07:01, 23/01/2012

Gặp gỡ doanh nhân đầu năm

Năm 2011, trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nổ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Năm 2011, trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nổ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Bước sang năm 2012 với dự báo không ít thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với hy vọng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục vượt khó, "cất cánh" trong năm Nhâm Thìn 2012.

° Bà Nguyễn Thị Hoa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa:
Gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên cơ sở ổn định vùng nguyên liệu

Những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa luôn chú trọng phát triển doanh nghiệp trên cơ sở phát huy tối ưu ngành mía đường, nâng công suất chế biến song song với cải tạo hệ thống thiết bị công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu Đường Ninh Hòa trở thành một thương hiệu mạnh của khu vực và cả nước. Điều này khẳng định bằng việc thương hiệu của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa được vinh danh tại Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2011, được Tạp chí Forbes bình chọn doanh nghiệp Top 200 doanh nghiệp dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á.

Niên vụ 2010 - 2011, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa đã tập trung đầu tư thâm canh, phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía với diện tích mía nguyên liệu đạt hơn 7.100ha (trong đó tại Khánh Hòa hơn 5.430ha và huyện M’Đrăk, Đắc Lắc hơn 1.670ha). Công ty đã ứng 91 tỷ đồng để đầu tư cho nông dân trồng mía, sản lượng mía thu mua và chế biến cả vụ đạt gần 400 nghìn tấn, tăng 60,5% so với vụ trước; năng suất bình quân đạt hơn 52,8 tấn/ha, tăng 28,3%; chữ đường bình quân đạt 10,32 CCS; sản xuất 39 nghìn tấn đường, doanh thu đạt 785 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 35 tỷ đồng… Niên vụ sản xuất mía đường 2011 - 2012, Công ty đã ứng vốn đầu tư cho người trồng mía hơn 130 tỷ đồng, ký hợp đồng thu mua mía nguyên liệu với 2.660 hộ nông dân. Từ sản lượng mía nguyên liệu dự kiến thu mua đạt khoảng 450 nghìn tấn (tăng 50 nghìn tấn so với niên vụ 2010 - 2011), Công ty sẽ sản xuất 45 nghìn tấn đường.

Để ổn định sản xuất kinh doanh, Công ty luôn chú trọng phát triển ổn định vùng nguyên liệu; xây dựng mối quan hệ gắn bó với người trồng mía theo hướng liên kết lâu dài. Ngoài việc quan tâm nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa giống mía mới có năng suất cao, Công ty còn áp dụng nhiều chính sách như: bảo hiểm chữ đường, cam kết thu mua 100% mía nguyên liệu; hỗ trợ lãi suất đầu tư trồng mía cho nông dân; hỗ trợ chi phí chuyển đổi giống mía mới… Mặt khác, Công ty đẩy mạnh công tác khuyến nông để tăng năng suất và chất lượng mía; chú trọng đến công tác giống, kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa trong sản xuất… nhằm đảm bảo lợi ích của người trồng mía.

Để tăng sức mạnh cạnh tranh trên đường hội nhập kinh tế quốc tế, Công ty tập trung phát triển vùng nguyên liệu bền vững nhằm đáp ứng đủ cho nhà máy chế biến với công suất 4.000 tấn mía/ngày vào năm 2013; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất cây mía, mục tiêu đến năm 2015, 50% diện tích trồng giống mía mới cho năng suất và chất lượng cao. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong khu vực để tạo thêm sức mạnh và hợp tác cùng phát triển.

B.L (Ghi)



 

Bà Lương Thị Cẩm Tú - Giám đốc Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa:
Giải bài toán nguồn vốn hiệu quả

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay. Để sử dụng vốn hiệu quả, các doanh nghiệp cần dựa trên nhu cầu vốn lưu động để xác định kế hoạch huy động vốn, xác định khả năng tài chính hiện tại của công ty, số vốn còn thiếu, so sánh chi phí huy động vốn từ các nguồn tài trợ để lựa chọn kênh huy động vốn phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng thừa vốn, gây lãng phí hoặc thiếu vốn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời hạn chế rủi ro có thể xảy ra.

Là lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Khánh Hòa, chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hoạt động của mình, chúng tôi có thể tư vấn miễn phí về việc sử dụng đồng tiền có hiệu quả, tư vấn các lĩnh vực đầu tư sản xuất có tiềm năng phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao, đồng thời liên doanh với doanh nghiệp để tham gia tài trợ, đồng tài trợ cho doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất, dịch vụ khả thi. Hiện nay, Sacombank có chính sách ưu đãi lãi suất và phí đối với các khách hàng thường xuyên có tham gia nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, quan hệ tốt và uy tín với Sacombank. Sacombank cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện khách quan cho phép, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thêm vào đó, chúng tôi luôn năng động tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tài chính nước ngoài như IFC, ADB, FMO… Chúng tôi đóng vai trò trung gian trong việc nhận nguồn vốn hỗ trợ tài chính và phân phối lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Việc giúp các doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý giúp doanh nghiệp đứng vững, lớn mạnh và hội nhập kinh tế quốc tế là một sứ mệnh quan trọng không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà là của toàn xã hội. Sacombank Khánh Hòa luôn trân trọng và sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên phương châm cùng hỗ trợ nhau đứng vững, hội nhập và phát triển.

B.K (Ghi)




 

° Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang:
Ổn định thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài

Năm 2011, vượt qua khó khăn, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang có bước phát triển vượt bậc so với năm 2010. Công ty đã thu mua 2.100 tấn cá nguyên liệu, 1,5 triệu lít nước mắm bán thành phẩm để sản xuất và tiêu thụ 5 triệu lít nước mắm; tổng doanh thu đạt 60 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2010; nộp ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận đạt 2,9 tỷ đồng, tăng 14%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,5%. Công ty còn tập trung xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ; thương hiệu nước mắm 584 Nha Trang đã được người tiêu dùng đón nhận và khẳng định bằng giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2011.

Dự báo năm 2012 tiếp tục sẽ là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện đang quay lại sử dụng sản phẩm nước mắm truyền thống…, đây là cơ hội tốt để ngành sản xuất nước mắm truyền thống phát triển. Trước cơ hội phát triển, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang đã tích cực tham gia Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam (dự án do Đan Mạch tài trợ) với mục tiêu ổn định thị trường trong nước và đưa sản phẩm, thương hiệu nước mắm 584 Nha Trang ra thị trường quốc tế. Trong những năm tiếp theo, Công ty chú trọng thực hiện việc thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho doanh nghiệp, đầu tư nâng cấp trung tâm kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình sản xuất nước mắm có quy mô nhỏ, thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, chuyển giao công nghệ xuất khẩu, thực hiện các bộ tiêu chuẩn quản lý, đo lường chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung cấp kỹ thuật cho các hộ sản xuất, đồng thời là đầu mối thu gom, đánh giá sản phẩm sản xuất tại các hộ gia đình để phục vụ xuất khẩu, liên kết với các đơn vị để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh…

BÍCH LA (Ghi)