Năm 2011, Khánh Hòa đã có những bước đột phá trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI. Trên chặng đường thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, Khánh Hòa đang có những nỗ lực và mục tiêu mới.
Năm 2011, Khánh Hòa đã có những bước đột phá trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI. Trên chặng đường thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, Khánh Hòa đang có những nỗ lực và mục tiêu mới. Đây cũng là cơ sở để địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Nhân dịp đón Xuân Nhâm Thìn 2012, Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- P.V: Xin ông cho biết những thành công nổi bật của địa phương trong năm 2011?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Năm qua, tuy bị tác động của lạm phát trong những tháng đầu năm, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực và đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. GDP tiếp tục tăng cao, các chỉ tiêu về kinh tế đều tăng so với năm 2010. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 13,5%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 850 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 760 triệu USD)… Tỉnh đã tổ chức thành công Festival Biển năm 2011, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, tiếp tục khẳng định Khánh Hòa là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã góp phần tăng cường sức mạnh của chính quyền các cấp và khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân.
- P.V: Thưa ông, năm qua, tuy Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, nhưng vẫn còn đó nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Ông nhìn nhận như thế nào về những chỉ tiêu mà địa phương chưa hoàn thành?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Bước vào năm 2011, khó khăn và thách thức trong nước đều lớn hơn so với dự báo. Chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã đem lại những thành tựu quan trọng; tuy nhiên cũng làm phát sinh một số hệ quả tiêu cực. Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 ước tăng 11,5% so với năm 2010, nhưng ở đây không tính thuế nhập khẩu dầu. Nếu tính thuế nhập khẩu dầu thì khả năng tăng trưởng GDP ước đạt chỉ khoảng 9% so với năm 2010 (Nghị quyết HĐND tỉnh là 12%). Hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định (tăng 14,5%), nhưng tốc độ tăng giá trị dịch vụ, du lịch không đạt kế hoạch (kế hoạch tăng 15%). Tuy tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng cao, nhưng do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, chỉ số giá cả tăng cao đã hạn chế tốc độ tăng giá trị dịch vụ, du lịch. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng ổn định (tăng khoảng 2,5%) nhưng không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 3,5%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không đạt kế hoạch (ước đạt khoảng 8.215 tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán Trung ương và 93,2% dự toán địa phương). Tuy thu nội địa vượt dự toán nhưng thu xuất nhập khẩu ước đạt 2.150 tỷ đồng, chỉ bằng 63,2% dự toán, do chính sách giảm thuế nhập khẩu dầu trong những tháng đầu năm 2011, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 360 tỷ đồng, chỉ bằng 59% dự toán và bằng 50% so với năm 2010. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.200 tỷ đồng, bằng 93%, không đạt kế hoạch đề ra. Trong năm, vốn đầu tư tăng chủ yếu từ các dự án của doanh nghiệp ngoài quốc doanh và một số dự án nước ngoài đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, vốn thực hiện đạt thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Mặt khác, do chủ trương thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại… nên hạn chế khả năng đầu tư vốn vào các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các nhà đầu tư giãn tiến độ hoặc tạm dừng dự án để hạn chế rủi ro trong kinh doanh; hoạt động đầu tư xây dựng tăng trưởng chậm lại.
- P.V: Hiện nay, việc thu hút vốn cũng như triển khai các dự án đầu tư ở Khu Kinh tế Vân Phong vẫn còn chậm. Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện các dự án tại Khu Kinh tế này?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Đến nay, Khu Kinh tế này đã thu hút 109 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư tương đương 14,24 tỷ USD, trong đó có 40 dự án đã đi vào hoạt động (bao gồm 21 dự án trước khi thành lập Khu Kinh tế) với vốn thực hiện tương đương 365 triệu USD, 13 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với vốn đăng ký đầu tư tương đương 719 triệu USD, 33 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với vốn đăng ký tương đương 1,78 tỷ USD, 23 dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn đăng ký đầu tư tương đương 11,37 tỷ USD. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn, có tính động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư như: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động có vốn đầu tư 6.117 tỷ đồng, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong có vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD, Trung tâm Điện lực Vân Phong 1 có vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD…
Quá trình triển khai thực hiện các dự án, kể cả các dự án mang tính động lực của Khu kinh tế còn chậm so với tiến độ đề ra. Điển hình như: Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng để điều chỉnh quy mô, dự kiến đầu năm 2012 tiếp tục đầu tư xây dựng; Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong đang thực hiện công tác đàm phán với đối tác nước ngoài; Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong 1 đang thực hiện đàm phán hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)… Việc các dự án thực hiện chậm tiến độ trong thời gian qua tại Khu Kinh tế Vân Phong có ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, tài chính trên phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn như năm 2009, do ảnh hưởng về vấn đề này, Tập đoàn SXT - Hàn Quốc không có khả năng về tài chính để thực hiện Dự án Nhà máy đóng tàu STX (vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD) tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa nên đã bị thu hồi giấy phép đầu tư. Các dự án đăng ký đầu tư có quy mô lớn chưa phù hợp với quy hoạch nên phải thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư. Quá trình xin chủ trương mất nhiều thời gian đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm do có thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ, giải tỏa và tái định cư…
Với điều kiện về địa kinh tế và chính sách của Nhà nước đối với Khu Kinh tế, tôi đánh giá cao về tính khả thi của các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Vân Phong. Đặc biệt, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án động lực sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác của tỉnh và khu vực, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, Cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp, một mặt tích cực làm việc và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, có tính động lực tại Khu Kinh tế thuộc thẩm quyền của Trung ương; mặt khác, chỉ đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các cơ quan chức năng thuộc tỉnh đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ cam kết, đồng thời rà soát, cương quyết thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án không bảo đảm tiến độ đã được cấp phép.
- P.V: Theo ông, tỉnh có giải pháp gì để huy động nguồn vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Vân Phong?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu Kinh tế Vân Phong là một nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển Khu Kinh tế. Thực hiện chủ trương này, năm 2009, Ban chỉ đạo phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại Khu Kinh tế đến năm 2015 với 30 công trình, tổng kinh phí đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Những năm qua, các dự án đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Đến nay, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã bố trí cho các dự án hạ tầng khoảng 761 tỷ đồng. Nguồn vốn này chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội của Khu Kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 4-4-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2011 - 2015, ngoài vốn được bố trí từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế này đã được UBND tỉnh chỉ đạo huy động vốn thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, huy động nguồn vốn ngân sách như hợp tác công - tư (PPP - Public Private Partnerships). Điển hình như Dự án Hệ thống cấp nước Nam Vân Phong, Bắc Vân Phong với vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho đầu tư theo theo hình thức BT chuyển từ nguồn quỹ đất trong và ngoài Khu Kinh tế.
Ngoài ra, nghiên cứu chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, UBND tỉnh đã chuẩn bị các giải pháp về huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng cho giai đoạn 2012 - 2015, trong đó đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ hình thức BT, PPP. Mặt khác, tỉnh chủ động xem xét giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù đối với thủ tục đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng chung của Khu Kinh tế này.
- P.V: Hiện nay, tỉnh đang quyết liệt tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông đánh giá như thế nào về giai đoạn đầu thực hiện xây dựng chương trình này?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Có thể nói, trong suốt thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương. Nhờ vậy, bước đầu, Chương trình này đã đạt được một số kết quả cơ bản để làm cơ sở thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Tính đến nay, Chương trình đã lập xong đề án của 94 xã, 6 phường, 8 huyện, thị xã, thành phố và 1 đề án cấp tỉnh. Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa V, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được thông qua và ra Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 22-7-2011. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2012 hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đến năm 2015, toàn tỉnh có 20 xã (20% số xã trong toàn tỉnh) đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tiếp đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 17-10-2011 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan hoàn chỉnh các văn bản về việc thành lập Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Khánh Hòa; Quy chế hoạt động của Văn phòng điều phối; tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đốc thúc, phối hợp cùng đơn vị tư vấn làm việc với UBND các huyện để hoàn chỉnh đề án các cấp, trình phê duyệt; kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới, đồng thời tổng hợp báo cáo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư (4 tỷ đồng/xã) của các địa phương để UBND tỉnh nắm rõ, có kế hoạch chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của tỉnh khi triển khai Chương trình là kinh phí thực hiện. Tổng kinh phí của Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 là 5.739 tỷ đồng, đây là con số rất lớn. Trong khi đó, Khánh Hòa thuộc 1/13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự túc ngân sách nên không được phân bổ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới từ Trung ương; do vậy, tỉnh phải tự cân đối nguồn vốn.
Trước mắt, trong năm 2012, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành 100% quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã làm cơ sở để thực hiện các dự án hạ tầng trong chương trình nông thôn mới, bên cạnh đó là việc đầu tư dứt điểm các công trình chuyển tiếp từ các năm trước.
- P.V: Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Theo ông, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định trong năm 2012?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng: Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của năm 2012 là phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, ngăn chặn tình trạng lạm phát trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2016). Vì vậy, năm 2012, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về triển khai quyết liệt các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội năm 2012. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả, các dự án trọng điểm của tỉnh để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; xây dựng cơ chế quản lý đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện các hình thức đầu tư theo cơ chế BOT, BT, BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), PPP… nhằm huy động thêm nguồn lực cho phát triển hạ tầng có quy mô lớn, tạo bước đột phá cho các năm sau.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát, đôn đốc thực hiện công tác định giá đất đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao đất để có cơ sở tiến hành thu thuế đất đối với các dự án này; tiếp tục phát triển quy mô đào tạo ở tất cả các cấp, chú trọng phát triển quy mô đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng; triển khai chương trình phát triển nhân lực cho các ngành kinh tế - xã hội chủ yếu và các khu vực kinh tế trọng điểm…
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường; giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường ở khu vực các nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ công chức; tăng cường tính công khai minh bạch chính sách, quy định hiện hành trên các lĩnh vực để mọi người dân có thể tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình hành động chống tham nhũng đi đôi với cuộc vận động toàn dân, các cấp, ngành, đoàn thể tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng phát triển kinh tế kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc; tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trấn áp các loại tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội…
- P.V: Xin cảm ơn ông!
HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)