Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn coi trọng tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn coi trọng tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển chiếm 55 - 60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65 - 70%, doanh thu từ du lịch biển đạt 7.000 tỷ đồng… Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Khánh Hòa xác định sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính gồm: Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu biển, kinh tế du lịch biển - đảo, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
. Biến tiềm năng thành lợi thế
Khánh Hòa là tỉnh nằm gần đường hàng hải quốc tế, có nhiều vịnh nước sâu như: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, với gần 100 đảo lớn, nhỏ gần bờ nên rất có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa luôn coi trọng tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển. Theo đó, ngoài những ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ hiện đại như: Trung chuyển dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt xa bờ, du lịch biển, khoa học môi trường, khí tượng thủy văn và các dịch vụ chiến lược biển… Toàn tỉnh hiện có 5 thương cảng gồm: Vân Phong, Đầm Môn, Hòn Khói, Nha Trang và Cam Ranh. Trong đó, Cảng Nha Trang phục vụ chuyên chở hành khách và vận tải hàng hóa; Cảng Đầm Môn chuyên xuất cát; Cảng Hòn Khói chuyên xuất khẩu muối, kết hợp với cảng hàng hóa; Cảng Cam Ranh vận chuyển các loại hàng hóa… Đặc biệt, khi đến giai đoạn khai thác tiềm năng, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 17.000 TEU; lượng hàng thông qua cảng khoảng 14,5 - 17 triệu TEU/năm. Trong tương lai, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ trở thành một thành phố du lịch cảng, trung tâm phân phối hàng hóa cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với một cảng trung chuyển container quốc tế. Để sử dụng và khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy mọi nguồn lực quý giá của vùng vịnh nước sâu này, phía Bắc vịnh Vân Phong sẽ được đầu tư tập trung phát triển du lịch biển ở khu vực Đại Lãnh; cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, trung tâm thương mại - tài chính và khu dân cư phát triển tại bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn. Phía Nam vịnh Vân Phong, khu đô thị bao gồm các khu: Dốc Lết, Ninh Thủy, Ninh Phước gắn kết với các phường thuộc thị xã Ninh Hòa với tính chất là đô thị du lịch, dịch vụ, giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề và công nghiệp. 2 khu đô thị quy hoạch trên vịnh Vân Phong (phía Bắc và Nam Vân Phong) đều được chú trọng cho du lịch biển.
Giao thông, cảng biển là ưu thế mạnh của kinh tế biển Khánh Hòa. |
Những năm gần đây, Khánh Hòa là tỉnh phát triển khá hoàn chỉnh với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó mạnh nhất vẫn là du lịch biển. Dọc bờ biển Khánh Hòa đã hình thành những khu du lịch lớn, cao cấp như: Khu du lịch Ninh Vân, Vân Phong, Hòn Tre, Hòn Tằm, Sông Lô…; các điểm du lịch biển đảo như: Trí Nguyên, Hòn Mun, Hòn Lao… đang ngày càng phát triển, góp phần đưa Du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ được quan tâm đầu tư nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng, ngành Du lịch Khánh Hòa có mức tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 15%; tỷ trọng ngành Du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đến nay đã hơn 45,5%. Năm 2011, doanh thu du lịch Khánh Hòa ước đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2010; với 2,15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế có 440.000 lượt.
Ngoài ra, nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản đang là thế mạnh của Khánh Hòa trong những năm gần đây. Toàn tỉnh có hơn 10.100 tàu, thuyền lắp máy, trong đó có gần 500 tàu có công suất 100CV trở lên có khả năng đánh bắt dài ngày trên biển. Đặc biệt, với 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, Khánh Hòa đang là tỉnh đứng thứ 4 của cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt hơn 310 triệu USD. Ngoài ra, Khánh Hòa còn là trung tâm cung cấp tôm post giống cho cả nước, mỗi năm sản xuất 3,5 tỷ con tôm giống. Toàn tỉnh có gần 5.000ha đìa nuôi trồng thủy sản, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha; có gần 30.000 ô lồng nuôi tôm hùm với sản lượng bình quân 1.500 tấn/năm.
. Tạo bước đột phá
Biển đảo sẽ tạo ra sản phẩm du lịch nổi tiếng của Khánh Hòa. |
Để thu hút mạnh đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước, Khánh Hòa phải có một chiến lược toàn diện về chương trình phát triển kinh tế biển. Chiến lược xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy nhanh quá trình hoạt động kinh tế biển gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta. Trước hết, đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, củng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các khu vực biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển… sẽ là các nội dung quan trọng của Chiến lược biển. Mặt khác, tỉnh cần tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tỉnh lân cận nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm thiểu các xung đột lợi ích; phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển. Ngoài ra, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra những lợi thế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển.
Song song với đó, Khánh Hòa cần tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển với tầm nhìn lâu dài. Bên cạnh hoàn chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn dải ven biển, cần tập trung phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch, nuôi trồng và đánh bắt hải sản; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; kết hợp chặt chẽ giữa du lịch biển với du lịch núi và du lịch di tích, danh thắng; xây dựng, tôn tạo các điểm du lịch tham quan trong đất liền và trên các đảo trong khu vực. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng và tu bổ, khai thác các danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo của từng địa phương. Mặt khác, khi đầu tư khai thác những lợi thế kinh tế biển cần lựa chọn đề án thích hợp, tránh sự chồng chéo, đầu tư manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực để đủ sức thu hút đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, đảm bảo đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.
ANH TUẤN
Hiện nay, Khánh Hòa đang phát triển 3 khu vực tập trung các dịch vụ du lịch dọc bờ biển gồm: Cụm TP. Nha Trang và phụ cận; cụm TP. Cam Ranh và khu đô thị Cam Lâm cùng các vùng phụ cận; cụm khu vực Dốc Lết, vịnh Vân Phong. Tỉnh đang tập trung các điều kiện và tăng cường tổ chức những sự kiện văn hóa lớn; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các bãi đỗ xe, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí… tạo điểm đến cho khách du lịch; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện tốt những dự án phát triển du lịch tại Nha Trang, Vân Phong, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và các khu vực khác trên địa bàn.