài ra, tuổi Tỵ cũng rất hợp với tuổi của chồng chị (tuổi Dậu - 1981). Chị Dung vui vẻ khoe: “Rất may, trong số anh em bên nhà chồng tôi có một người sinh năm 1977 (Đinh Tỵ). Tuy không phải là người có quyền, có chức nhưng anh ấy cũng là một người thành công trong công việc, tính tình lại hiền lành, vui vẻ. Năm nay, gia đình tôi nhờ anh ấy xông đất, hy vọng năm mới làm ăn phát tài, gia đình êm ấm”.

Theo quan niệm dân gian, người xông đất đầu năm sẽ mang lại may mắn cho gia chủ suốt năm đó (hình minh họa).
Theo quan niệm dân gian, người xông đất đầu năm sẽ mang lại may mắn cho gia chủ suốt năm đó (hình minh họa).

Khác với chị Dung, bà Ngô Thị Vân (Vĩnh Hải, Nha Trang) lại chọn người xông nhà hoàn toàn khác. Bà Vân có một cậu con trai đã kết hôn và mới có 1 “công chúa”. Tuy không nói ra nhưng trong lòng, bà Vân luôn mong muốn có thêm 1 cháu trai. Vì vậy, Tết năm nay, người xông nhà được bà Vân chọn không phải bác tổ trưởng tổ dân phố như mọi năm mà là cặp vợ chồng trẻ cạnh nhà vừa sinh con trai đầu lòng kháu khỉnh. Với mong muốn có được đứa cháu trai trong năm tới, bà Vân không còn đặt nặng chuyện hợp tuổi, hợp mạng hay tính tình của người xông đất nữa.

Khác với chị Dung, bà Vân, ông Trần Đình Tâm (Phước Long, Nha Trang) lại luôn mời những người bạn thân lâu năm của gia đình tới chung vui trong bữa cơm thân mật đầu năm. Không câu nệ nam hay nữ, hợp tuổi hay không hợp tuổi…, ông Tâm lại xem sự có mặt của những người bạn tri kỷ trong dịp đầu Xuân là niềm vui, niềm vinh hạnh của gia đình mình.

Buồn, vui chuyện xông nhà

Vì được gia chủ tin tưởng và đặt nhiều hy vọng nên những người đi xông đất đầu năm thường mang “gánh nặng” tâm lý rất lớn. Anh Bùi Huy Khoa (đường Dã Tượng, Nha Trang) - người luôn “đắt hàng” xông nhà mỗi dịp Tết đến Xuân về tâm sự: “Mỗi lần nhận lời xông nhà cho người thân, bạn bè, tôi đều có tâm lý hơi lo lắng, căng thẳng. Nếu mọi việc trong năm diễn ra suôn sẻ, thuận lợi thì không sao; còn nếu năm đó, gia đình họ làm ăn không tốt hay có chuyện không may xảy ra thì mình cũng mang tiếng là không tốt vía”. Nỗi lo của anh Khoa cũng là nỗi canh cánh của những người được mời xông nhà đầu năm. Họ rất khó từ chối lời “nhờ vả” của gia chủ nhưng trước khi tới nhà, người xông đất thường phải chuẩn bị khá kỹ: trang phục tinh tươm, những lời chúc tốt đẹp đầu năm, phong bao lì xì cho trẻ nhỏ… Nhưng quan trọng nhất, người xông đất phải chuẩn bị tâm lý là vị khách đầu tiên bước vào nhà. Vì vậy, thần thái của họ cũng rất quan trọng. Những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống, lại đã nhiều lần xông đất, thường có thần thái rất tự nhiên, thoải mái khi bước vào nhà gia chủ. Họ trò chuyện, chúc Tết và còn rảo bước một vòng quanh nhà với mong muốn mang vận may tràn ngập khắp nhà. Nhưng một số người trẻ tuổi, đặc biệt là những người mới đi xông đất lần đầu tiên lại không có được tâm lý thoải mái, tự nhiên như thế. Anh Khoa kể: “Có lần, đi xông đất cho gia đình người bạn thân, khi đang ngồi trò chuyện, chúc Tết gia đình, tôi sơ ý làm vỡ ly uống nước. Lúc đó, tôi khá căng thẳng vì biết người ta thường kiêng kỵ đổ vỡ đầu năm. Rất may, năm đó, gia đình bạn tôi không xảy ra chuyện xui xẻo gì”. Lại có trường hợp, người xông nhà vì tâm lý căng thẳng nên vào nhà mà không dám trò chuyện nhiều, sợ “lỡ lời”, chỉ chúc vài câu rồi về. Đến khi bình tĩnh lại, họ mới sực nhớ là chưa lì xì cho con của gia chủ!

Xông đất đầu năm là một tập tục lâu đời của người Việt Nam. Nó thể hiện khát vọng thịnh vượng, an khang và thuận hòa trong năm mới của nhân dân. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên quá cầu kỳ với tập tục này, đặc biệt là trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.

HOÀNG DUNG