02:01, 23/01/2012

Làng trầm vào Xuân

Đã xa rồi cái cực nhọc, nguy hiểm của thời “đi điệu”, giờ đây làng trầm đã bước sang trang mới, chuyên chế biến trầm từ cây dó. Ở đó, người ta gặp những “ông chủ, bà chủ” bình dị,....

Đã xa rồi cái cực nhọc, nguy hiểm của thời “đi điệu”, giờ đây làng trầm đã bước sang trang mới, chuyên chế biến trầm từ cây dó. Ở đó, người ta gặp những “ông chủ, bà chủ” bình dị, hiền hòa nhưng khá giả và những người thợ cần mẫn suốt ngày bên miếng trầm. Làng trầm đã đem lại thịnh vượng cho làng quê, thu nhập cho nhà nông rỗi việc, và cũng chộn rộn mỗi khi Tết đến, Xuân về.

.  “Dấu ấn” trầm

Ngồi nói chuyện với tôi trong ngôi nhà đẹp thoảng mùi hương trầm quyến rũ, “ông chủ trầm” Ba Luận (Phú Hội 1, Vạn Thắng, Vạn Ninh) kể về cuộc đời mình: Lớn lên, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, ông vác gạo, mắm, cá khô… lên rừng “đi điệu”. Bao nỗi cực nhọc của dân điệu ông đã từng nếm trải: lội suối, băng rừng, ngủ rừng, nơm nớp lo thú dữ tấn công… Tuy gian khổ nhưng cũng như bao dân điệu khác, ông cũng nuôi hy vọng tìm được “lộc bà”. Bao năm vất vả nhưng cuối cùng ông chẳng thu hoạch được là bao. Khi Nhà nước cấm thu hàng trầm cũng là lúc ông “giải nghệ”. Bỏ nghề đi trầm, ông chuyển sang nuôi tôm sú. Những vụ đầu nuôi tốt, cuộc sống của gia đình ông khấm khá hơn. Nhưng rồi môi trường nuôi xấu dần, thua lỗ nặng, ông lại quay về nghề cũ, cũng làm trầm nhưng là thu mua, chế biến trầm từ cây dó. Công việc của ông ổn định từ đó. Đối với ông, trầm như máu thịt, không thể rời xa. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, giờ ông chỉ cần cầm miếng trầm là biết ngay phẩm cấp, hiếm khi phải thử…

Sản phẩm trầm tuy thô kệch nhưng là mặt hàng cao cấp
Sản phẩm trầm tuy thô kệch nhưng là mặt hàng cao cấp

Làng trầm bây giờ không chỉ có những “ông chủ” mà còn có nhiều “bà chủ” thành công. Bà Phạm Thị Thu (Phú Hội 1) cũng đi lên từ nghề trầm nhưng chưa một ngày lên rừng. “Tôi làm nghề này đã 20 năm, từ khi còn là một cô bé. Nói thiệt, nghề này ổn định và thoải mái lắm, làm lâu đâm ghiền, không làm thấy nhớ”, bà tâm sự.

Còn bà Huỳnh Thị Nhung (Phú Hội 1), tuy mới ngoài 40 tuổi nhưng đã có bề dày hơn 25 năm trong nghề. Nối nghiệp mẹ, những ngày đầu không có tiền bà phải đi thu gom trầm vụn. Khi đã có lưng vốn, bà thu mua nhiều hơn và tạo được bề thế như ngày nay. Nói về sức hấp dẫn của nghề trầm, bà Nhung không giấu được cảm xúc: “Một ngày không hít hương trầm tôi cảm thấy buồn như thiếu vắng cái gì đó rất khó tả. Làm nghề này, ai cũng cầu mong Trời, Phật phù hộ nên không thể gian dối, đánh mất chữ tín…”.

Nhìn cơ ngơi của những “ông chủ, bà chủ trầm”, tôi không khỏi ngưỡng mộ. Ngôi nhà của những người chủ trầm không thua kém gì biệt thự ngoài phố. Bà Nhung cho biết, mỗi năm nếu thuận lợi, thu nhập của bà có thể lên đến 300 - 400 triệu đồng.

. Làng trầm vào Xuân

Những ngày giáp Tết, không khí làng trầm càng thêm rộn ràng. Các điểm thu gom, chế biến nhộn nhịp hẳn. Người lao động ngồi “soi xỉa”, thương lái từ xa đến thu gom, những ông chủ, bà chủ trầm lăng xăng cân đong đo đếm bên những bao trầm đã phân loại sẵn. Làng trầm bây giờ cũng có nhiều sản phẩm: chủ yếu vẫn là trầm cấp 5, 6 lấy nguyên liệu từ cây dó trồng, một số mặt hàng khác như trầm mạch (cây trầm làm cảnh), một số loại trầm cao cấp hơn.

Mặt hàng trầm cảnh thu hút lao động có tay nghề cao
Mặt hàng trầm cảnh thu hút lao động có tay nghề cao

Ông Ba Luận cho rằng, trầm bây giờ được thương lái thu mua từ các vườn dó đã cấy trầm đem về thuê người soi xỉa, lựa ra loại trầm có dầu, chế biến rồi đem bán cho thương lái chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Phần lớn trầm dùng làm nhang thơm, kể cả những loại mua giá cao tới cả trăm triệu đồng vẫn dùng làm nhang nhưng loại cao cấp hơn. Một số chế biến mỹ nghệ như làm trầm mạch (trầm cảnh) bán đắt hơn. Những hàng trầm rục (hàng tử) lấy từ núi cao bây giờ rất hiếm. Hiện nguồn trầm từ thiên nhiên không còn nên nhiều người đã sang Malaysia để khai thác đưa về nước chế biến. Theo ông Ba Luận, buôn bán trầm cũng có lắm cái thú, nhiều khi “trúng” lớn nhờ thị trường, mua lúc rẻ nhưng bán được giá cao. Tuy nhiên, đối với những người như ông Luận, độ rủi ro không quá 5%.

Làng trầm nhộn nhịp không chỉ vào Xuân mà ngay ngày thường, làng cũng là nơi làm việc của hàng trăm lao động làng nghề. Một nữ thanh niên làm nghề tâm sự: “Tôi đã học hết lớp 12, yêu thích nghề này nên tới làm. Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100 ngàn đồng”. Có thể nói, làng trầm là “cái phao” của nhà nông rỗi việc, thanh niên chưa có việc làm. Người ta chưa thống kê có bao nhiêu làng trầm ở Vạn Ninh nhưng những làng trầm có tiếng phải kể đến là Phú Hội, Quảng Hội (Vạn Thắng) với danh xưng xưa là xóm Đồn và xóm Than. Cũng có một số làng khác như Trung Dõng (Vạn Bình) và Tân Mỹ (thị trấn Vạn Giã) làm trầm nhưng quy mô nhỏ hơn. Sự hiện diện của những làng trầm từ lâu như nét son tô điểm cho cuộc sống làng quê muôn màu muôn vẻ và càng rộn ràng hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về.

QUANG VIÊN