09:01, 23/01/2012

Tết năm rồng, kể chuyện “Rồng chầu Hổ phục” ở Trường Sa

Thời còn là lính, và sau này là nhà báo từng nhiều lần theo tàu, cưỡi sóng ra huyện đảo Trường Sa, khi về đất liền, tôi rút dần trong “kho” ký ức về những chuyến đi đó những câu chuyện rất riêng về người và đất nơi quần đảo chắn sóng phía Đông Tổ quốc để hầu chuyện bạn đọc gần xa.

Thời còn là lính, và sau này là nhà báo từng nhiều lần theo tàu, cưỡi sóng ra huyện đảo Trường Sa, khi về đất liền, tôi rút dần trong “kho” ký ức về những chuyến đi đó những câu chuyện rất riêng về người và đất nơi quần đảo chắn sóng phía Đông Tổ quốc để hầu chuyện bạn đọc gần xa. Trong mạch kể với nhiều câu chuyện về người, về biển đảo đó dĩ nhiên không thể thiếu những câu chuyện gắn liền với những con giáp được kể trên thềm Xuân về tục đón Tết cổ truyền, tuy đậm chất biển đảo rất riêng của các công dân Trường Sa, nhưng vẫn trong khuôn nền những phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Xuân Thu nhị kỳ, mùa nào thức ấy, năm “Tuất” tôi rỉ rả thuật chuyện “Những anh chị Tuất ở Trường Sa”. Năm “Hợi” thì với “tiếng gà kêu, lợn éc ngày Xuân Trường Sa”. Năm “Dậu” lại tưng tửng tiếng chanh choác của các chị mái mơ, mái ghẹ khi giới thiệu kinh nghiệm “mặn hóa khẩu phần ăn của gà trên đảo chìm”. Tiếp đến, dịp Xuân Tân Mão 2011, qua những gì “mục sở thị” những em mèo, chị chó trong bộ “lục súc” được công dân Trường Sa nuôi trên các đảo nổi, đảo chìm, tôi đã có hẳn bài “Năm Mão cãi hộ mèo”. Và rồi, năm Nhâm Thìn này, dĩ nhiên tôi sẽ tiếp tục hầu chuyện bạn đọc bằng câu chuyện quanh linh vật năm con giáp “Nhâm Thìn” với hình ảnh “Rồng chầu Hổ phục” ở Trường Sa.

Tác giả Lê Bá Dương tại đảo Len Đao năm 2003.
Tác giả Lê Bá Dương tại đảo Len Đao năm 2003.

Tôi xin bắt đầu từ lần “thấy hổ, gặp rồng” ở đảo chìm Len Đao. Hôm đó, một đêm tròn sau khi rời đảo Sinh Tồn Đông, đến mờ sáng hôm sau, đang giở giấc, bỗng nghe tiếng còi tàu hụ lên 3 tiếng chào đảo. Tôi vùng dậy xách máy lên boong, đã thấy cánh nhà tàu và chỉ huy đoàn công tác tề tựu tự lúc nào. Ai đó trong nhóm xuýt xoa: Len Đao đó! Cứ như con hổ ngồi. Thêm cái lườn cát như con rồng cuộn mình ôm lấy đảo.

Thú thực, lúc nghe nói vậy, tôi cố nhướng người đưa máy về phía đảo, bấm vội mấy kiểu ảnh mà vẫn chưa thể hình dung ra cái hình con hổ, con rồng như ai đó vừa phác ra. Đem chuyện này hỏi anh Minh, chính trị viên tàu, Minh gật đầu xác nhận: Cái doi cát kia đúng là hình con rồng cuộn mình ôm lấy đảo. Nếu có cánh mà bay lên cao, nhìn mới rõ, nhưng chút nữa vào đảo, tôi đưa nhà báo lên đỉnh đảo cũng có thể thấy rõ hình con rồng.

“Hoàng Long” tại Len Đao tháng 12-2003 phục mình theo hướng Đông Bắc.
“Hoàng Long” tại Len Đao tháng 12-2003 phục mình theo hướng Đông Bắc.

Háo hức “đáp” xuống xuồng, vượt khoảng 4km từ mép bờ xanh (nơi mép bãi san hô ngập nước ròng tiếp giáp với điểm sâu hàng trăm mét nước biển), vật vã chồm lên hụp xuống trên “bãi nước” gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân lên đảo - chính xác là nhà đảo. Sau mấy câu chào và rửa mặt tẩy trần bằng nước ngọt theo nghi thức đón khách ở Trường Sa, Minh kéo tôi theo chân Thiếu tá Nguyễn Đức Dương - nguyên 2 lần là đảo trưởng đảo Len Đao - ào lên tầng thượng nhà đảo. Từ đây nhìn xuống, tôi đã phải sững sờ khi nhận ra cái lườn cát trên biển lúc nhìn từ trên tàu, bây giờ được nhìn từ trên cao cứ như một con rồng vảy dát vàng, xoãi mình trên mặt nước biển ngăn ngắt màu ngọc bích. Dĩ nhiên, sau thoáng sững sờ, tôi cũng đã kịp lấy máy ảnh để “trở lại” với công việc của một nhà báo, liên tục ghi lại hình cát hóa rồng độc đáo này. Chừng như hiểu được tâm trạng của tôi, anh Dương tranh thủ quảng bá hình ảnh mà theo kinh nghiệm 2 lần “chủ trì” đảo thì đó vừa là sự lạ, vừa có cái gì đó huyền bí, linh thiêng.

Không lạ, không thiêng sao được khi giữa mênh mang biển trời, giữa cái phần nổi thành điểm đảo quanh năm đong sóng, hứng gió, thì cái lườn cát hóa rồng cứ Xuân Thu nhị kỳ xuất hiện vần quanh nhà đảo như theo chiều cánh quạt gió, để rồi định kỳ đầu năm “rồng” duỗi mình từ chân nhà đảo theo hướng Đông Nam, cuối năm, vào thời điểm trước thềm năm mới, lườn cát lại trở đầu, phục mình hướng về phương Tây - Bắc mà hóa “rồng”, năm này qua năm khác cứ vậy, không bao giờ khác.

 “Bạch Long” cuộn đảo Song Tử Tây.
  “Bạch Long” cuộn đảo Song Tử Tây.

Và cũng không riêng gì Len Dao, lần lượt những chuyến đi tiếp theo đến các đảo trong toàn bộ quần đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tôi đã có trong bộ sưu tập của mình hàng chục doi cát hình rồng, dáng hổ quần tụ quanh đảo, mà theo quan niệm phong thủy, thì chỉ nơi thế đất, thế nước hội phong, tích thủy, tích tụ nguyên khí của đất trời. Và hiểu theo luật phong thủy đó, với một thế đất, thế nước nơi nào cũng tụ nguyên khí với đủ điều kiện cho khí và nước vận hành theo chiều thuận lợi cho đảo hóa hổ, biển cát hóa rồng như kể trên thì toàn bộ tuyến đảo quây quần trong huyện đảo Trường Sa thực sự tạo thành một thể quần long hội tụ.

Vâng, từng đã có một Hà Nội hội tụ được đầy đủ các dòng nguyên khí từ trên trời xuống, từ bên ngoài vào, từ các dòng sông chuyển tới, trở thành tâm đỉnh của cuộc đất Việt Nam với địa linh và vượng khí trường tồn, thì ngay trên hầu khắp tuyến biển đảo phên dậu của Tổ quốc, các thế hệ người Việt Nam trong hành trình hướng biển muôn đời cũng đang sở hữu một vùng biển đảo “tích phong, tụ thủy” mà hội tụ quan yếu của bốn phương, mãi mãi muôn đời xứng với tuyến đảo chắn sóng của Tổ quốc.

Chuyện rồng kể trước giêng hai

Góp vui cũng được một vài trang Xuân.

Viết trên thềm Xuân Nhâm Thìn 2012

LÊ BÁ DƯƠNG