12:01, 24/01/2012

Tầm vóc Vân Phong

Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vị trí địa lý, Khu Kinh tế Vân Phong được đánh giá là có tiềm năng cao trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước.

Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vị trí địa lý, Khu Kinh tế Vân Phong được đánh giá là có tiềm năng cao trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước. Khu Kinh tế này phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Khánh Hòa, Nam Trung bộ và cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Nam Trung bộ với các khu vực khác. Để trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực Nam Trung bộ, Vân Phong đang cần nguồn vốn đầu tư lớn, tương xứng.

.  Vân Phong đã “thức giấc”

Những năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong dần dần khẳng định mình khi có nhiều dự án mang tính đột phá đăng ký đầu tư. Tính đến nay, khu kinh tế này đã có 109 dự án với tổng vốn đăng ký tương đương 14,24 tỷ USD, trong đó, 40 dự án đã đi vào hoạt động (bao gồm 21 dự án trước khi thành lập khu kinh tế) với vốn thực hiện tương đương 365 triệu USD, 13 dự án đang đầu tư xây dựng với vốn đăng ký tương đương 719 triệu USD, 33 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với vốn đăng ký tương đương 1,78 tỷ USD, 23 dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đăng ký tương đương 11,37 tỷ USD. Khu Kinh tế Vân Phong đã được đánh thức; đây chính là khu kinh tế động lực trong 15 khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

 Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong đi vào hoạt động rất phù hợp với định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030.
  Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong đi vào hoạt động rất phù hợp với định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030.

Nhìn lại quá trình “chuyển mình” của Vân Phong kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế này (năm 2006) mới thấy nỗ lực của Khánh Hòa trong việc mời gọi đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, có tính động lực cho phát triển kinh tế Nam Trung bộ và cả nước, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đầu tư như: Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động (vốn đầu tư 6.117 tỷ đồng), Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong (vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD), Trung tâm Điện lực Vân Phong 1 (vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD), Căn cứ Dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong (vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD)… Nhìn rộng ra, càng thấy tầm quan trọng của Khu Kinh tế Vân Phong với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trong hơn 7 năm (từ năm 2002 đến 2009), Chính phủ đã có những quyết định điều chỉnh chiến lược cho khu kinh tế này theo hướng nâng cao tầm vóc, vị thế để phù hợp với điều kiện thuận lợi ở Vân Phong. Năm 2002, Chính phủ xác định đây là “Khu kinh tế tổng hợp đa ngành gồm du lịch, dịch vụ, cảng, công nghiệp, nuôi trồng hải sản, trong đó du lịch, dịch vụ giữ vai trò chủ đạo”. Năm 2006, Vân Phong được xác định là “Khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng các khu đô thị”. Bước đột phá cho Vân Phong là năm 2009, Chính phủ quyết định mục tiêu phát triển Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030 là “Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo; kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác”. Những điều chỉnh đó từng bước tạo cơ hội đầu tư cho các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đón đầu, nắm bắt thời cơ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

.  Vốn lớn định “hình hài”

Mặc dù khoảng 3 năm trở lại đây, khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã phần nào làm tiến độ các dự án động lực ở Vân Phong chậm lại so với kế hoạch; song, các chủ đầu tư vẫn rất quyết tâm triển khai dự án tại vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” này. Số vốn đăng ký 14,24 tỷ USD mà các nhà đầu tư đưa vào Vân Phong không hề nhỏ so với hoạt động thu hút đầu tư tại miền Trung. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong: Các khu kinh tế biển ở Việt Nam chỉ có Vân Phong (Khánh Hòa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh) là cửa mở ra biển. Vì vậy, cần nâng tầm để đánh giá đúng lợi thế của Vân Phong… Được biết, hiện chỉ có Khu Kinh tế Vân Phong là một trong rất ít khu kinh tế trong cả nước có nghị quyết chuyên đề phát triển. Tranh thủ lợi thế biển để phát triển khu kinh tế là việc cần làm ngay, nhất là trong điều kiện không phải tỉnh nào cũng có được lợi thế này. Hiện nay, các dự án động lực đang khởi động chậm do nhiều nguyên nhân. Dự án Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng để điều chỉnh quy mô tiếp nhận tàu từ 9.000 TEU lên 12.000-15.000 TEU, dự kiến đầu năm 2012 tiếp tục đầu tư xây dựng. Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong đang đàm phán với đối tác nước ngoài. Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong 1 đang đàm phán hợp đồng BOT. Một số dự án đăng ký đầu tư quy mô lớn, chưa phù hợp với quy hoạch đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư…

Trong khi chờ những dự án động lực triển khai, trước mắt, Khánh Hòa hướng tới hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết cho khu kinh tế, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư. Tại cuộc họp cuối năm 2011, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư. Và UBND tỉnh đã có những định hướng mới, tập trung xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu dự án.

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu Kinh tế Vân Phong là nhiệm vụ quan trọng để thu hút đầu tư, năm 2009, Ban chỉ đạo phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch huy động vốn thực hiện danh mục các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại khu kinh tế đến năm 2015 với 30 công trình, tổng kinh phí đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm qua, các dự án đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách. Khoảng 761 tỷ đồng vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương bố trí cho các dự án hạ tầng cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu kinh tế. Vì vậy, giai đoạn 2011 - 2015, ngoài vốn ngân sách Trung ương và địa phương theo chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, việc đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế sẽ huy động theo hình thức BT, BOT, công tư PPP và tiếp cận nguồn vốn ODA. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao tính khả thi của các dự án đầu tư tại Vân Phong. Đặc biệt, việc triển khai những dự án động lực sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác của tỉnh và khu vực, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, một mặt tích cực làm việc và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, có tính động lực tại khu kinh tế thuộc thẩm quyền của Trung ương. Tỉnh cũng chủ động xem xét, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù đối với thủ tục đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng chung của Khu Kinh tế Vân Phong…  

Từ nay đến năm 2015, việc hoàn thành 30 công trình cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng đòi hỏi nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân. Với các hình thức huy động vốn đầu tư, có thể kỳ vọng, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ từng bước khởi sắc như định hướng của Chính phủ đến năm 2030.

ĐẠI HẢI