11:01, 24/01/2012

Hồng Kông – Ấn tượng về giao thông

Một ngày cuối năm, chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất để chỉ sau 2 giờ 10 phút, đã có mặt tại phi trường quốc tế Chek Lap Kok (Hồng Kông) trong tiết trời se lạnh. Từ trên nhìn xuống, có thể dễ dàng nhìn thấy một trong những sân bay lớn nhất châu Á được san bằng từ đồi núi,....

Một ngày cuối năm, chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất để chỉ sau 2 giờ 10 phút, đã có mặt tại phi trường quốc tế Chek Lap Kok (Hồng Kông) trong tiết trời se lạnh. Từ trên nhìn xuống, có thể dễ dàng nhìn thấy một trong những sân bay lớn nhất châu Á được san bằng từ đồi núi, vươn mình ra phía biển với diện tích hơn 1.255ha, nối liền hai đảo Chek Lap Kok, Lam Chau và tiếp giáp với Lantau. Sau 6 năm xây dựng với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, ngày 6-7-1998, sân bay Chek Lap Kok chính thức được đưa vào hoạt động, thay thế sân bay Kai Tak ở bán đảo Cửu Long (Kowloon). Nhà ga sân bay Chek Lap Kok lớn thứ ba thế giới, có 70 cửa lên và 63 cửa xuống máy bay. Hiện Chek Lap Kok thu hút 90 hãng hàng không với những đường bay vươn tới 150 thành phố trên thế giới. Sân bay này được xếp vào danh sách những cảng hàng không bận rộn nhất thế giới, hoạt động suốt ngày đêm với tần suất 2 phút/1 máy bay cất cánh và 1 máy bay đáp xuống đường băng, mỗi năm có 45 triệu lượt khách và 9 triệu tấn hàng hóa lên xuống Chek Lap Kok.

1
Cầu Thanh Mã bắc qua eo biển Mã Loan.

Ấn tượng đầu tiên về “bức tranh giao thông” Hồng Kông với một sân bay khổng lồ được củng cố thêm sau những ngày lưu lại đây chúng tôi được tận mắt thấy mạng lưới giao thông đường bộ đan xen, chia tách theo kiểu cầu vượt không gian. Trên đường từ bán đảo Cửu Long sang đảo Hồng Kông, bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi là cây cầu treo Thanh Mã (Tsing Ma) bắt qua eo biển Mã Loan khánh thành ngày 27-4-1997. Đây là cây cầu đẹp nhất châu Á, có nhịp chính dài 1.377m và là nhịp lớn thứ bảy trên thế giới; gồm 2 tầng với chiều rộng 41m dành cho 6 làn đường bộ, 2 tuyến đường sắt MTR. Khi có bão, gió lớn, ô tô sẽ chạy vào tầng dưới - là bụng cầu. Ban ngày, cây cầu hiện ra trước mắt chúng tôi đầy vẻ hùng vĩ, nối liền Thanh Y (Tsing Yi) với Mã Loan (Ma Wan). Về đêm, đèn đường soi bóng xuống eo biển tạo nên vẻ đẹp lung linh lạ thường. Trước khi vào đảo Hồng Kông, xe qua đường hầm xuyên vịnh biển Victoria dài 2,2km, rộng 24m. Đường hầm do một trong những tỷ phú Hồng Kông xây dựng với số vốn 320 triệu USD và nhanh chóng thu hồi vốn chỉ sau 3 năm, rồi được chuyển giao cho Chính phủ quản lý khai thác. Hồng Kông đã khiến Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân - người đã từng đến một số nước châu Âu, cũng phải không rời ống kính để bấm máy.

2
Một góc nhỏ ở bán đảo Cửu Long.

Trong “bức tranh giao thông” đầy chất hiện đại đó, Hồng Kông còn khiến chúng tôi bất ngờ khi thấy những chuyến tàu điện 2 tầng - loại phương tiện giao thông công cộng có từ năm 1888, vẫn hoạt động suốt 123 năm qua ở phía Bắc Hồng Kông vì thuận tiện, véù cực rẻ. Phương tiện giao thông độc đáo này được ví như một nốt nhạc trầm lắng trong “bản nhạc giao thông” sôi nổi tại mảnh đất Hồng Kông với nhiều tòa cao ốc hiện đại. Nếu như hai hệ thống tàu điện ngầm cao tốc MTR kết nối giữa Hồng Kông với Trung Hoa đại lục đưa du khách trên chặng đường dài, thì dịch vụ xe bus 2 tầng (du nhập Hồng Kông năm 1949) và taxi hầu như lúc nào, ở đâu cũng có. Hồng Kông từng là thuộc địa Anh, nên ô tô lưu thông bên trái phần đường như ở Anh Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...

3
Dù mật độ cao nhưng giao thông ở Hồng Kông không hề lộn xộn.

Đường bộ ở Hồng Kông được xây dựng hiện đại và bền vững, mặt đường không có “ổ gà”, “ổ voi”. Ở những nơi cần tu sửa, dù chỉ nửa mét vuông, họ cũng rào chắn bốn phía,  bố trí đủ ánh sáng quan sát và đèn cảnh báo cẩn thận. Ngay phần đường dành cho người đi bộ cũng được rào chắn, cách biệt với lòng đường. Khác với Việt Nam, ở Hồng Kông, trên đường bộ sử dụng “cảnh sát điện tử”, kịp thời phát hiện mọi hành vi sai phạm từ mạng lưới camera. Bằng chứng cứ này, bất kỳ lái xe nào, vi phạm ở đâu và khi nào, đều bị xử lý nghiêm minh. Một đêm, đi qua Loan Tử (Whan Chai) - một trong 18 quận ở Hồng Kông, chúng tôi tình cờ thấy 2 cảnh sát điều khiển mô-tô lướt nhanh trên đường vì phía trước có sự cố giao thông. Xe cứu hộ được điều đến giải phóng hiện trường với thời gian tính bằng phút. Tuy nhiên, sự cố giao thông cũng ít thấy ở Hồng Kông. Những ngày ở đây, cũng hiếm khi chúng tôi nghe được tiếng còi ô tô. Lái xe ở đây có nhận thức pháp luật rất cao, nên trên đường phố, đường hầm và trên những cây cầu, ô tô có thể vận hành với tốc độ cao và thông suốt. Chúng tôi đã cảm nhận được ý thức pháp luật đó khi lên đỉnh Thái Bình cao 552m nằm giữa đảo Cửu Long và Hồng Kông, chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau rất trật tự trên những con đường uốn lượn quanh co theo lưng núi. Một điều khá thú vị là ngoài danh mục biển số ô tô do cảnh sát cấp, người dân Hồng Kông có thể chọn mua biển số theo chữ viết hay con số. Trường hợp nhiều người cùng chọn một số hoặc một chữ viết thì phải đấu giá. Khi chuyển nhượng xe, hoặc xe hết niên hạn sử dụng, họ có quyền dùng tiếp biển số đó để gắn vào xe mới mua.

4
Tàu điện hoạt động hơn 123 năm qua ở Hồng Kông.

Trong những ngày ở Hồng Kông, chúng tôi đã đến bán đảo Tân Giới dự Festival du thuyền quốc tế. Thu thập kinh nghiệm cũng là mục đích chuyến đi của chúng tôi bởi tháng 7-2012, Công ty Thái Sơn - Bình Dương thuộc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng đảm nhiệm tổ chức Festival du thuyền quốc tế tại biển Nha Trang - Việt Nam. Nói đến du thuyền, lại nhớ tới loại phương tiện giao thông đường thủy công cộng đã chở chúng tôi trong hành trình Hồng Kông - Thâm Quyến. Đó là tàu cánh ngầm 2 tầng, ghế nệm, thoáng sạch, chạy êm như ru và chỉ sau 30 phút đã cập bến Trung Hoa đại lục. Ấn tượng về giao thông thủy ở Hồng Kông trong chúng tôi cũng phong phú hơn khi đêm trước được đi phà trên vịnh Victoria, ngắm phố đêm hoa lệ.

5
Đường hầm xuyên vịnh biển Victoria.

Chuyến xuất ngoại ngổn ngang bao ấn tượng. Nhưng dù tới điểm nào trên đất Hồng Kông, chúng tôi đều di chuyển bằng một loại phương tiện nào đó, nên thật khó quên chuyện giao thông. Trên chuyến bay trở về Việt Nam, tôi chợt mơ giấc mơ về giao thông Việt Nam đổi mới và phát triển, để chia vui trước ngưỡng cửa mùa Xuân.

6
Ở Hồng Kông, người ta chỉ thấy cảnh sát khi xảy ra sự cố giao thông.

HỮU TOÀN - XUÂN XE