Tuy con rồng là một con vật tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, nhưng bóng dáng của nó đã trở thành rất phổ biến trong đời sống xã hội nước ta, và cũng đã tiềm ẩn trong tâm thức sâu thẳm của mọi người dân Việt.
Tuy con rồng là một con vật tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, nhưng bóng dáng của nó đã trở thành rất phổ biến trong đời sống xã hội nước ta, và cũng đã tiềm ẩn trong tâm thức sâu thẳm của mọi người dân Việt.
Con rồng đã cùng với những nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc, như Lý Thái Tổ thấy rồng vàng xuất hiện nên đặt tên Kinh đô mới là Thăng Long; và sống cùng với những con vật trong nghệ thuật Việt Nam, như qua bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Và nó vẫn tồn tại đến ngày nay, chẳng những nằm yên trong sử sách, trong các tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí), mà còn múa may, bay lượn một cách sống động và hấp dẫn trong các lễ hội dân gian.
Con rồng Việt đã ra đời từ thời Hồng Bàng với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” chứa đầy huyền thoại. Ẩn phục mấy ngàn năm, nó bay lên vào năm 1.010 vào đầu đời Lý, rồi đi theo con đường phát triển của dân tộc trong gần 1.000 năm nay để sinh ra một đàn 9 con chung sống trên vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Nam bộ. Cuộc đời của con rồng Việt cũng lâu dài và sức sống của nó cũng mãnh liệt như chính lịch sử tiến hóa của dân tộc.
Mẫu Rồng thời Lý |
Từ con rồng là một biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi, nó hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: ông Vua. Yết kiến “long nhan” không phải nhìn thấy “mặt rồng” mà là được gặp con người đứng trên trăm họ. Vua và rồng như hình với bóng. Hình ảnh con rồng đã được các triều đại quân chủ Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình từ Thăng Long thuở ấy đến Cố đô Huế hiện nay.
Khi thấy dân chúng bắt chước hình ảnh con rồng để tô vẽ, đắp nối, khắc chạm tại các công trình kiến trúc trong dân gian như nhà ở, đình chùa, miếu mạo, thì triều đình cấm không làm rồng đầy đủ cả 5 móng và tô điểm đẹp đẽ như rồng của Vua. Trước luật lệ khắt khe đó, họ lại làm rồng từ 4 móng trở xuống với hình thức đơn giản hơn, nhưng vẫn là rồng. Con rồng phổ biến trong dân gian tuy đơn giản, nhưng vô cùng linh hoạt và bay bướm. Nhiều vật thể đã được người nghệ sĩ tài hoa cách điệu hóa thành rồng để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và thỏa mãn ước vọng thăng hoa của nội tâm lãng mạn. Một đóa hoa, một nhành lá, một cành mai, một thân trúc, một gốc tre đều có thể kiểu thức hóa thành rồng với hàng trăm mô-típ trang trí tuyệt vời.
Nhưng con rồng không phải chỉ dùng để trang trí, mà nó còn có một ý nghĩa sâu xa trong sinh hoạt đời thường của người Việt: biểu tượng cầu mưa, ước mong phồn thực. Từ thuở xa xưa, nhân dân ta sống chuyên về nghề trồng lúa nước. Đã làm ruộng nước thì cần phải có mưa thuận gió hòa. Đối với nông dân trong mấy ngàn năm qua, hiện tượng cơn lốc cuốn nước ngoài biển khơi là hình ảnh con rồng thò đầu xuống đại dương uống nước để lên trời làm mưa tưới tắm ruộng đồng. Bất cứ thời nào, mưa cũng là một nhu cầu thiết yếu, một điều kiện sống còn đối với nông nghiệp. “Đến ngày nay, người dân quê Việt Nam vẫn thường coi những hiện tượng của khí tượng như gió lốc cuốn nước biển, là hình ảnh của rồng hút nước gây mưa”.
Hơn 90% người Việt sống bằng nghề nông. Chính các vua chúa ngày xưa cũng xem nghề nông là “bản nghệ” (nghề gốc, nghề chính, nghề quan trọng nhất trong nước), thương nghiệp chỉ là “mạt nghệ” (nghề ngọn). Cho nên, dù được trang trí ở đâu (trong cung đình, ngoài dân gian) và bất cứ thời đại nào (Lý, Trần, Lê, Nguyễn), hình ảnh con rồng vẫn luôn luôn đi kèm với mây trời và sóng nước. Do vậy, con rồng đã trở thành phúc thần của người làm ruộng là một điều tất yếu, và trở nên bản mệnh của người làm vua cũng là một lẽ tất nhiên.
Người xưa cũng đã thường xem con rồng là một linh vật. Nó đứng đầu trong “tứ linh” như đã thấy. Qua ca dao, người bình dân Việt Nam quan niệm con rồng như là một hình ảnh đẹp, có giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng thuộc về loài vật, nhưng là loài vật cao cấp nhất. Có nhiều câu ca dao đã sử dụng hình tượng con rồng để nói bóng về một con người cao sang hay một cái gì đáng quý:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra giòng liu điu
Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài
Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng
Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư
Tuy nhiên, đối với dân ta, con rồng không phải luôn luôn là một thực thể bất khả xâm phạm. Có khi người ta dùng hình ảnh nó như một thứ để giễu cợt, mỉa mai kẻ bất chính, không có thực tài mà cao ngạo:
Rồng nằm bể bắc phơi râu,
Đến khi nước cạn hở đầu hở đuôi
Trẻ con cũng đem hình ảnh con rồng ra để dùng vào trò chơi đố:
Đầu rồng đuôi phụng le te,
Mùa Xuân ấp trứng, mùa Hè nở con
(Cây cau)
Từ một con vật trong huyền thoại của nền văn minh nông nghiệp xa xưa (Long của Trung Hoa, Makara của Ấn Độ, Rồng của Việt Nam), nó đã được đưa vào nằm trong cổ thư. Rồi từ chữ nghĩa trong sách vở, con rồng lại bò ra khỏi trang giấy để hiện hình trên các công trình kiến trúc, rồi đi vào trong đời sống văn hóa, xã hội và tâm thức của nhân dân ta. Con rồng chẳng những là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, mà còn là hình ảnh quen thuộc và gần gũi trong đời sống dân dã. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, có lẽ không có một con vật nào mà chức năng đã được biến hóa một cách linh hoạt bằng con rồng.
PHAN THUẬN AN