03:01, 24/01/2012

Công nghiệp Khánh Hòa năm 2011: Những con số ấn tượng

Nhìn lại năm 2011, tuy gặp không ít khó khăn nhưng ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan với tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16% so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 24,5% so với năm 2010.

Nhìn lại năm 2011, tuy gặp không ít khó khăn nhưng ngành Công nghiệp của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan với tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16% so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng 24,5% so với năm 2010. Theo nhận định, năm 2012 tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành Công nghiệp. Để phát triển ngành Công nghiệp - mũi nhọn kinh tế của địa phương - rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp.

. Khó khăn vẫn tăng trưởng khá

Năm 2011, vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp để tháo gỡ, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp lớn và tăng trưởng cao như: Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin có giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 4.454 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2010; Tổng Công ty Khánh Việt có giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 3.442 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa có giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 852 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2010…

Năm 2011, ngành Dệt may tiếp tục có bước phát triển ổn định.
Năm 2011, ngành Dệt may tiếp tục có bước phát triển ổn định.

Đóng góp lớn vào sự phát triển chung của ngành Công nghiệp tỉnh phải kể đến sự tăng trưởng vượt bậc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.324 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm 2010. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhà nước địa phương cũng có mức tăng trưởng khá, với tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.436 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2010. Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng “dễ bị tổn thương” nhất khi nền kinh tế có biến động nhưng đã chủ động khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, đạt 100% kế hoạch đề ra từ đầu năm, với tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.805 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2010. Trong khi các loại hình kinh tế khác duy trì sản xuất ổn định và có mức tăng trưởng khá thì năm 2011 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế này chỉ đạt 295 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2010.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Trước những khó khăn của nền kinh tế, giá trị sản xuất của ngành Công nghiệp tỉnh trong năm 2011 vẫn đạt hơn 17.860 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2010, vượt 2,5% kế hoạch, đây là con số khá ấn tượng. Ngành Công nghiệp đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh, từ 42,22% năm 2010 lên 43,7% năm 2011. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng cao chủ yếu là nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin và một số doanh nghiệp Nhà nước địa phương như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa… Đây là những đơn vị luôn duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao...”.

. Năm 2012: thách thức và cơ hội

Công nghiệp đóng tàu tiếp tục có đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Công nghiệp tỉnh trong năm 2011.
Công nghiệp đóng tàu tiếp tục có đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Công nghiệp tỉnh trong năm 2011.

Dự báo năm 2012, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn chưa có lối thoát... trong nước lạm phát, lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao... sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong khi đó, các “nhân tố mới” góp phần thúc đẩy sự phát triển chưa có nên ngành Công nghiệp của tỉnh khó có thể đạt được những con số tăng trưởng như năm 2011. Nhận định những khó khăn thách thức trong năm 2012, ngành Công nghiệp tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng 12,5% so với năm 2011; kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2011. Để thực hiện được những con số này không phải là điều dễ dàng.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, các cơ quan liên quan của tỉnh cần quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư công nghiệp lớn như: Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Trung tâm Điện lực Vân Phong... Qua đó kêu gọi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất; triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, ngoài nguồn kinh phí khuyến công địa phương, cần tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia của Bộ Công Thương để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ở nông thôn. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp cần chủ động tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, ổn định lực lượng lao động… Có như vậy, ngành sản xuất công nghiệp tỉnh mới có thể duy trì được tốc độ phát triển khá trong năm 2012.

Tuy gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu nhưng ngành công nghiệp chế biến thủy sản vẫn có bước tăng trưởng khá.
Tuy gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu nhưng ngành công nghiệp chế biến thủy sản vẫn có bước tăng trưởng khá.

B.L

 Ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa: Cần thường xuyên “khám sức khỏe” cho DN

Trước những khó khăn đặt ra trong năm 2012, để giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa phát triển sản xuất kinh doanh, lãnh đạo tỉnh cùng các sở ngành nên thường xuyên “khám sức khỏe” cho DN. Qua đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN nhằm kịp thời có giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
 
 Ông Trần Xủn - Trưởng Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa: DN cần chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ

Năm 2011, dù đối mặt với không ít thách thức nhưng ngành Công nghiệp Khánh Hòa có sự tăng trưởng khá cao; bên cạnh đó, sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cũng rất ấn tượng. Để tiếp tục duy trì sự tăng trường và phát triển trong những năm tiếp theo, các DN tại Khánh Hòa cần đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nhất là công nghệ sạch để sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo các yêu cầu của nhà nhập khẩu… Ngoài ra, để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, một trong những mũi nhọn của công nghiệp Khánh Hòa, vấn đề ổn định vùng nguyên liệu cũng cần được chú trọng.