05:01, 24/01/2012

“Phù thủy” gỗ lũa

Anh được mệnh danh là “phù thủy” gỗ lũa, bởi qua tay anh, những gốc cây khô tưởng như bỏ đi, bỗng biến thành những tác phẩm điêu khắc đẹp đến bất ngờ… Anh là “nghệ nhân” Vũ Văn Công ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang).

Anh được mệnh danh là “phù thủy” gỗ lũa, bởi qua tay anh, những gốc cây khô tưởng như bỏ đi, bỗng biến thành những tác phẩm điêu khắc đẹp đến bất ngờ… Anh là “nghệ nhân” Vũ Văn Công ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang).

. Duyên nghiệp

Xưởng mộc của anh Công luôn có tiếng lách cách đục đẽo những gốc cây khô, nghe rất vui tai. Anh cho biết: “Tôi mới sưu tầm được một gốc Sao Xanh, nhưng chưa biết tạo hình nào cho phù hợp. Đã 3 ngày 3 đêm rồi mà tôi vẫn chưa nghĩ ra. Để cho ra đời một tác phẩm đẹp, mang tính nghệ thuật cao và phù hợp với thời thượng không phải ngày một ngày hai là hoàn thành. Có những tác phẩm, tôi phải nghĩ cả tháng trời mới ra được hình dáng…”.

1
Mỗi ngày được cầm đục để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật là niềm vui của anh Công.

Xuất thân từ một gia đình nông dân ở Ý Yên (tỉnh Nam Định), lại yêu mỹ thuật, mê những hình thù kỳ lạ của gốc, rễ cây khô, anh Công đã trở thành “tín đồ” của loại hình nghệ thuật độc đáo này từ nhỏ. Anh cho biết: “Lúc nhỏ, tôi đi học một buổi, còn một buổi ở nhà đục gỗ thuê. Khi lớn lên, tôi thi đỗ vào Khoa Xã hội nhân văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, tôi lại vào làm cho một công ty du lịch. Vì đồng lương ít ỏi, năm 1998, tôi bỏ nghề vào TP. Hồ Chí Minh cùng người em thứ. Nhưng tôi thấy mình không hợp với đất Sài Thành. Rồi hai anh em quyết định quay ra Khánh Hòa tìm cơ may lập nghiệp. Ngay từ những ngày đầu ở Khánh Hòa, tôi đã thích mảnh đất này và hai anh em quyết định lập nghiệp bằng nghề mộc ở đây…”. Cũng theo anh Công, thời đó, ở Khánh Hòa, nghề làm gỗ lũa chưa được ai khai thác. Có rất nhiều gốc cây độc đáo bị người dân bỏ phí hoặc làm củi đốt. Thấy địa phương có nhiều gốc gỗ lũa, anh Công tự hỏi, tại sao mình không tạo ra một cái gì đó “mang tính nghệ thuật” từ những gốc cây vốn để làm củi này? Rồi đời sống vật chất của người dân dần được nâng cao, xu hướng chơi gỗ lũa cũng dần phát triển mạnh. Thế là anh bèn đi khắp nơi sưu tầm và tìm mua các gốc cây khô để tạo dáng, tạo hình, từ các con vật, đến những đồ dùng nhỏ như: bình đựng tăm, bình hoa, bình hương… “Những sản phẩm đầu tay đều không mang giá trị nghệ thuật cao, chủ yếu dùng trong gia đình và tặng bạn bè, người quen”, anh Công tự đánh giá.

. “Đánh thức” những gốc cây khô

2
“Nghệ nhân” Vũ Văn Công và một số tác phẩm do anh tạo ra.

Để nâng cao tay nghề, anh không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm. Hễ nghe ở đâu có người đang đốn cây là anh tìm đến xem và hỏi mua bằng được phần gốc, rồi thuê nhân công tới đào, đem về và biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trong đó, phải kể tới những tác phẩm như: Chốn Phật tiên, Đức Phật cưỡi rồng, bộ bàn ghế 12 con giáp, ông Thần Tài, ông Thọ, tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Âm Bồ Tát…

Nhâm nhi ly trà nóng, anh Công hào hứng kể: “Làm nghề này phải có con mắt tinh tường, có cái tâm và niềm đam mê. Khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ là nguyên tắc của nghề đục chạm. Cái khó là từ một gốc cây thô, mình phải nhìn, phải định hình từng chi tiết phù hợp với thế gì, con gì. Muốn tạo một bức tượng phải hiểu được cái tâm, tính cách của nhân vật. Để cho ra đời một tác phẩm tâm đắc, đổi lấy cái gật đầu ưng ý của khách hàng, người cầm đục phải ấp ủ rất nhiều”. Để có một tác phẩm hoàn thiện, nhiều khi anh phải bỏ ra vài ba tháng, thậm chí cả năm để suy tưởng, xoay chiều, đảo thế, phát hiện từng đường vòng, nét lượn của gốc, rễ cây… Gần 15 năm làm nghề gỗ lũa, anh Công có rất nhiều kinh nghiệm. “Tốc độ đục chạm cũng phụ thuộc vào chất gỗ rắn hay mềm, góc độ lắt léo, đường nét của hình thù ý tưởng…” - anh Công chia sẻ. Tác phẩm gỗ lũa chỉ có giá trị khi nó ở dạng nguyên gốc cây ban đầu. Khi chúng bị chắp nối thì tác phẩm trở nên vô hồn và không còn giá trị nghệ thuật. Màu sắc của những sản phẩm này là màu vàng, nâu cánh gián hoặc đen sẫm, gợi lên màu thời gian và mang lại cho người xem một cảm giác chắc bền. Mỗi gốc cây vô hồn, qua bàn tay tài hoa của “nghệ nhân” Vũ Văn Công đã thành những tác phẩm mang dấu ấn riêng, khiến khách hàng không thể không khen ngợi. Với bàn tay tài hoa ấy, từ năm 2005 đến 2008, anh Công được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng cúp “Bàn tay vàng”.

…Nhất thân vinh

3
Bộ bàn ghế được làm từ gốc và rễ cây khô.

Gần 15 năm sống với nghề nhưng anh Công chưa một ngày nản với công việc. Hiện nay, các sản phẩm của anh làm ra rất được khách hàng ưa chuộng. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều người còn đặt hàng anh trước hàng tháng trời. Với mức giá từ 200 ngàn đồng đến 100 triệu đồng/sản phẩm (tùy loại), xưởng sản xuất của anh thường xuyên tạo việc làm cho 5 - 10 lao động, mỗi lao động lành nghề thu nhập từ 5 - 25 triệu đồng/tháng (ăn, ở miễn phí). Ngoài ra, anh còn dạy nghề cho những ai đam mê, yêu thích nghề. Từ ngày lập xưởng sản xuất đến nay, anh Công cũng đã đào tạo nghề có trả lương cho hơn 10 lao động. Đa số những lao động này đã lành nghề, đều tự lập xưởng riêng hoặc đi làm thuê nơi khác. Với nghề gỗ lũa, hàng năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.

VĂN GIANG