03:01, 24/01/2012

Kỳ thú câu cá ở Trường Sa

Trong những chuyến hải hành dài ngày ra thăm Trường Sa, câu cá đêm là một món quà mà các thủy thủ thường dành cho đoàn công tác sau những ngày đánh vật với sóng gió.

Trong những chuyến hải hành dài ngày ra thăm Trường Sa, câu cá đêm là một món quà mà các thủy thủ thường dành cho đoàn công tác sau những ngày đánh vật với sóng gió. Biển Trường Sa nhiều vùng nước nông, sâu với nhiều loại cá lớn đã làm mê đắm những người thích câu. Người câu giật cá đã tay, người không biết câu cũng thỏa thuê ngắm nhìn những màn đấu sức, đấu trí giữa các cần thủ với kình ngư. Trên boong, dưới sàn tàu và các ca bin, mọi người chuyện trò rôm rả như cảnh làng vào hội. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại niềm tự hào về sự “giàu có” của Trường Sa!

Cuối tháng 4-2007, tôi may mắn được ra thăm quần đảo Trường Sa. Lần ấy, sau khi đưa đoàn đại biểu và phóng viên báo chí đi thăm đảo chìm Núi Le, Đá Tây, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Sơn cho tàu HQ 996 thả neo tại vùng biển gần đảo Đá Tây để cả đoàn được thưởng thức một chuyến câu đêm.

. “Ngày hội” giữa trùng khơi

Tranh thủ lúc neo tàu, cánh lính buông câu.
Tranh thủ lúc neo tàu, cánh lính buông câu.

Sau bữa ăn tối, “trận địa” giăng câu được các thủy thủ và tổ bếp trên tàu triển khai nhanh chóng. Từ mạn tàu, một cụm đèn công suất khá lớn được chiếu thẳng xuống biển để tạo ngư trường. Các thành viên trong thủy thủ đoàn lục tục lôi “đồ nghề” là những bộ lưỡi câu, dây câu, máy và bát câu to tổ chảng để săn cá. Các anh lính tổ máy bừng bừng khí thế, anh tay vợt, anh xiên móc sắt lăm lăm sẵn sàng “chiến đấu”. Nhiều thành viên trong đoàn công tác cũng tranh thủ mượn câu để thử tài… Ca sĩ  Quang Long của Đoàn Văn công Hải quân vui vẻ nhận nhiệm vụ đứng vợt cá chuồn và mực để cung cấp mồi câu. Ban ngày, cá chuồn bay như chim, nhưng đêm đến, khi thấy ánh sáng là trở nên mê mị nên rất dễ trở thành mồi câu. Nhiều con cá chuồn say ánh sáng đèn, cứ bay thẳng vào thành tàu, để rồi một lúc sau nổi lềnh phềnh trên mặt nước vì bị choáng.

Đêm Trường Sa! Trăng thượng tuần cong và mảnh như một lưỡi liềm bằng bạc in trên bầu trời. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua mà chưa có con cá nào cắn câu. Mọi người tỏ ra sốt ruột. Đại tá Nguyễn Văn Liên (khi ấy là Phó Chỉ huy quân sự Vùng 4 Hải quân) mỉm cười nói: “Hãy kiên nhẫn. Trăng lặn là mọi thứ sẽ thay đổi ngay”. Kinh nghiệm của người lính già không sai, bởi chỉ một lúc sau, đằng mạn tàu phía mũi, tiếng reo hò vang lên, diễn viên ảo thuật Quang Hợp đã giật được một con cá mú nặng khoảng 3kg. Phía trái mạn tàu, nhóm câu lửng còn ầm ĩ, xôm tụ hơn, tuy cá không to nhưng nhiều vô kể. Cá ngừ non khoảng 5 - 7kg, thích đuổi cá chuồn nên thi nhau sập bẫy. Khách thưởng ngoạn và nhất là mấy em nữ trẻ của Đoàn Dân ca Nghệ An, Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân “được dịp” rát tay, khản giọng. Những tràng cười giòn tan, tiếng xuýt xoa thán phục của các cô gái trẻ trở thành phần thưởng “vô giá” với những người lính quanh năm đối mặt với sóng gió. Hội câu càng lúc càng xôm tụ, người câu giật cá đã tay, người không biết câu cũng thỏa thuê ngắm nhìn những màn đấu sức, đấu trí giữa các cần thủ với kình ngư. Trên boong, dưới sàn tàu và các ca bin, mọi người chuyện trò rôm rả như cảnh làng vào hội. Dấu hiệu mệt mỏi của những ngày đêm vượt sóng đại dương như đã tan biến!

. “Ông già và biển cả”

Một chú cá mú hồng bị cánh lính tóm lên bờ.
Một chú cá mú hồng bị cánh lính tóm lên bờ.

Từ lâu, cánh lính đảo đã phân ngôi thứ trong làng cần thủ Vùng 4 Hải quân là “Nhất Liên, nhì Phú, tam Cường”. Chuyến đi lần đó tôi được gặp “Nhất Liên”- Đại tá Nguyễn Văn Liên, coi như là một điều may mắn. Không hổ danh là tay “sát cá” hạng nhất, Đại tá Liên chọn một lưỡi câu bằng thép lớn, có ngạnh rất sắc, cùng cuộn dây cước lớn bằng 1/3 chiếc đũa ăn để câu cá ngừ. “Trăng sáng, cá ăn nổi; trăng tà, cá tìm chỗ sâu trú ngụ. Biển như thế này là lý tưởng nhất cho việc săn ngừ và thu”, ông nói như một lão ngư lão luyện. Móc lưỡi câu vào đầu con chuồn, Đại tá Liên nắm ngay đoạn cước cách cục chì khoảng nửa mét, quay tít ném vèo một cái, cục chì bay xa ra biển làm cuộn dây cước dài khoảng 200m trong tay ông vơi đi một nửa… Nhìn bộ đồ câu của ông, tôi thầm nghĩ những con cá mình câu ở vịnh Nha Trang chỉ xứng để làm mồi câu cá ở đây và cái cách mình câu cá ở nhà chỉ là trò thư giãn!

Những ngày lênh đênh trên biển, tôi đã nghe các thủy thủ kể về những “chiến tích” câu cá của Đại tá Liên. Thế nhưng, đến khi nhìn bàn tay của Đại tá Liên hằn lên những vết sẹo ngang dọc tôi không khỏi giật mình. Hỏi chuyện, người lính già bảo đó là những vết sẹo do sợi cước siết vào đến tứa máu trong các cuộc giằng co với cá. Vừa thoăn thoắt kéo dây cước, ông vừa giảng giải cho tôi về nghệ thuật câu cá. “Khi rê mồi mà kéo dây cước không đều tay, quá nhanh hoặc quá chậm đều không được… Ngay khi cá đớp mồi, tay ghịt nhẹ dây cước. Theo bản năng, con cá tưởng con mồi đang tìm cách thoát thân nên nó đớp và nuốt vào. Khi đó ta phải tận dụng thời cơ để từ từ kéo nó nhích lại gần phía mình. Nếu nó bất ngờ phóng đi thì ta phải thả dây theo nhưng luôn phải giữ độ căng. Cứ như vậy, ta phải tùy cơ ứng biến với thuật cương - nhu, tiến - thoái, phục kích - dứt điểm. Cá càng lớn, thời gian “thu phục” càng lâu và đòi hỏi người câu phải tinh nhạy, khéo léo”, Đại tá Liên chia sẻ kinh nghiệm. Ngay lập tức như để minh họa “bài giảng” về thuật câu cá của ông, một con cá cắn câu. Khoảng vài ba phút kể từ lúc cá cắn câu, tuy chưa thấy con cá đâu nhưng ông bảo: “Con cá này nhỏ, dưới 10kg”. 5 phút sau, con cá ngừ đã nằm gọn trên bàn cân và trọng lượng của nó là 7kg.  

Con cá do Đại tá Nguyễn Văn Liên câu được
Con cá do Đại tá Nguyễn Văn Liên câu được

Sau khi thửa mồi mới, Đại tá Liên lại tiếp tục vung cước. Một lúc sau, ông kéo con mồi lên kiểm tra. Con cá chuồn làm mồi đã bị rỉa hết, chỉ còn cái đầu và bộ xương. Ông tiếp tục thay con mồi mới và quăng xuống biển rồi ung dung ngồi đợi. Bất chợt, tôi nhớ đến hình ảnh ông già Santiago trong truyện “Ông già và biển cả” của nhà văn Hemingway. Sự bình thản của ông chẳng khác nào cái kiểu ông già Santiago kiên nhẫn ngồi đợi cá lớn. Khoảng 10 giờ tối, một con cá lớn cắn câu. Thuật câu cá mà Đại tá Liên đã nói cho tôi nghe bây giờ đang được thể hiện qua từng động tác, cái nhíu mày, cái mím môi ghì sợi cước. Nhiều người đổ dồn ra mạn tàu để xem cá lớn, nhưng nhìn xuống vẫn chỉ thấy nước mênh mông. Một thủy thủ tay cầm cái móc sắt sẵn sàng trợ giúp. Khoảng 15 phút kể từ lúc cắn câu, chúng tôi đã thấy bóng con cá trắng vừa lạng một vòng ra xa thành tàu. Khi Đại tá Liên vừa lựa thế kéo đầu con cá trồi lên khỏi mặt nước, móc sắt cũng cắm phập vào mình cá. Hai người kéo con cá lên mạn tàu trong tiếng reo hò vang dội của mọi người. Ai cũng lại sờ tay vào con cá như để xem cảnh này là thật hay mơ. Mọi người đưa con cá ngừ đi cân và thông báo nó nặng đúng 30kg. Nhiều người xúm lại chụp ảnh kỷ niệm, còn Đại tá Liên thì vẫn bình thản tiếp tục buông câu. Với ông, việc câu cá lớn như vậy không có gì là ghê gớm. Những khi gặp luồng cá đi ăn, mỗi đêm ông câu vài ba tạ cá là chuyện thường. Một thủy thủ cho biết, ngay trong chuyến đi Trường Sa đầu tháng 4-2007, chỉ trong một đêm, Đại tá Liên đã câu được 36 con cá ngừ với tổng trọng lượng 350kg. Điều khá lạ, ông có thú câu cá nhưng lại không thích ăn cá. Dường như với ông, nhấm nháp niềm vui của kẻ chinh phục những loài cá lớn của đại dương cũng là quá đủ.

Giờ đây, nghe đâu Đại tá Liên đã nghỉ hưu về sống ở quê Ninh Bình. Chắc hẳn trong sâu thẳm tâm hồn người lính già ấy sẽ cồn cào nỗi nhớ những chuyến đi biển đầy sóng gió và những lần câu cá ở Trường Sa. Riêng tôi vẫn nhớ mãi những lời tâm sự của ông trong lần đi ấy: “Trường Sa là một ngư trường rộng lớn với rất nhiều loại tôm, cá quý. Mong sao ngày càng có nhiều ngư dân mình ra đây đánh bắt”. Mong muốn của vị đại tá có hơn 30 năm gắn bó với biển, với Trường Sa đang dần trở thành hiện thực! Trường Sa nay đã có những âu tàu sức chứa cả trăm thuyền cho ngư dân tránh bão, đã có những trạm chuyển tiếp xăng dầu cho ngư dân chỉ với giá như trong đất liền… Và nhiều ngư dân miền Trung cũng đã tiến ra biển lớn...

XUÂN THÀNH