08:01, 24/01/2012

Lên núi... mở nhà hàng

Có ai ngờ một phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại dám rời bỏ chốn “phồn hoa thị thành” để lên rừng tạo dựng trang trại. Đặc biệt hơn, ở nơi núi rừng heo hút ấy, người phụ nữ ấy đã dám mở nhà hàng,....

Có ai ngờ một phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại dám rời bỏ chốn “phồn hoa thị thành” để lên rừng tạo dựng trang trại. Đặc biệt hơn, ở nơi núi rừng heo hút ấy, người phụ nữ ấy đã dám mở nhà hàng, phô diễn tài ẩm thực, thu hút du khách. Người phụ nữ ấy là Hồ Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống vật nuôi quý hiếm Khánh Phương.

. Lối rẽ

Theo chỉ dẫn, chúng tôi vượt qua con dốc trên đường nối xã Khánh Bình với Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) và dễ dàng nhận thấy tấm biển màu cam đề tên “Nhà hàng Khánh Phương” nép mình ven đường. Đây cũng là “tổng hành dinh” của trại nuôi heo rừng lai lớn nhất nhì tỉnh và nhà hàng độc đáo giữa rừng.

Khách tham quan trang trại.
Khách tham quan trang trại.

Giữa nhà hàng nơi đầu núi, chị bộc bạch về mình: Là một trong số ít học viên khóa Trung cấp đầu tiên của ngành In sau ngày đất nước giải phóng, tốt nghiệp, chị về công tác tại Nhà in Báo Khánh Hòa. Sau đó, tách tỉnh, chị được điều về Phú Yên. Điều kiện gia đình không cho phép, con nhỏ, chị đành nghỉ việc và về lại Nha Trang. Về nhà, không biết làm gì ngoài chuyên môn nghề in, chị nhận hàng về gia công. Lâu ngày, chị nghĩ ngay đến chuyện đầu tư máy móc. Nhưng lấy tiền đâu ra? Một mình lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh tìm thiết bị rẻ tiền thay thế, thật may khi không biết có phải nhờ duyên ăn nói mà chị đã làm “mềm lòng” ông chủ bán máy móc, vật liệu ngành in đồng ý cho chị mua máy với phương thức trả chậm. Có máy móc, chị sản xuất được sản phẩm tốt và khách hàng tin tưởng đặt hàng. “Ăn nên làm ra”, chị mua cả thiết bị in offset. Có lúc xưởng của chị thuê tới 30 công nhân, làm việc liên tục ngày đêm. 8 năm sau, chị giao xưởng in cho con gái và lui về ở “ẩn”.

Tuy là cư dân thị thành, quen tác phong công nghiệp nhưng niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt ngay từ thuở bé khiến chị không chấp nhận cảnh sống an nhàn mà thích phiêu lưu, mạo hiểm. Thế là chị chuyển sang mua đất, gây dựng trang trại. Chẳng bao lâu, một trang trại xinh xắn xuất hiện nơi đầu núi. Đây cũng là thời kỳ chăn nuôi CP phát triển. Chị Phương bỏ vốn đầu tư nuôi heo công nghiệp, xây dựng trại nuôi, sử dụng máng ăn, nước uống tự động… 2 năm theo đuổi nghề nuôi heo công nghiệp, chị thắng lớn, lãi ròng 200 triệu đồng và phấn khởi mở rộng đầu tư. Nhưng sự đời không suôn sẻ, “cơn bão” heo tai xanh ập đến đem theo bao tai họa. Chị lao đao với bao đêm thức trắng. Tuy trại heo nằm xa ổ dịch nhưng “đầu ra” bế tắc, việc buôn bán cũng vì thế rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Một ngày không làm ra đồng nào nhưng phải lo “cái ăn” cho đàn heo 300 con (3 triệu đồng tiền thức ăn); không bán được heo, không có tiền, thiếu trước hụt sau. Đã có lúc chị tính bỏ nghề, dẹp trại. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, chị nghĩ ra được cách hay, đó là mổ thịt đem đi cấp đông rồi cung cấp cho thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, chị vay được tiền, gồng mình qua cơn khốn khó. Rồi lệnh công bố hết dịch cũng được ban bố. Sau dịch, giá heo bỗng tăng vùn vụt, chị bán heo trả dứt nợ, còn lãi 300 triệu đồng.

. Trang trại, nhà hàng giữa rừng

Trang trại heo rừng lai của chị giờ vẫn còn đó dấu tích xưa với nền chuồng, mái che sử dụng vật liệu cũ với máng ăn, nước uống tự động, có khác là heo siêu nạc được thay thế bằng heo rừng lai. Điều chúng tôi ngạc nhiên là số lượng heo rừng lai ở đây rất lớn, lên tới cả nghìn con. Tuy vậy, đàn heo vẫn được chăm sóc kỹ bởi có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Điều đặc biệt là công nhân không cần tắm và vệ sinh cho heo, bởi chuồng trại đã sử dụng rộng rãi chất độn lót sinh thái. Heo con, heo lứa, heo sinh sản được nuôi tách bạch trong không gian riêng, điều này giúp việc chăn nuôi thuận tiện hơn. “Heo rừng lai nhiều mỡ sẽ khó xuất bán, vì vậy thức ăn “đầu vào” rất quan trọng. Giai đoạn heo còn nhỏ, cần chăm sóc, cho ăn như heo nhà: giàu tinh, ít xơ. Khi heo đạt trọng lượng 20kg (6-7 tháng) giảm dần thức ăn tinh, tăng rau, củ, quả, lúc này heo phát triển từ từ, không tăng cân nhanh. Đến khi heo đủ 12 tháng (30kg) thì đã có da dày, thịt chắc, cũng là lúc xuất bán được giá…” - chủ nhân trang trại tiết lộ bí quyết để heo rừng lai tăng cân.

Như tên gọi của Công ty, đến đây, khách tham quan còn được dịp chiêm ngưỡng nhiều loại thú lạ như: chồn, cầy hương, kỳ đà, gà ri… Ngoài ra, trang trại hôm nay đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây trái: dó bầu, mận An Phước, ổi không hạt, mít nghệ Thái Lan, xoài cát Hòa Lộc, chuối… Rừng dó bầu (5.000 cây) bạt ngàn, vài trăm cây đã được đánh số, cấy trầm. “Vừa rồi, tôi “khui” thử 4 cây, thu được 2 ký trầm (loại 6), bán 8 triệu đồng/ký. Sản xuất cấy trầm đang hứa hẹn nguồn thu cho trang trại thời gian tới…” - chị Phương tin tưởng.

Phút thư giãn hiếm có giữa bộn bề công việc của vị nữ chủ nhân trang trại.
Phút thư giãn hiếm có giữa bộn bề công việc của vị nữ chủ nhân trang trại.

Con đường vào trang trại nay được lát đá khang trang, ô tô có thể vào ra dễ dàng. Cuối con đường thấp thoáng mái lá của nhà hàng xinh xắn nép mình dưới tán cây. “Bạn bè lên đây chơi, thích thú cảnh nên thơ với món ăn quý hiếm nên ngỏ ý muốn tôi mở nhà hàng. Thấy đây cũng là dịp tốt để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nên tôi làm ngay. Được thưởng thức đặc sản tại chỗ, ngắm nhìn khung cảnh núi rừng thơ mộng xem như cách hòa mình với thiên nhiên hoang dã, còn gì thi vị hơn…” - chị lý giải sự ra đời của nhà hàng.

Khách đến nhà hàng của chị không chỉ có thể thưởng thức món thịt thú nuôi mà còn có hương vị dân dã của rừng. Đó là món gỏi rau má Thái trộn với trái ngái chua, xen lát chuối chát ăn vào thấy giòn, ngon, đậm đà. “Món này được gọi là món “quái đản” (món quán đãi), nguyên liệu có sẵn xung quanh đây, nhưng dùng được lắm đấy” - chị mời mọc. Không chỉ thưởng thức các món ngon, khách còn có thể tận hưởng không khí mát mẻ và phong cảnh hữu tình từ đồi cao. Chị Phương cho biết, tuy khai trương chưa lâu nhưng lượng khách đến cũng khá, thu nhập đủ trang trải các khoản chi phí. Chúng tôi biết chị còn khiêm tốn khi nói về thu nhập của mình. Với 350 triệu đồng/năm (riêng thu nhập từ nhà hàng là 30 triệu đồng/tháng) đủ thấy quyết tâm lập mô hình trang trại kết hợp nhà hàng của chị là không hề viển vông.

Tạm biệt trang trại heo rừng lai, tạm biệt nhà hàng thơ mộng giữa rừng, tạm biệt vị nữ chủ nhân giàu nghị lực, tôi mong một ngày trở lại, trang trại sẽ có những “đột phá” mới.

HOÀI AN